GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: ĐƠN GIẢN HÓA THỦ TỤC, RÚT NGẮN THỜI GIAN TIẾP CẬN CHÍNH SÁCH

17/11/2021

Mới đây, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH về một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19. Với gói hỗ trợ này, các đối tượng thụ hưởng sẽ trực tiếp được giảm tiền thuế chứ không phải là chậm nộp thuế như các gói hỗ trợ trước.

 

Đẩy mạnh phục hồi kinh tế trong và sau đại dịch Covid-19 

Hỗ trợ kịp thời, đúng, trúng đối tượng

Năm 2021, tình hình diễn biến hết sức phức tạp của đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 đã và đang tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, hộ kinh doanh.

Với tinh thần “Quốc hội chia sẻ sâu sắc với những tổn thất, mất mát nặng nề về người và của, những khó khăn mà nhân dân ta đã phải gánh chịu...”,  thay mặt Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết số 406/ NQ-UBTVQH ngay trước thềm khai mạc Kỳ họp thứ 2. Bên cạnh việc Nghị quyết ra đời sẽ hỗ trợ kịp thời doanh nghiệp, người dân ứng phó với ảnh hưởng của dịch Covid-19, sớm khôi phục sản xuất, kinh còn cho thấy một Quốc hội đột phá trong việc kịp thời ban hành chính sách, pháp luật để cùng với Chính phủ và cả nước “vượt khó”, thích ứng trong tình hình mới.

Đánh giá cao việc kịp thời, chủ động trong việc ban hành Nghị quyết số 406/NQ- UBTVQH của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho biết, theo thông lệ, Quốc hội phải chờ Chính phủ trình, nhưng Quốc hội đã chủ động, và đặc biệt sự chủ động này lại trùng khớp với mong muốn từ phía Chính phủ. “Nếu triển khai như vậy rõ ràng việc xây dựng thể chế sẽ nhanh hơn và giúp cho cộng đồng doanh nghiệp trong lúc khó khăn được tiếp cận hỗ trợ nhanh hơn.…”, ông Tô Hoài Nam nhấn mạnh.

 Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam

Theo đó, Nghị quyết chia ra làm 4 nhóm được miễn giảm, cụ thể: (1) Giảm 30% số thuế TNDN phải nộp của năm nay đối với những trường hợp người nộp thuế có doanh thu trong năm 2021 không quá 200 tỷ đồng và bị sụt giảm doanh thu so với năm 2020; (2) Miễn thuế TNCN, thuế GTGT và các loại thuế khác phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh Quý III và quý IV năm 2021 đối với hộ cá nhân sản xuất kinh doanh tại các địa bàn cập huyện chịu tác động bởi dịch Covid-19 ngoại trừ một số ngoại trừ một số dịch vụ như phần mềm, nội dung số; (3) Giảm thuế GTGT trong năm 2021 với nhiều lĩnh vực như dịch vụ vận tải, lưu trú, dịch vụ ăn uống, du lịch, vui chơi giải trí. Tùy thuộc vào phương pháp tính thuế, doanh nghiệp sẽ được giảm 30% mức thuế suất, thuế GTGT hoặc giảm theo tỉ lệ % tính thuế; (4) Các tổ chức, doanh nghiệp thua lỗ trong năm ngoái sẽ được miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 cùng các khoản nợ tiền thuế, tiền sử dụng đất tiền thuê đất. 

Dư luận xã hội đánh giá cao và cho rằng, đây chính là động lực quan trọng giúp các doanh nghiệp, hộ cá nhân có thêm nguồn lực để tái sản xuất, kinh doanh. Theo TS.Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội, Quốc hội và Chính phủ đã bàn rất nhiều các giải pháp như hoãn, giãn, nhưng hiện nay Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã giảm trực tiếp vào các khoản của các doanh nghiệp. Điều này sẽ tạo điều kiện rất thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp phục hồi sản xuất.

Là doanh nghiệp thuộc đối tượng được hưởng gói hỗ trợ, ông Võ Việt Dũng vui mừng chia sẻ: “Gói hỗ trợ không chỉ đơn thuần hỗ trợ về mặt tiền bạc mà như là một liều Vaccine để hỗ trợ cho sức sống của doanh nghiệp được tốt hơn. Cụ thể là doanh nghiệp giảm đóng các khoản thuế như trong Nghi quyết đã giúp nguồn lực cho doanh nghiệp được tốt hơn …”

Để Nghị quyết 406/NQ-UBTVQH sớm đi vào cuộc sống, vào ngày 27/10 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định sô 92/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Nghị quyết 406/NQ-UBTVQH. Hi vọng rằng, với việc Chính phủ ban hành Nghị định số 92 nhằm triển khai kịp thời các giải pháp được quy định tại Nghị quyết số 406/NQ -UBTVQH sẽ góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19 để tiếp tục hoạt động, đóng góp vào kết quả khôi phục lại nền kinh tế của đất nước sau dịch bệnh và thực hiện an sinh xã hội.

“Một Nghị quyết chọn thuế là điểm đột phá hỗ trợ thì diện phủ là rất rộng. Bởi vì tính chất của thuế là tương đối công bằng và trung tính nên phủ rất rộng. Mặc dù chưa triển khai được bao nhiêu nhưng tôi tin là Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH và  Nghị định số 92/NĐ-CP sẽ có được những cái tác động tích cực đối với cộng đồng kinh doanh và cả tâm lý của người dân …”, Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nhận định.

Có thể nói, việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội không chờ đợi Chính phủ trình mà chủ động ban hành Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH là việc chưa từng có tiền lệ. Quyết sách này đã thể hiện một Quốc hội hành động, đổi mới và luôn đặt người dân và doanh nghiệp ở vị trí trung tâm trong mọi quyết sách, vì sự phát triển bền vững của đất nước. Với tinh thần Quốc hội vì nhân dân, vì sự phát triển của đất nước, cử tri kỳ vọng trong thời gian tới, Quốc hội sẽ tiếp tục đồng hành với Chính phủ để đưa ra những quyết sách và giải pháp cho giai đoạn chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.

Đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian tiếp cận chính sách

Việc miễn, giảm nhiều loại thuế, phí cho các hộ kinh doanh và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bới đại dịch Covid-19 là chính sách rất nhân văn và rất phù hợp trong giai đoạn hiện nay. Không chỉ nhằm hỗ trợ các hộ kinh doanh và doanh nghiệp có điều kiện phục hồi sản xuất mà còn góp phần ổn định tình hình kinh tế, an sinh xã hội.    

Tuy nhiên, theo ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, để chính sách sớm được hiện thực hóa, khi Chính phủ ban hành các văn bản hướng dẫn cần khắc phục triệt để những nút thắt, những rào cản hành chính để những chính sách ý nghĩa của Nghị quyết này được triển khai với thủ tục đơn giản, nhanh gọn, hiệu quả, đặc biệt là phải gắn trách nhiệm của lãnh đạo các cấp, ngành, địa phương. Bên cạnh đó, Quốc hội, Chính phủ cũng cần nghiên cứu thêm các chính sách mang tính dài hơi hơn để giúp người dân và doanh nghiệp phục hồi kinh tế.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc, Đoàn đại biểu Quốc hội Tp. Hà Nội: Trong bối cảnh phục hồi kinh tế, hầu hết các doanh nghiệp đang kiệt quệ. Vì vậy, không nên phát sinh thêm bất cứ một chính sách nào mà làm gia tăng áp lực về chi phí cho người dân và doanh nghiệp. Nếu chính sách gì có thể giảm bớt, có thể giãn ra để tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp thì đấy là chính sách đúng đắn, kịp thời. Trong quá trình thực hiện, các cơ quan liên quan cũng cần có hướng dẫn cụ thể để triển khai Nghị quyết, giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng với chính sách quan trọng này.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc, Đoàn đại biểu Quốc hội Tp. Hà Nội

Đại biểu Trần Hoàng Ngân, Đoàn đại biểu Quốc hội Tp. Hồ Chí Minh: Tới đây, Chính phủ sẽ phải tiếp tục nới hỗ trợ, mở rộng sự hỗ trợ nhiều hơn bằng cách nới lỏng chính sách tài khóa trên cơ sở tiết kiệm chi thường xuyên và có thể phải chấp nhận mức bội chi ở mức chấp nhận được để chúng ta hỗ trợ cho doanh nghiệp nhiều hơn. Tác động, ảnh hưởng trong 2 năm vừa qua từ dịch bệnh Covid-19 là rất lớn nên rất cần các gói hỗ trợ đảm bảo tương thích để có thể sớm phục hồi và phát triển kinh tế.

Đại biểu Trần Anh Tuấn, Đoàn đại biểu Quốc hội Tp. Hồ Chí Minh: Đây là một chính sách ban đầu và vô cùng cần thiết ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, về lâu dài để có một chính sách toàn diện thì chúng ta cần có đánh giá toàn diện, cụ thể là doanh nghiệp cần gì, doanh nghiệp cần bao nhiêu và mức độ thời gian giãn, giảm cụ thể như thế nào, trên cơ sở đó xây dựng và ban hành chính sách toàn diện, tổng thể.

Đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn đại biểu Quốc hội Tp. Hà Nội

Đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn đại biểu Quốc hội Tp.Hà Nội: Khi giảm thuế, các doanh nghiệp có thêm nguồn lực để tái đầu tư, phục hồi sản xuất, kinh doanh. Trong bối cảnh khó khăn này, nếu có thêm phần vốn là vô cùng quan trọng để phục hồi cho tương lai. Do đó, Nghị quyết miễn thuế, giảm thuế cho nhiều đối tượng là doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19 là chủ trương đúng và kịp thời. Tuy nhiên, khi triển khai chính sách này, Chính phủ cần rà soát và có đánh giá các doanh nghiệp đó có thực sự đúng đối tượng được hưởng chính sách hay không. Trong quá trình triển khai cần lưu ý tránh tình trạng các doanh nghiệp đang có các điều kiện phục hồi tốt, có khả năng phát triển trong đại dịch, hoặc có thể không phải là đang sản xuất kinh doanh, không tạo ra sản phẩm, nhưng lại sử dụng các thủ thuật, hành chính giấy tờ để được giãn, miễn thuế, trục lợi.

Với sự chia sẻ và thấu hiểu của Quốc hội và Chính phủ, thời gian qua đã giúp các doanh nhân, doanh nghiệp và người dân vững tin tháo gỡ khó khăn, phục hồi và phát triển sản xuất. Vừa qua, trong các phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quóc hội và Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã rất nhiều lần yêu cầu các cơ quan của Chính phủ rà soát, nghiên cứu và đưa ra các chính sách hỗ trợ toàn diện cho người dân và doanh nghiệp hơn nữa trong thời gian tới. Không chỉ có chính sách miễn giảm thuế, trong Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, Quốc hội cũng đã bàn thảo nhiều giải pháp đồng bộ khác với mục tiêu đưa đất nước vượt qua giai đoạn khó khăn do đại dịch Covid-19./.    

Lê Anh