ĐẠI BIỂU PHAN VĂN XỰNG: SỬA ĐỔI TIÊU CHUẨN KHEN THƯỞNG THEO CÔNG TRẠNG THỐNG NHẤT VỚI NGUYÊN TẮC THI ĐUA

30/10/2021

Cho ý kiến về Dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng(sửa đổi), đại biểu Phan Văn Xựng, Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh quan tâm đến tiêu chuẩn khen thưởng theo công trạng và thành tích đạt được của tập thể và đề nghị sửa đổi tiêu chuẩn này cho thống nhất với nguyên tắc thi đua và phù hợp với thực tiễn.

 

Đại biểu Phan Văn Xựng, Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh phát biểu thảo luận

Tại phiên thảo luận, đại biểu Phan Văn Xựng tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Thi đua, khen thưởng và nhận định dự thảo luật đã cơ bản bám sát quan điểm chỉ đạo và phù hợp với thực tiễn công tác thi đua, khen thưởng hiện nay. Đại biểu Phan Văn Xựng cũng đề nghị Ban soạn thảo xem xét một số nội dung sau:

Một là, về tiêu chuẩn khen thưởng theo công trạng và thành tích đạt được của tập thể đối với Huân chương Độc lập, Huân chương Quân công, Huân chương Lao động và Huân chương Bảo vệ Tổ quốc. Tại khoản 3 các Điều 33 đến 38, khoản 4 các điều từ 39 đến 41, khoản 2 các điều từ 42 đến 44 của dự thảo luật quy định một tập thể muốn được tặng Huân chương thì trong 1 năm phải được tặng thưởng 2 danh hiệu thi đua, vừa là danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc hoặc Đơn vị quyết thắng, vừa được tặng Cờ thi đua. Như vậy, không đúng với nguyên tắc khen thưởng là không tặng thưởng nhiều hình thức cho một thành tích đạt được. Hiện nay hằng năm một tập thể chỉ được xét tặng một danh hiệu thi đua, do vậy đề nghị sửa đổi tiêu chuẩn này cho thống nhất với nguyên tắc thi đua và phù hợp với thực tiễn.

Hai là, về khen thưởng đột xuất. Việc dự thảo luật đã bỏ quy định tiêu chuẩn khen thưởng thành tích đột xuất đối với các hình thức khen thưởng Huân chương Lao động hạng nhất tại Điều 39 và Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng nhất tại Điều 42 là chưa phù hợp với chủ trương, coi trọng việc phát hiện, lựa chọn các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc để khen thưởng theo Chỉ thị 34 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác thi đua, khen thưởng và nguyên tắc khen thưởng quy định tại điểm d khoản 2 Điều 6 dự thảo luật là thành tích đến đâu khen thưởng đến đó. Đề nghị nên giữ nguyên hình thức khen thưởng đột xuất đối với các hình thức khen thưởng Huân chương Độc lập hạng nhất; Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng nhất như luật hiện hành, vừa đảm bảo nguyên tắc thi đua chính xác, công khai, công bằng, kịp thời góp phần động viên, cổ vũ hành động anh hùng, những cống hiến xuất sắc, tạo sức lan tỏa rộng rãi, kịp thời, nhất là trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Thời gian vừa qua đã có những tập thể, cá nhân lập được nhiều thành tích tiêu biểu, xuất sắc, có phạm vi ảnh hưởng rộng, sức lan tỏa trong toàn quốc, xứng đáng được khen thưởng.

Ba là, về khen thưởng đối với tập thể cơ sở, tập thể nhỏ. Việc dự thảo luật chưa bổ sung quy định tặng Huân chương Lao động hạng nhất, hạng nhì; Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng nhất, hạng nhì đối với tập thể không thuộc đối tượng tặng cờ thi đua, tập thể cơ sở, tập thể nhỏ là chưa phù hợp với chủ trương khen thưởng hướng về tập thể nhỏ, cá nhân trực tiếp lao động, sản xuất và nguyên tắc khen thưởng quan tâm khen thưởng người trực tiếp lao động, sản xuất, học tập, công tác và khen thưởng địa bàn miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Riêng vấn đề này đối với quân đội thì đó là tập thể các phòng, ban, đại đội, đối với đặc thù quân đội và công an thì đối tượng này nhiều. Thực tế, tập thể cơ sở, tập thể nhỏ chính là nơi trực tiếp thực hiện và quyết định đến hiệu quả của phong trào thi đua.

Để kịp thời động viên, tạo động lực để các tập thể nhỏ phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đề nghị nghiên cứu bổ sung vào dự thảo luật các tập thể không thuộc đối tượng tặng cờ thi đua được xét tặng Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì; Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất, hạng Nhì cho đúng với quan điểm là thi đua hướng về cơ sở. Hiện hình thức thi đua này chỉ mới quy định tại Nghị định 91/2007 của Chính phủ, tại các Điều 25, 26, 27./.