Đại biểu Quốc hội Vũ Thị Liên Hương, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ngãi
Theo đại biểu Vũ Thị Liên Hương, việc thi hành Luật Điện lực (được sửa đổi, bổ sung năm 2012 và năm 2018) và các văn bản hướng dẫn trong hơn 15 năm qua đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, Luật Điện lực được ban hành đã lâu (năm 2004) và đã qua 2 lần sửa đổi, bổ sung nhưng đến nay, Luật Điện lực vẫn tồn tại những bất cập, hạn chế. Ví dụ, Luật Điện lực quy định “Nhà nước độc quyền trong hoạt động truyền tải điện” nhưng chưa có quy định cụ thể Nhà nước độc quyền những hoạt động cụ thể nào trong hoạt động truyền tải điện nên dẫn đến đầu tư lưới điện truyền tải chưa đáp ứng kịp thời với phát triển nguồn điện và nhu cầu sử dụng điện trong toàn quốc, chưa có quy định để triển khai chủ trương, chính sách của Đảng tại Nghị quyết số 55-NQ/TW để “Có cơ chế khuyến khích thu hút vốn ngoài nhà nước đầu tư xây dựng vào hệ thống truyền tải điện quốc gia” và “Thực hiện xã hội hoá tối đa trong đầu tư và khai thác, sử dụng cơ sở vật chất, dịch vụ ngành năng lượng, bao gồm cả hệ thống truyền tải điện quốc gia trên cơ sở bảo đảm quốc phòng, an ninh”.
Về vấn đề quản lý, vận hành lưới điện truyền tải, đại biểu Vũ Thị Liên Hương cho rằng quy định như dự thảo Luật “Nhà nước độc quyền trong điều độ hệ thống điện quốc gia; xây dựng và vận hành các nhà máy điện lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; vận hành lưới điện truyền tải, trừ lưới điện do các thành phần kinh tế ngoài nhà nước đầu tư xây dựng” là chưa chặt chẽ, chưa thể chế hóa để bảo đảm yếu tố “độc lập” trong vận hành lưới điện truyền tải “dưới sự kiểm soát của Nhà nước” theo tinh thần Nghị quyết số 55-NQ/TW. Do đó, đề nghị cần quy định cụ thể và phù hợp hơn.
Về quy định “Các tổ chức hoạt động điện lực và sử dụng điện đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật được quyền đấu nối vào lưới điện do thành phần kinh tế đầu tư xây dựng theo đúng quy hoạch phát triển điện lực”. Đại biểu Vũ Thị Liên Hương đánh giá quy định như dự thảo mới thể hiện quyền của một bên là chủ đầu tư các nhà máy điện trong quy hoạch phát triển điện lực, chưa đề cập đến quyền thỏa thuận giữa hai bên là chủ đầu tư các nhà máy điện và chủ đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải (quy định tại điểm e, khoản 2, Điều 40) nhằm bảo đảm quyền của chủ đầu tư lưới điện truyền tải trong việc tự chủ quyết định hoạt động đầu tư kinh doanh. Đề nghị cụ thể hóa các quy định về quyền và nghĩa vụ của các bên trong việc đấu nối với lưới điện truyền tải; nghiên cứu quy định để xử lý các vấn đề có thể phát sinh giữa doanh nghiệp nhà nước và nhà đầu tư tư nhân, điều hòa lợi ích các bên đối với vấn đề này.
Đại biểu cũng cho biết thêm, việc cho phép tư nhân tự xây dựng hệ thống truyền tải điện sẽ có những vấn đề về chính sách phát sinh, đòi hỏi cơ quan quản lý Nhà nước lường trước tình huống để chuẩn bị phương án phù hợp.
Sau 2 lần sửa đổi, Luật có 70 điều mà đã có 24 điều đã được sửa đổi, bổ sung, riêng Điều 4 (tính cả lần sửa đổi, bổ sung này) thì cả 4 khoản của Điều 4 đều được sửa đổi, bổ sung. Điều đó cho thấy Luật chưa đáp ứng kịp thời với sự phát triển nguồn năng lượng, khâu dự báo trước còn có nhiều hạn chế. Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Điện lực hiện nay cũng chỉ mới sửa đổi, bổ sung một khoản của một điều và chỉ mang tính trước mắc chưa giải quyết đầy đủ các khó khăn vướng mắt và có thể phát sinh những vấn đề mới như phân tích trên. Đại biểu đề nghị ngoài nội dung sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 4 như Tờ trình của Chính phủ, cần phải rà soát kỹ lưỡng để sửa đổi, bổ sung một số điều khác có liên quan trong Luật, đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị sửa đổi toàn diện, tổng thể Luật Điện lực bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất và tính khả thi./.