Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận Bố Thị Xuân Linh trao quà cho người dân khó khăn trên địa bàn tỉnh
Phóng viên: Thưa Đại biểu trong thời gian qua, công tác tiếp xúc cử tri đã được đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận thực hiện ra sao ?
Đại biểu Quốc hội Bố Thị Xuân Linh, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Thuận: Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 hạn chế tập trung đông người vì vậy Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bình Thuận có những đổi mới trong việc tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, thích ứng an toàn với dịch Covid 19 cụ thể: Thông qua các phương tiên thông tin đại chúng đã tổ chức thông tin rộng rãi trong các tầng lớp Nhân dân về dự kiến các nội dung, chương trình, thời gian tổ chức kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV để Nhân dân nắm rõ. Tại các địa phương cơ bản khống chế được dịch Covid-19 thì tổ chức hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến để các Đại biểu đang sống và làm việc tại Hà Nội cùng tham gia tiếp xúc với cử tri, các hội nghị tiếp xúc cử tri đều đảm bảo các yêu cầu về phòng, chống dịch như đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn trước khi vào hội nghị; hội nghị phải được tổ chức tại hội trường lớn, bố trí cử tri ngồi theo giãn cách theo quy định... Bên cạnh đó, cử tri có thể gửi thư nêu ý kiến kiến nghị của mình về Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp để được thư ký tổng hợp theo quy định.
Phóng viên: Theo Đại biểu ngoài việc đổi mới hình thức để thích ứng với dịch Covid 19 thì cần tập trung vào các vấn đề gì để nâng cao chất lượng của các hội nghị tiếp xúc cử tri ?
Đại biểu Quốc hội Bố Thị Xuân Linh, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Thuận: Theo tôi để nâng cao chất lượng của chương trình tiếp xúc cử tri cần phải tập trung một số nội dung sau:
Một là: Đại biểu Quốc hội phải tham gia đầy đủ các cuộc TXCT; nắm bắt đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, am hiểu chuyên sâu về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của đất nước, của địa phương để giải thích cho cử tri và chuyển cho các cơ quan chức năng các cấp giải quyết theo thẩm quyền.
Hai là: Bố trí, sắp xếp thời gian, địa điểm phù hợp để tổ chức hội nghị TXCT; thông báo rộng rãi để Nhân dân biết tham dự; trong quá trình tiếp xúc đại biểu phải nêu rõ nội dung cơ bản sát sao cho cử tri dễ hiểu, tạo được không khí dân chủ, cởi mở để cử tri phản ảnh được những vấn đề mà cử tri quan tâm đến với đại biểu; hướng dẫn cử tri phát huy tinh thần trách nhiệm của mình đối với những vấn đề “cốt lõi” của đất nước, của địa phương. Bên cạnh những kiến nghị về các chế độ, chính sách cử tri cần góp ý xây dựng các chủ trương, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, của đất nước.
Ba là: Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, là cầu nối giữa đại biểu dân cử với cử tri, là người chủ trì, điều hành hội nghị TXCT; Chính vì vậy, đòi hỏi người điều hành phải có trình độ hiểu biết để nắm bắt nội dung vấn đề, có năng lực và kỹ năng điều hành cuộc họp, định hướng cho cử tri phát biểu đúng vấn đề trọng tâm, tránh trùng lắp hoặc mang tính chất khiếu nại cá nhân làm mất thời gian; Đồng thời nhắc nhở cử tri không dùng lời lẽ nặng nề, lợi dụng xúc phạm đại biểu và chính quyền địa phương.
Bốn là: Nâng cao chất lượng tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của cư tri vì vậy thư ký cần tổng hợp nhanh, đầy đủ, chính xác, tránh sai sót, chồng chéo các ý kiến của cử tri phản ánh để kịp thời chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét trả lời hoặc giải quyết các kiến nghị của cử tri theo quy định của pháp luật.
Năm là: Đại biểu Quốc hội tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn, tinh thần trách nhiệm, thường xuyên tự học tập, nghiên cứu và rèn luyện để thực hiện tốt nhiệm vụ của người đại biểu dân cử, trong đó có nhiệm vụ tiếp xúc cử tri. Bên cạnh đó, đại biểu phải thường xuyên theo dõi, giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri và thông báo kịp thời đến cử tri những nội dung đã được xem xét, giải quyết...
Phóng viên: Ngoài truyền tải những ý kiến, kiến nghị của cử tri Bình Thuận đến Quốc hội thì trong kỳ họp tập trung tới Đại biểu sẽ quan tâm, đóng góp ý kiến vào các vấn đề gì?
Đại biểu Quốc hội Bố Thị Xuân Linh, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Thuận: Có thể nói đây là kỳ họp có ý nghĩa hết sức quan trọng, là kỳ họp đầu tiên thực hiện chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh của nhiệm kỳ và thực hiện các nội dung, kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025, quyết định khung kế hoạch năm 2022. Vì vậy, bên cạnh tham gia góp ý, xây dựng các dự án Luật, Nghị quyết, bản thân tôi sẽ cùng với các vị đại biểu Quốc hội khác của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận tham gia, góp ý một số nội dung như vấn đề quy hoạch sử dụng đất quốc gia nhiệm kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025); kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025; công tác phòng, chống dịch Covid-19, nhất là việc đẩy nhanh tiến độ tiêm ngừa vắc xin phòng dịch Covid-19 cho toàn dân; việc thực hiện Nghị quyết số 30 của Quốc hội, Nghị quyết số 68 của Chính phủ trong thời gian qua. Cùng với đó, các đại biểu Quốc hội của đoàn sẽ tham gia chất vấn và trả lời chất vấn các thành viên Chính phủ và một số nội dung quan trọng khác./.