ĐẠI BIỂU PHẠM HÙNG THẮNG: QUY ĐỊNH ĐỂ KHẮC PHỤC TÍNH HÌNH THỨC VÀ CHẠY THEO THÀNH TÍCH TRONG THI ĐUA KHEN THƯỞNG

30/10/2021

Tán thành với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Thi đua, khen thưởng, đại biểu Phạm Hùng Thắng, đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam nêu 3 ý kiến tham gia hoàn thiện dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), trong đó có nội dung quy định như thế nào để khắc phục được tính hình thức và chạy theo thành tích trong thi đua, khen thưởng.

 

Đại biểu Phạm Hùng Thắng, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam phát biểu thảo luận

Phát biểu tại phiên thảo luận trực tuyến về Dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng(sửa đổi), đại biểu Phạm Hùng Thắng bày tỏ nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội, nhất trí về sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Thi đua, khen thưởng, đồng thời tham gia 3 ý kiến đối với dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng sửa đổi, cụ thể như sau:

Thứ nhất, về thi đua, không thể phủ nhận vai trò, động lực và những hiệu quả to lớn của các phong trào thi đua đem lại đối với đời sống xã hội và trong quá trình xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Dự thảo luật sửa đổi đã có những điều chỉnh, bổ sung về hình thức, phạm vi thi đua. Tuy nhiên, qua nghiên cứu cho thấy nội dung thi đua trong dự thảo luật sửa đổi vẫn còn mang nặng tính hành chính và tính chất nhà nước. Thi đua là hoạt động có tổ chức với sự tham gia tự nguyện, tự giác của các cá nhân, tập thể phấn đấu vì những mục đích chung, hướng tới những điều tốt đẹp, mục tiêu cao hơn trong học tập, công tác lao động, sản xuất, kinh doanh, phát huy được sức mạnh của cá nhân, tập thể trong xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Mục tiêu và phạm vi hình thức tổ chức thi đua phụ thuộc vào từng tổ chức, cơ quan, đơn vị và mỗi cộng đồng chứ không phải tất cả đều giống nhau, có cái thi đua để phát huy, có cái thi đua để khắc phục, có cái thi đua để cống hiến hơn. Chính vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát, bổ sung thêm về phạm vi đối tượng, thẩm quyền phát động, chỉ đạo phong trào thi đua để có quy định khuyến khích mọi hình thức thi đua với sự tham gia của đa dạng, đông đảo các thành phần, tầng lớp trong xã hội.

Thứ hai, về khen thưởng. Một vấn đề quan trọng đặt ra hiện nay là làm sao khắc phục được tính hình thức và chạy theo thành tích trong thi đua, khen thưởng, nhất là trong khen thưởng. Để giải quyết được vấn đề đó, luật sửa đổi cần phải có những quy định rõ, cụ thể và theo quan điểm của tôi, khen thưởng phải theo công trạng, phải dựa trên công trạng của các cá nhân, tập thể đạt được. Có như vậy, mới thực sự động viên đối tượng được khen thưởng và khích lệ cộng đồng xã hội học tập, phát huy và hướng tới. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo xem lại một số quy định trong dự thảo luật, cụ thể là tại khoản 2, khoản 3 Điều 3, giải thích từ ngữ quy định: "Danh hiệu thi đua là hình thức ghi nhận, biểu dương, tôn vinh cá nhân, tập thể có thành tích trong phong trào thi đua và kèm theo mỗi danh hiệu thì đều có phần thưởng kèm theo", còn khen thưởng là: "Việc ghi nhận, biểu dương, tôn vinh công trạng và khuyến khích bằng lợi ích vật chất đối với cá nhân, tập thể có thành tích trong xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa" và Điều 4 dự thảo lại quy định: "Khen thưởng theo nhiều loại hình, đó là khen thưởng theo công trạng, khen thưởng theo thành tích đột xuất, thành tích trong các phong trào thi đua, thành tích cống hiến, thành tích niên hạn công tác". Vậy thực chất khen thưởng là theo công trạng hay thành tích? Đề nghị rà soát lại để có sự thống nhất giữa nội hàm khái niệm khen thưởng với các loại hình khen thưởng, nếu không sẽ dẫn đến việc khi quy định các tiêu chuẩn cụ thể sẽ mất đi bản chất thực sự của khen thưởng là ghi nhận công trạng. Và nếu thống nhất được vấn đề này, các điều, khoản quy định cụ thể của phần khen thưởng sẽ cụ thể và rõ ràng hơn.

Thứ ba, qua nghiên cứu báo cáo tổng kết Luật Thi đua, khen thưởng cho thấy, có nhiều nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong công tác thi đua, khen thưởng hiện nay. Mặc dù phải thừa nhận rằng, nhiều quy định của luật và các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện về công tác thi đua, khen thưởng còn chung chung, chưa được cụ thể hóa, khó định lượng. Tuy nhiên chất lượng hiệu quả và cả những tồn tại, hạn chế trong công tác thi đua, khen thưởng phụ thuộc rất nhiều ở khâu tổ chức, triển khai thực hiện, nhất là ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị chứ không hoàn toàn do luật. Do vậy, cũng cần phải có những quy định rõ hơn về nguyên tắc, trách nhiệm và việc xử lý vi phạm của cơ quan, đơn vị, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu, của cá nhân trong tổ chức triển khai thực hiện các phong trào thi đua, khen thưởng, trong đề nghị khen thưởng và quyết định khen thưởng. Dự thảo luật đã có quy định, song chưa thể hiện rõ vấn đề này./.