Đại biểu Trần Chí Cường phát biểu tại phiên thảo luận trực tuyến sáng 30/10
Trao đổi bên lề phiên thảo luận trực tuyến của Quốc hội về kế hoạch cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 sáng 30/10, đại biểu Trần chí Cường, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng bày tỏ tán thành với Tờ trình, Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025. Trong bối cảnh đất nước đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, nhất là tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu ở năm cuối thực hiện kế hoạch cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 theo Nghị quyết 24/2016/QH14, đại biểu đánh giá cao những nỗ lực và kết quả tích cực đã đạt được. Đã có 17/22 mục tiêu đạt và vượt kế hoạch, trong đó có 5 mục tiêu quan trọng, hoàn thành vượt xa so với kế hoạch đề ra. Đây là cơ sở làm nền tảng để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế trong giai đoạn tới.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, đại biểu Trần Chí Cường cũng cơ bản tán thành với đánh giá về những hạn chế, tồn tại trong thời gian qua như các báo cáo đã nêu. Tuy nhiên, 5 mục tiêu không hoàn thành đều là những mục tiêu quan trọng liên quan đến khu vực công như cơ cấu lại đầu tư công, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước,…cần phải được đánh giá, phân tích làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm hết sức cụ thể, nhất là yếu tố chủ quan để làm cơ sở xây dựng các giải pháp và nhiệm vụ thực hiện có hiệu quả hơn cho giai đoạn 2021-2025 tới đây.
Về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, đại biểu Cường tham gia 3 nội dung cụ thể:
Thứ nhất, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp, khó lường, tác động rất lớn đến nền kinh tế toàn cầu và khu vực, làn sóng dịch chuyển đầu tư, chuyển đổi mô hình kinh tế, thay đổi thói quen đòi hỏi phải đặt ra yêu cầu mới về phát triển kinh tế của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Đồng thời, chúng ta đang tổ chức triển khai để cụ thể hóa các chủ trương, mục tiêu, chiến lược phát triển theo Nghị quyết đại hội XIII của Đảng; thực hiện các nhiệm vụ mà các Nghị quyết của Quốc hội đặt ra về các kế hoạch trong thời gian tới, vì vậy đại biểu thống nhất cao với việc xây dựng kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 theo đề nghị của Chính phủ.
Thứ hai, đại biểu Cường thống nhất với 5 nhóm nhiệm vụ và giải pháp cụ thể như kế hoạch đã đề ra, và cũng đồng tình cao với những kiến nghị, đề nghị làm rõ thêm các nhiệm vụ, giải pháp mà Ủy ban Kinh tế đã nêu trong báo cáo thẩm tra. Đồng thời, đại biểu đề nghị cần xem xét phân nhóm mục tiêu rõ hơn, ưu tiên thực hiện cơ cấu lại đối với từng lĩnh vực kinh tế, ngành kinh tế để nâng cao khả năng “đề kháng”, vượt qua khó khăn và khôi phục phát triển cho bản thân các lĩnh vực, ngành kinh tế đó; việc cơ cấu lại không gian kinh tế, phát triển mạng lưới doanh nghiệp sản xuất cần phải gắn với phân bổ lực lao động, nhất là trong xu hướng dịch chuyển người lao động do dịch bệnh vừa qua. Bên cạnh đó, cần quan tâm có lộ trình cụ thể và giải pháp quyết liệt hơn trong triển khai các nhiệm vụ có tác động lớn như hoàn thiện thể chế, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn chồng chéo, bất cập của hệ thống pháp luật và các văn bản dưới luật (theo các báo cáo của Chính phủ, kết quả rà soát kiến nghị của 63 tỉnh thành cho thấy những vướng mắc, khó khăn đầu tư, sản xuất, kinh doanh do các quy định pháp luật chưa thống nhất, chưa phù hợp với thực tế liên quan đến 79 luật, 03 Nghị quyết của Quốc hội, 188 Nghị định, 20 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 135 Thông tư thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của 21 bộ, cơ quan ngang bộ); cần tập trung quan tâm nghiên cứu và triển khai mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn việc phân cấp, phân quyền cho địa phương nhằm tăng tính chủ động, tự quyết định và tự chịu trách nhiệm của địa phương đi đôi với công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện, xử lý trách nhiệm cá nhân nhưng cũng tạo ra cơ chế, điều kiện để cán bộ dám tham mưu, đề xuất; lãnh đạo dám quyết định và chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; cần đẩy mạnh và phát huy liên kết vùng gắn với thể chế điều phối vùng rõ ràng để sự liên kết có hiệu quả và thực chất hơn, phát huy được yếu tố bổ trợ lẫn nhau giữa các địa phương liên kết; đây là vấn đề chưa được phát huy hiệu quả, nhất là trong thực hiện phòng chống dịch bệnh và duy trì hoạt động kinh tế trong thời gian vừa qua.
Thứ ba, về nguồn lực thực hiện, theo kế hoạch, dự kiến các nguồn lực huy động chung của nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 khoảng 12 triệu 974 nghìn tỷ đồng (tương đương 567 tỷ USD), theo đó cơ cấu nguồn vốn trong nước khoảng 75% và vốn vay nước ngoài khoảng 25 %, tuy nhiên đây chỉ mới là dự kiến tổng nguồn, trong kế hoạch chưa xác định rõ và chưa có sự phân quyền cho từng nhóm nhiệm vụ, giải pháp để đảm bảo trong tổ chức thực hiện. Đại biểu Cường đề nghị, trên cơ sở phân tích đánh giá từng nhóm giải pháp nhiệm vụ, xác định tiêu chí, thứ tự ưu tiên…cần tính toán phân bổ dự kiến nguồn lực cho từng nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để làm cơ sở xây dựng kế hoạch triển khai xác thực hơn. Bên cạnh đó, để huy động thêm nguồn lực, đảm bảo thực hiện kế hoạch đề ra. Đại biểu thống nhất với các quan điểm, giải pháp huy động nguồn lực đã được nêu ra trong kế hoạch; đồng thời kiến nghị cần xem xét quan tâm chỉ đạo, tập trung quyết liệt để chỉ đạo giải quyết những vấn đề tồn tại, hạn chế và những sai phạm trước đây hiện đang ảnh hưởng, kìm hãm sự phát triển kinh tế xã hội tại một số địa phương, trong đó có Đà Nẵng, nhằm sớm khơi thông các điểm nghẽn, tháo gỡ những vướng mắc khó khăn, bổ sung nguồn lực nhằm đảm bảo thực hiện kế hoạch đề ra./.