Toàn cảnh Phiên thảo luận
Phát biểu thảo luận, đại biểu Đặng Ngọc Huy cho biết, năm 2021 do ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 lần thứ 4, tăng trưởng kinh tế đã giảm ở hầu hết các ngành, lĩnh vực, địa phương; hoạt động sản xuất kinh doanh lưu thông hàng hóa có lúc có nơi bị đình trệ, chi phí tăng cao; một số chuỗi sản xuất bị đứt gãy cục bộ; hệ thống y tế bị hạn chế nhất là ở cấp cơ sở; việc làm đời sống của người dân người lao động bị ảnh hưởng nhất là tại các địa bàn bị giãn cách. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết, đồng tình ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, tình hình dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc, kinh tế - xã hội năm 2021 đạt được một số kết quả tích cực.
Đại biểu Quốc hội Đặng Ngọc Huy, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi
Theo đại biểu, trong thời gian tới đại dịch Covid -19 dự báo vẫn còn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nhiều rủi ro; kinh tế thế giới phục hồi không đồng đều, sản xuất công nghiệp tăng trưởng chậm; đứt gãy chuỗi cung ứng ,... Vì vậy, đại biểu kiến nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo 1 số nội dung cụ thể như sau:
Thứ nhất, đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng chống Covid-19 , sớm triển khai tiêm chủng cho người dưới 18 tuổi để tạo miễn dịch cộng đồng. Đồng thời, quan tâm hỗ trợ chuyển giao công nghệ, đầu tư nghiên cứu bào chế và sản xuất vắc xin trong nước để Việt Nam chủ động nguồn cung, tự chủ vắc xin thực hiện chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid -19.
Thứ hai, cần quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, nhân lực cho y tế cơ sở cũng như có cơ chế để huy động sự tham gia của y tế tư nhân trong phòng, chống dịch Covid-19;
Thứ ba, khẩn trương chuẩn bị và triển khai thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. Trong đó, chú trọng đến phương án cung ứng lao động trong và sau các làn sóng dịch cho các doanh nghiệp, nhất là các tỉnh Đông Nam Bộ khi 1 lượng lớn lao động đã di chuyển từ các tỉnh, thành phố về quê;
Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế nhằm huy động và phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn; Cải cách, hoàn thiện thể chế, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh gồm cả thể chế phát triển kinh tế số, xã hội số và Chính phủ số.
Phát biểu tại Phiên thảo luận, đại biểu cũng kiến nghị Chính phủ đối với những nội dung cử tri tại địa phương đề xuất: (1) Đề nghị Chính phủ sớm nghiên cứu sửa đổi Nghị định số 34/2019/NĐ- CP để nâng mức hỗ trợ cho người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố nhằm tạo tâm lý yên tâm công tác giúp chính quyền cơ sở hoạt động hiệu lực, hiệu quả; (2) Đề nghị Chính phủ nghiên cứu cho huyện đảo Lý Sơn tiếp tục được hưởng chính sách áp dụng đối với xã đảo đặc biệt khó khăn, giúp người dân yên tâm sinh sống, lao động, sản xuất và công tác, tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc./.