Nhu cầu và kỳ vọng phục hồi kinh tế - xã hội của đất nước là rất lớn
Theo đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long, trong thời gian qua, trước những biến động khó lường do dịch COVID-19 gây ra, Chính phủ đã kịp thời triển khai nhiều chính sách tài chính, tiền tệ gắn với cân đối ngân sách nhà nước, thông qua Nghị định số 41/2020/NĐ-CP, Nghị quyết số 42/NQ-CP, Nghị quyết số 84/NQ-CP và thông qua việc Ngân hàng nhà nước hỗ trợ các tổ chức tín dụng, với những giải pháp đồng bộ, nhịp nhàng, không chạy theo mục tiêu tăng trưởng nóng vội mà đặt mục tiêu cao nhất là duy trì sự ổn định của nền kinh tế, bước đầu giúp hạn chế sự suy giảm của nền kinh tế, hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp ổn định sản xuất và đời sống , giúp nền nhanh chóng phục hồi sau giai đoạn dịch bệnh.
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Minh Trang phát biểu tại phiên thảo luận tổ về Dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội
Đại biểu chỉ rõ, thực tế nhu cầu và kỳ vọng phục hồi kinh tế - xã hội của đất nước là rất lớn bởi ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đã khiến tăng trưởng GDP quý III/2021 nước ta giảm sâu chưa từng có (-6,17%), sản xuất, kinh doanh bị đình trệ, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, đời sống của nhân dân gặp rất nhiều khó khăn. Điều này, cho thấy cần thiết phải ban hành Đề án xây dựng cơ chế, chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đây được xem là chính sách bổ sung, nằm ngoài chính sách đã được Quốc hội quyết định cho giai đoạn 5 năm 2021 - 2025 và năm 2022 và khi Gói tài khóa, tiền tệ này được ban hành sẽ góp phần quan trọng vào phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững.
Đại biểu bày tỏ, cơ bản thống nhất với Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban kinh tế đối với dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời cho biết, Dự thảo Nghị quyết đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét kỹ lưỡng, cho ý kiến nhiều lần, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ cũng đã tăng cường làm việc với chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp trong và ngoài nước, tổ chức Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 "Phục hồi và Phát triển bền vững" để phân tích làm rõ thực trạng, củng cố luận cứ khoa học và thực tiễn, kinh nghiệm quốc tế trong ban hành chính sách.
Để nhóm đối tượng yếu thế được thụ hưởng chính sách đầy đủ và kịp thời nhất
Góp ý vào nội dung dự thảo Nghị quyết, đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang đề nghị Chính phủ xem xét, tính toán và bổ sung số liệu cụ thể về tổng quy mô của các chính sách hỗ trợ khác bên cạnh chính sách tài khóa, để thấy rõ hơn về quy mô hỗ trợ, tăng tính thuyết phục, thể hiện cam kết ban đầu về tính khả thi và hiệu quả của việc triển khai Chương trình.
Về phân bổ nguồn lực, đại biểu cho rằng Chương trình đã phân bổ khá toàn diện. Song, mức độ đầu tư nguồn lực cho các chính sách an sinh xã hội, phục hồi và phát triển thị trường lao động có quy mô còn nhỏ, chưa tương xứng với mục tiêu của Chương trình.
Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ tăng nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực thực hành các quy tắc tổ chức lao động an toàn trong tình hình dịch COVID-19 để duy trì sản xuất an toàn, điều này không chỉ đảm bảo sức khoẻ, việc làm và thu nhập cho người lao động và gia đình, giảm bớt gánh nặng về an sinh xã hội cho các địa phương. Chỉ rõ, đây không chỉ là cầu nối giữa duy trì sản xuất với phòng, chống đại dịch, là cách tiếp cận bền vững về cả kinh tế - xã hội và y tế, góp phần giữ chân người lao động, mà còn cơ sở quan trọng để doanh nghiệp tăng cường năng lực, nguồn lực đào tạo lao động hiện có để đáp ứng kịp thời tiến trình chuyển đổi lĩnh vực, ngành nghề và cách thức tổ chức công việc. Đây cũng là giải pháp căn cơ để doanh nghiệp phục hồi, phát triển nhanh và bền vững, đại biểu nhấn mạnh.
Đồng thời, cần tiếp tục ưu tiên dành nguồn lực hỗ trợ các nhóm đối tượng trợ giúp xã hội (hộ nghèo, hộ cận nghèo, các đối tượng bảo trợ xã hội, mà chủ yếu là người cao tuổi, người khuyết tật). Đặc biệt, hơn 2.000 trẻ em mồ côi, không nơi nương tựa do bố hoặc mẹ hoặc cả bố mẹ đều tử vong do đại dịch COVID-19 và các nhóm lao động phi chính thức… Đây là những nhóm yếu thế nhất, dễ tổn thương nhất nếu không ổn định việc làm, mất sinh kế bền vững, ít có khả năng tự ứng phó trước các cú sốc đặc biệt nghiêm trọng và dài hạn như COVID-19. Đồng thời đây cũng là nhóm đối tượng khó xác định chính xác hoặc thiếu căn cứ để xác định, nhiều người trong số họ lại ít cơ hội tiếp cận thông tin, chính sách, dễ bị bỏ sót hoặc xác định nhầm…Chỉ rõ thực tế trên, đại biểu nhấn mạnh nhóm đối tượng này đang rất cần nhận được sự quan tâm đặc biệt đến đời sống vật chất, tinh thần, giáo dục và y tế. Do vậy, khi Quốc hội bàn bạc đi đến quyết định ban hành một Nghị quyết đặc biệt thì cần dành ưu tiên đặc biệt cả về nguồn lực và được “số hóa thông tin” để nhóm đối tượng yếu thế này được thụ hưởng chính sách một cách đầy đủ và kịp thời nhất.
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long thảo luận Tổ
Phát huy tiềm lực, đặc trưng sẵn có
Về đầu tư kế cấu hạ tầng, để triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu hạ tầng du lịch, góp phần vào thành công chung của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang đề nghị Chính phủ ưu tiên bố trí các nguồn vốn kết hợp từ các nguồn chương trình mục tiêu, vốn đầu tư công hỗ trợ cho các địa phương nhằm đầu tư, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật các khu du lịch quốc gia và giải quyết các điểm nghẽn giao thông giữa khu du lịch quốc gia với các khu du lịch, điểm du lịch trên địa bàn các tỉnh, thành phố, cũng như định hướng quy hoạch phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển sản phẩm du lịch đặc thù tại địa phương phù hợp với lợi thế tài nguyên du lịch.
Đại biểu cho biết thêm, du lịch các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Vĩnh Long nói riêng cũng là những địa bàn điển hình có các sản phẩm du lịch đặc trưng với hệ thống du lịch sông nước sinh thái miệt vườn gắn với các làng nghề truyền thống thủ công mỹ nghệ hay di sản đương đại. Như làng nghề gạch gốm ở huyện Mang Thít có niên đại trăm năm, đang bước vào giai đoạn bảo vệ, bảo tồn kiến trúc, cảnh quan sinh thái. Nếu những khu vực này được ưu tiên dành nguồn lực thoả đáng từ chính sách tài khoá, tiền tệ giai đoạn này dự báo có thể đem lại những đóng góp quan trọng vào mục tiêu khôi phục và phát triển kinh tế- xã hội.
Rõ trách nhiệm trong triển khai thực hiện chính sách
Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành tăng cường phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên công tác thông tin, truyền thông nhằm tạo sự đồng thuận của xã hội, bảo đảm sự ổn định của thị trường và ổn định kinh tế vĩ mô.
Đại biểu đặc biệt nhấn mạnh việc cam kết, làm rõ trách nhiệm chính trị, trách nhiệm giải trình, cá thể hóa trách nhiệm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo và giám sát quá trình triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ này, bảo đảm đúng mục tiêu, tránh lạm dụng chính sách, bảo đảm tính hiệu quả và khả thi của Chương trình, nhất là lãnh đạo khắc phục những hạn chế, bất cập của việc giải ngân đầu tư công do nhiều nguyên nhân chủ quan đã tồn tại cô' hữu từ lâu, như: công tác giải phóng mặt bằng, đấu thầu, thay đổi chính sách và quy định, năng lực chủ đầu tư, nhà thầu,… Từ đó có giải pháp để đẩy nhanh việc giải ngân trong thời gian tới đối với các nguồn vốn từ chính sách tài khóa, tiền tệ này./.