ĐBQH NGUYỄN THỊ THỦY: DÀNH KHOẢN CHI PHÍ THỎA ĐÁNG ĐỂ HỖ TRỢ TIỀN XÂY DỰNG NHÀ Ở CHO CÔNG NHÂN

07/01/2022

Theo đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn, cuộc suy thoái kinh tế lần này mặc dù không phải là một cuộc suy thoái "kinh điển" mà do dịch bệnh gây ra, nhưng đã để lại những hậu quả rất nặng nề với nền kinh tế, trong đó có vấn đề lao động việc làm.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn 

Phát biểu thảo luận tại Hội trường về dự thảo Nghị quyết chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu Nguyễn Thị Thủy cho biết, thực tế không khó để nhận thấy hầu như người dân hiện nay đang phải đối mặt với vấn đề lao động, nhất là trạng mất việc, giãn, giảm việc làm.

Về tình trạng mất việc, giãn, giảm việc làm, theo đại biểu bốn đợt dịch vừa qua đã gây ảnh hưởng rất lớn đối với người lao động. Đại biểu dẫn chứng số liệu, chỉ tính riêng quý III.2021, cả nước đã có hơn 28 triệu người lao động phải hứng chịu tác động tiêu cực của đại dịch. Trong đó hơn 4,7 triệu người bị mất việc làm; hơn 14 triệu người phải tạm nghỉ, tạm ngừng sản xuất, kinh doanh; hơn 10 triệu người phải giãn, giảm giờ làm việc. Cùng với đó, biến thể, Delta đã "cuốn" đi khoảng 1/4 mức lương bình quân tháng của người lao động của vùng Đông Nam Bộ. Kết quả khảo sát của Ban Nghiên cứu phát triển doanh nghiệp tư nhân với 43.000 lao động bị mất việc cho thấy, gần 50% trong số này có nguồn tích lũy chỉ đủ để duy trì cuộc sống trong một tháng, 37% chỉ đủ duy trì sống cho ba tháng và chỉ có hơn 4% là đủ duy trì cuộc sống cho trên 4 tháng.

Cũng theo đại biểu, thị trường lao động bị đẩy vào trạng thái cả cung và cầu lao động đều bị thu hẹp. Đợt bùng phát dịch lần thứ tư đã khiến hàng triệu lao động dịch chuyển về quê dẫn tới đứt gãy thị trường lao động, thiếu hụt lao động nghiêm trọng tại một số tỉnh phía Nam, nhất là những nơi tập trung đông khu công nghiệp, khu chế xuất. Cho đến nay, một lượng lớn lao động đã về quê nhưng chưa có nhu cầu quay trở lại vì còn e dè với dịch bệnh, nhiều người chọn phương án lập nghiệp tại quê nhà... Trong khi đó, nhiều tỉnh có lao động trở về đang phải đối mặt với áp lực rất lớn về giải quyết việc làm và bảo đảm an sinh xã hội. Điều này đã tạo ra một nghịch lý về cung  và cầu lao động, nơi cần lao động thì không có, còn nơi có lao động thì rất khó để tìm việc làm.

Ngoài ra, dịch bệnh đã dẫn đến xuất hiện những nhóm lao động dễ bị tổn thương. Với sự gián đoạn chuỗi cung ứng, sự hạn chế đi lại và khả năng làm việc từ xa đã tính tới tình trạng cắt giảm lượng lớn việc làm. Lao động làm công việc giản đơn trở nên yếu thế trong đại dịch, tỷ lệ mất việc của nhóm này cao gần gấp đôi so với các nhóm khác. Bên cạnh đó, lao động có trình độ thấp, lao động là người lớn tuổi, lao động tự do rất khó khăn trong tìm kiếm việc làm.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy cho rằng, tính bền vững của quan hệ lao động đang có nguy cơ bị xâm phạm. Do mất việc, nhiều lao động của khu vực chính thức có xu hướng chuyển dịch sang tìm kiếm ở khu vực phi chính thức, dẫn tới số lao động tự do tăng cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây, chiếm tới 57% tổng số lao động có việc làm. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, một lượng lớn lao động đang có việc làm nhưng không ổn định, thiếu tính bền vững và trong đó những chính sách an sinh, bảo hiểm, chế độ ốm rồi, thai sản của khu vực này rất hạn chế. Bên cạnh đó, nhiều quan hệ lao động đã được xây dựng ổn định qua các năm đang có nguy cơ bị phá vỡ, nhiều tiêu chuẩn về lao động đang không được tôn trọng đầy đủ cả từ phía người sử dụng lao động và người lao động.

Nhấn mạnh đất nước đang trở lại trạng thái bình thường mới, để hồi phục và phát triển, đại biểu cho rằng, một trong những vấn đề quan trọng nhất chính là vấn đề lao động. Trên cơ sở đánh giá và phân tích về vấn đề lao động hiện nay, đại biểu Nguyễn Thị Thủy đưa ra 3 kiến nghị cụ thể: (1) Tăng gói kinh phí hỗ trợ tiền thuê nhà trọ, áp dụng cả với lao động chính thức và khu vực phi chính thức (dự thảo Nghị quyết đang đề xuất dành khoảng 6,6 nghìn tỷ và chỉ dành cho khu vực lao động chính thức là chưa phù hợp); (2) dành khoản chi phí thỏa đáng để hỗ trợ tiền xây dựng nhà ở cho công nhân; (3) dành khoản kinh phí phù hợp để hỗ trợ xét nghiệm, đi lại, tư vấn việc làm khi người lao động quay trở lại làm việc./.

Lê Anh