Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm, Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm bày tỏ sự tán thành cao đối với các chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ và cơ bản đồng tình với các quan điểm mà chương trình đưa ra, rất phù hợp với yêu cầu cấp bách của thực tế để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam hiện nay.
Tuy nhiên, để đảm bảo tính toàn diện, hiệu quả thực chất của chương trình, đảm bảo sự công bằng trong tiếp cận nguồn lực, đại biểu cho rằng bên cạnh việc chương trình đã có quan điểm phải thực hiện mục tiêu trọng tâm, trọng điểm, xác định đúng đối tượng cần hỗ trợ để giải quyết những vấn đề cấp bách, tránh lãng phí nguồn lực cần bổ sung thêm quan điểm đảm bảo công bằng và bình đẳng vào quan điểm thứ tư về huy động, quản lý và phân bổ các nguồn lực hợp lý, chống tiêu cực, lợi ích nhóm, đảm bảo công khai, minh bạch của chương trình.
Theo đại biểu, việc bổ sung thêm quan điểm đảm bảo công bằng và bình đẳng trong thực hiện chương trình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng bởi 03 lý do sau:
Thứ nhất, đại dịch Covid-19 có tác động sâu sắc tới mọi tầng lớp Nhân dân, tuy nhiên có tác động lớn hơn tới một số nhóm đối tượng, địa phương, ngành, lĩnh vực như người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em mồ côi, người già, người lang thang cơ nhỡ, các lao động phi chính thức... Hay những ngành nghề, lĩnh vực chịu tác động nặng nề hơn bởi dịch bệnh như ngành du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, vận tải hành khách mà trong báo cáo của Chính phủ đã phân tích. Những tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề và kéo dài của dịch bệnh như Tp. Hồ Chí Minh, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và một số nơi khác cần phải có những giải pháp và nguồn lực hỗ trợ kịp thời.
Thứ hai, đại dịch làm gia tăng khoảng cách giới của thế giới và Việt Nam. Báo cáo tác động đại dịch Covid-19 đối với doanh nghiệp Việt Nam do VCCI phối hợp với Ngân hàng Thế giới thực hiện cho thấy, có tới 87,2% doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực bởi Covid-19, phần lớn là các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, doanh nghiệp mới thành lập, mà 90% doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ. Nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng dịch bệnh Covid-19 khiến cho số doanh nghiệp nhỏ và vừa do nữ làm chủ phải tạm ngừng một phần hoặc toàn bộ hoạt động kinh doanh, cao gấp đôi so với doanh nghiệp nhỏ và vừa do nam làm chủ. Đây là những doanh nghiệp cần nhận sự hỗ trợ nhiều hơn trong quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với nam và nữ có sự khác biệt, đã tạo ra khoảng cách về tỷ lệ thất nghiệp vốn chưa từng có trước đại dịch. Trong quý IV/2019, tỷ lệ thất nghiệp giữa nam và nữ là như nhau, khi đại dịch xuất hiện tỷ lệ thất nghiệp của phụ nữ tăng lên so với trước đây, trong khi tỷ lệ thất nghiệp ở nam giới là không thay đổi. Ngoài ra, phụ nữ thường tập trung ở một số ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, dịch vụ bị ảnh hưởng nhiều nhất, như: Thương mại, bán lẻ, khách sạn, du lịch và các ngành sản xuất hàng may mặc xuất khẩu. Khi Việt Nam và các nước áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại và đóng cửa nền kinh tế để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 khiến cho phụ nữ chiếm số đông trong các lĩnh vực này dễ bị tổn thương hơn.
Dịch bệnh cũng tác động sâu sắc tới trẻ em và thanh thiếu niên. Giám đốc điều hành Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc cho rằng, những đợt phong tỏa về phòng chống dịch khiến cho các em phải trải qua những năm tháng khó quên của cuộc đời, khi có em bị mất người thân, mất cha, mất mẹ, nhiều em phải xa bạn bè, trường lớp, không được vui chơi, những yếu tố then chốt của tuổi thơ. Tổ chức này cũng cảnh báo Covid-19 sẽ có thể tác động đến sức khỏe tâm thần, thể chất của trẻ em và thanh, thiếu niên trong nhiều năm tới và yêu cầu các nước phải đầu tư khẩn cấp vào chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ em.
Thứ ba, hiện nay cơ cấu phân bổ kinh phí của chương trình vẫn tập trung nhiều vào đầu tư cơ sở hạ tầng, còn đầu tư cho an sinh xã hội, hỗ trợ trực tiếp cho người lao động, mặc dù Chính phủ đã rất nỗ lực thực hiện trong thời gian qua nhưng vẫn rất cần tiếp tục được quan tâm đầu tư.
Do vậy, để chương trình thực sự đạt được mục tiêu, tạo động lực để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và không để ai, nhóm nào, ngành nghề, lĩnh vực, địa phương nào bị bỏ lại phía sau trong quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thì một quan điểm quan trọng là công bằng và bình đẳng mà thực tế nội hàm của các quan điểm này đã được thể hiện trong các mục tiêu, giải pháp rất cụ thể của chương trình cần được khái quát hóa và bổ sung để đảm bảo xuyên suốt trong quá trình thực hiện chương trình, góp phần thực hiện mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội và công bằng xã hội tại Việt Nam./.