Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre phát biểu tại buổi thảo luận tổ
Theo trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre Nguyễn Trúc Sơn, tái cơ cấu nền kinh tế xuất phát từ quan điểm, chủ trương của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về phát triển đất nước giai đoạn 2020-2025; thế giới đang chuyển động, kinh tế thế giới đang có sự chuyển đổi, Việt Nam đang chủ động tham gia hội nhập sâu rộng thông qua các hiệp định thương mại tự do, hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; và các yếu tố an ninh phi truyền thống như đại dịch COVID-19 và biến đổi khí hậu làm đảo lộn các kế hoạch, phương án phát triển trước đây.
Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn cho rằng, Chính phủ nên chọn ra những vấn đề mang tính then chốt, trọng tâm cần tái cơ cấu. Kế hoạch này được xây dựng theo hướng tổng thể, có sự lặp lại một phần của các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trước đó. Đại biểu Sơn đồng ý với ý kiến thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội là cần chọn ra một số lĩnh vực, nội dung trọng tâm để tập trung cơ cấu lại, trong đó, nội dung cần chọn lọc là vấn đề tăng trưởng. Chính phủ cần phải tháo gỡ ngay các “điểm nghẽn” về thể chế; phải nghiên cứu sửa đổi sớm một số Luật liên quan đến vấn đề đầu tư như đất đai, xây dựng, thuế… Ngoài ra, cần tháo gỡ nhanh các “điểm nghẽn” về chính sách trong lĩnh vực phát triển đô thị; phải có cơ chế liên kết vùng cho chặt chẽ, thực chất và hiệu quả, tạo sự đồng thuận và nhất quán trong hành động vì sự phát triển chung.
Bên cạnh đó, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre cho rằng, giải pháp phát triển kinh tế biển trong kế hoạch còn mờ nhạt. Việt Nam có 28 tỉnh, thành có kinh tế biển, chiếm 70% GDP của quốc gia. Kinh tế biển bao gồm nhiều ngành nghề. Hiện nay, nước ta đang đối mặt với khủng hoảng về năng lượng, giá dầu tiếp tục leo thang, điện đang thiếu, trong khi tiềm năng kinh tế biển rất lớn. Do đó đại biểu Sơn kiến nghị Chính phủ xem xét bổ sung nhóm giải pháp phát triển kinh tế biển để vừa tạo không gian phát triển, ứng phó với biến đổi khí hậu, vừa đảm bảo quốc phòng, an ninh khu vực biên giới biển.
Từ Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre kiến nghị Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển 13 tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, mở rộng không gian phát triển, trong đó có kinh tế biển.
Về dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025), Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn đề nghị Chính phủ cần có sự tham vấn ý kiến của địa phương, xem xét các mục tiêu phát triển của vùng, của tỉnh trong xây dựng quy hoạch, kế hoạch. Vì nhiều công trình, dự án được các tỉnh xác định là cần thiết đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhưng khi thanh tra, kiểm tra lại không có trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của quốc gia.
Liên quan đến đất trồng lúa ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đại biểu Sơn nêu thực tế diện tích đất lúa trên giấy và trên thực tế phải dần dần thu hẹp sự chênh lệch, chúng ta cần phải thừa nhận diện tích đất lúa thật trên thực tế để có chính sách sát đúng cho nông nghiệp. Đất không mất đi, đa phần chỉ bị chuyển đổi mục đích sử dụng nhưng có loại đất mất đi là vùng đất bị sạt lở do xâm thực, biến đổi khí hậu, cần đánh giá thêm các tác động của thực trạng này. Tuy nhiên, còn vấn đề Chính phủ chưa đặt ra là việc lấn biển để tạo không gian phát triển, cần có quan điểm cởi mở về vấn đề này, đồng thời, nghiên cứu các giải pháp khoa học, hợp lý để triển khai thực hiện ở những nơi có điều kiện thích hợp, bù đắp lại diện tích đất đã bị sạt lở, góp phần giải quyết tình trạng “đất chật, người đông”. Bên cạnh đó, Chính phủ xem xét lại vấn đề quản lý đất đai khu vực biên giới biển, nhất là mặt nước, đối với các công trình, dự án có vốn đầu tư nước ngoài, để đảm bảo an ninh quốc phòng và tiềm năng kinh tế biển của các tỉnh, thành phố./.