ĐBQH HUỲNH THỊ ÁNH SƯƠNG: ĐỀ NGHỊ XEM XÉT MỨC GIẢM THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG NĂM 2022

07/01/2022

Sáng 07/01, tham gia thảo luận trực tuyến từ điểm cầu Quảng Ngãi, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi đề nghị Chính phủ, Quốc hội tính toán, cân đối lại: thay vì giảm 2% thuế suất giá trị gia tăng trong năm 2022, xem xét lại mức giảm thuế suất phù hợp hơn (có thể là giảm 1%) và áp dụng trong 2 năm 2022-2023 để hạn chế biến động lớn đến nguồn thu ngân sách và phù hợp hơn với lộ trình, diễn biến phục hồi kinh tế.

 

Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi 

Về các giải pháp tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ, tại Điểm a Khoản 1 Điều 3 dự thảo quy định: “Giảm 2% thuế giá trị gia tăng, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang chịu mức 10% (còn 8%) trong năm 2022”. Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi nhận định, theo quan điểm xây dựng chính sách, thời gian thực hiện chủ yếu trong  năm 2022-2023. Do đó, để không có sự tác động lớn đến dự toán thu - chi ngân sách năm 2022 đã được Quốc hội, Chính phủ giao kế hoạch cho các địa phương năm 2022; bảo đảm các nguồn thu ngân sách cho đầu tư, phát triển theo kế hoạch. Đồng thời, quá trình phục hồi và phát triển kinh tế cần có thời gian nhất định, nhất là trong năm 2022 dịch Covid 19 vẫn còn diễn biến phức tạp và sẽ phục hồi nhanh sau khi kiểm soát tốt dịch. Khi đó độ mở cửa thị trường rộng hơn; tình hình đầu tư và sức mua của nền kinh tế sẽ tăng mạnh, chính sách giảm suất thuế giá trị gia tăng sách sẽ có sự tác động tích cực và mạnh hơn, góp phần thực hiện mục tiêu kích cầu và phục hồi kinh tế - xã hội.

Về vấn đề cân đối giữa khả năng huy động vốn; khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế và kiểm soát lạm phát, Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi cho rằng trong bối cảnh tình hình kinh tế hiện nay, thì việc cung ứng một lượng rất lớn vốn cho nền kinh tế, với tổng quy mô hỗ trợ như của Chương trình đề xuất cần phải tính toán, cân nhắc. Vì cần thiết phải có thời gian để tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế, chính sách hiện tại, cũng như về độ trễ khi áp dụng có hiệu quả các cơ chế, chính sách mới để huy động và phát huy các nguồn lực, nhất là khi thông qua dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật tại kỳ họp này. Đồng thời, những vướng mắc liên quan đến Luật Đất đai (được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 và thứ 4 năm 2022) có ảnh hưởng lớn đến vấn đề giải phóng mặt bằng, thu hút đầu tư và tiến độ giải ngân vốn đầu tư. Bên cạnh đó, nguồn lực cho thực hiện chương trình vẫn còn một số khoản chưa được xác định rõ, nhất là việc thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp Nhà nước còn chậm, các phương án phát hành trái phiếu trong nước và nước ngoài… chưa được giải trình. Đồng thời, dù kinh tế phục hồi, nhưng vẫn còn rất nhiều rủi ro tiềm ẩn trong thời gian tới, sức hấp thụ vốn của Doanh nghiệp còn chậm, nhất là đã trãi qua một thời gian dài gặp khó khăn; tâm lý thận trọng trong tiêu dùng sẽ ảnh hưởng đến sức mua - cầu thị trường; và những tác động lớn của thị trường lao động,.. Các yếu tố này cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến khả năng hấp thụ vốn. Ngoài ra, hiện các quốc gia đang phát triển đối mặt với áp lực lạm phát tăng cao, nhất là các nước có độ mở kinh tế lớn, phụ thuộc nhiều vào nguồn cung nguyên, vật liệu đầu vào nhập khẩu. Nên cần thực hiện các chính sách tài khóa, tiền tệ phù hợp với khả năng huy động nguồn lực và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, vừa tác động cả phía cung và phía cầu, đáp ứng yêu cầu cả trong ngắn và dài hạn. Vì vậy, Chính phủ cần phải làm rõ và xây dựng các kịch bản, phương án cân đối giữa khả năng huy động vốn; khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế và kiểm soát lạm phát.

Về phát huy các nguồn lực đã được đầu tư, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương nhận định, trong Danh mục dự án dự kiến đầu tư thuộc Chương trình tại Mục II – Quy định Các dự án giao thông kết nối tới các cửa ngõ, kết nối liên vùng, khu công nghiệp, cảng biển (theo Báo cáo của Chính phủ về Đề án chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội) để hình thành trục hành lang kinh tế, thúc đẩy phát triển liên kết vùng, nội vùng là cần thiết.

Đặc biệt, đối với khu vực miền Trung và Quảng Ngãi, để phát huy hiệu quả dự án Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đại biểu đề nghị Chính phủ xem xét, cân đối nguồn lực, bổ sung đầu tư Dự án Nâng cấp, mở rộng tuyến Quốc lộ 24B để tăng cường năng lực kết nối với tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Đây là tuyến giao thông huyết mạch, cửa ngõ kết nối các huyện đồng bằng, thành phố Quảng Ngãi và khu kinh tế Dung Quất với đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, các huyện miền núi trong tỉnh và kết nối với tỉnh Kon Tum, đáp ứng nhu cầu giao thông, góp phần phát huy hiệu quả kết nối nội vùng và liên vùng./.

Nguyễn Hùng