Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp
Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác được Quốc hội khoá XI thông qua ngày 29/11/2006 tại kỳ họp thứ 10. Sự ra đời của Luật đã tạo hành lang pháp lý đặc biệt quan trọng để xây dựng hệ thống chính sách, pháp luật trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, đến nay, nhiều nội dung của Luật cần phải nghiên cứu chỉnh sửa để giải quyết các vướng mắc, bất cập phát sinh sau 15 năm thực hiện….
Phóng viên: Đại biểu có đánh giá như thế nào về chính sách, pháp luật hiến, lấy, ghép mô, tạng ở Việt Nam hiện nay?
Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Chính sách, pháp luật về hiến, lấy, ghép mô, tang ở Việt Nam được chính thức ban hành trong Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006. Qua thực tiễn có thể thấy, từ khi triển khai thực hiện, chính sách, pháp luật về lĩnh vực này đã tạo hành lang pháp lý quan trọng thúc đẩy ngành ghép mô, tạng đạt kết quả, thành tựu lớn. Đặc biệt, đã góp phần cứu sống hàng ngàn người bệnh suy mô, tạng giai đoạn cuối.
Sau khi Luật được ban hành, Bộ Y tế cũng đã xây dựng kế hoạch triển khai thi hành Luật hiến, lấy, ghép mô, tạng và hiến, lấy xác. Bên cạnh đó, Bộ cũng đã xây dựng nhiều văn bản hướng dẫn cụ thể để thực thi Luật.
Nhìn chung, chúng ta đã có một hệ thống văn bản tương đối đầy đủ về chính sách, pháp luật liên quan đến hiến, lấy, ghép mô, tạng. Các quy định bao phủ nhiều nhóm vấn đề về truyền thông vận động đăng ký hiến mô, tạng; Đăng ký hiến mô, tạng; Quy định đăng ký hiến mô, tạng; Quy định các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực của các cơ sở ý tế lấy, ghép mô tạng; Điều phối ghép mô, tạng; Quy định về các quy trình kỹ thuật chuyên môn;….
Phóng viên: Qua 15 triển khai thực hiện, bên cạnh những kết quả đạt được thì chính sách, pháp luật về hiến, lấy ghép mô, tạng có bộc lộ những hạn chế gì, thưa đại biểu?
Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Bên cạnh những kết quả khả quan đạt được, hệ thống chính sách, pháp luật về hiến, lấy ghép mô, tạng ở Việt Nam cũng đã bộc lộ một số hạn chế nhất định trong quá trình triển khai thực hiện. Qua tổng kết và ý kiến của nhiều chuyên gia cũng cho thấy, nhiều quy định mới chỉ dừng lại ở mức độ chung, thiếu các quy định cụ thể để triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, một số quy định không còn phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.
Một số bất cập có thể thấy như: quy định về đăng ký hiến mô, tạng trong đó bao gồm điều kiện đăng ký và hình thức đăng ký đang làm hạn chế số người đăng ký hiến mô, tạng; Chế độ cho người hiến mô, tạng bao gồm cả người hiến sống và người hiến sau khi chết não đều chưa đầy đủ; Chưa có quy định về giá dịch vụ kỹ thuật lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế;… Bên cạnh đó, việc điều phối mô, tạng còn chưa được quy định đầy đủ, khó trong triển khai; Chưa có quy định cụ thể về hỗ trợ tài chính cho người ghép mô, tạng.
Ngoài ra, cũng chưa có quy định về nội dung, phương thức truyền thông vận động, trách nhiệm thực hiên, phối hợp của cơ quan quản lý với các tổ chức chính trị xã hội, tôn giáo. Trong khi , truyền thông vận động là giải pháp rất quan trọng nhằm thay đổi thái độ, cách nhìn nhận của xã hội về vấn đề này.
Phóng viên: Với những bất cập nêu trên, đại biểu có kiến nghị gì nhằm tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về hiến, lấy, ghép mô, tạng?
Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Từ nhu cầu của thực tiễn thì việc sửa đổi những bất cập trong quy định tại Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác là cần thiết. Việc sửa đổi cần tập trung vào các nhóm vấn đề chính như: Độ tuổi người hiến tặng mô, bộ phận cơ thể người; Quyền lợi của người hiến mô, bộ phận cơ thể người; Quy định về chết não, thành lập Hội đồng xác định chết não;… Mục tiêu sửa đổi phải góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật hiện hành về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác; tạo cơ sở pháp lý thúc đẩy, phát triển hoạt động lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người tại Việt Nam, từ đó giúp cứu chữa cho hàng nghìn bệnh nhân mắc các bệnh về suy mô tạng. Đồng thời, phải bảo đảm quyền lợi của người hiến, người ghép mô, bộ phận cơ thể người .
Đây là lĩnh vực có nội dung mang tính đặc thù, chuyên ngành sâu, do đó, để có những đánh giá, nhìn nhận toàn diện, khách quan trong việc sửa đổi, hoàn thiện quy định liên quan đến hiến, lấy, ghép mô, tạng cần phải tham vấn rộng rãi, đầy đủ ý kiến các chuyên gia, người hoạt động thực tiễn trong lĩnh vực này cũng như đối tượng chịu sự tác động. Đây cũng là một trong những yêu cầu được nhấn mạnh trong quá trình xây dựng và ban hành pháp luật của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn dại biểu!