ĐBQH NGUYỄN THỊ LAN: BAN HÀNH ĐẦY ĐỦ CƠ CHẾ GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT

11/01/2022

Tại phiên thảo luận Tổ về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Tp. Cần Thơ, đại biểu Nguyễn Thị Lan, Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội đánh giá cao và ủng hộ việc ban hành Nghị quyết, đồng thời đề nghị cần rà soát để ban hành đầy đủ cơ chế giám sát việc thực hiện,…

 

Đại biểu Nguyễn Thị Lan, Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội 

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Lan cho rằng, để phát triển kinh tế, tạo đột phá thì cần có cơ chế đặc thù mạnh và có thể vượt rào, nhưng để đảm bảo an toàn và hiệu quả thì nên có thí điểm. Theo đại biểu, các địa phương đều có lợi thế, có đặc điểm riêng và cần các cơ chế đặc thù để phát triển nhưng cũng cần phải có các chính sách ưu tiên, lựa chọn tập trung đầu tư trước một số tỉnh, một số địa phương có tiềm năng, thế mạnh hơn làm đầu tàu dẫn dắt và hỗ trợ các địa phương khác tiếp tục phát triển và cũng là bài học thực tiễn cho việc khái quát hóa thành các chủ trương để hoàn thiện thể chế, phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan thể hiện quan điểm đồng tình cao với việc ban hành Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Tp. Cần Thơ bởi những lý do sau:

Thứ nhất, ưu tiên đầu tư phát triển Tp. Cần Thơ đã được thể hiện trong Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã giao Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo “xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư, tài chính và phân cấp quản lý cho Tp. Cần Thơ, bảo đảm tính tương đồng với các thành phố lớn khác trong cả nước trình Quốc hội xem xét, ban hành”.

Thứ hai, cũng giống như chính sách đặc thù với các địa phương khác, những nội hàm quy định về cơ chế tài chính và phân cấp quản lý trong đề án của Cần Thơ cũng không làm ảnh hưởng đến nguồn tài chính quốc gia. Về hành chính không làm giảm nguyên tắc quản lý thống nhất, tập trung từ Trung ương đến địa phương, mà chỉ là tạo điều kiện để các địa phương thực hiện nhanh nhất, có trách nhiệm cao nhất các quy trình luật pháp trên địa bàn, từ đó thúc đẩy công việc nhanh chóng đúng theo mục tiêu cải cách hành chính, Chính phủ điện tử cả hệ thống đang triển khai

Thứ ba, với những cơ chế chính sách thí điểm đặc thù trong dự thảo mà được thực hiện thì chắc chắn sẽ khơi thông nguồn lực tạo ra sự đột phá trong phát triển không chỉ với Cần Thơ mà còn lan tỏa ra cả vùng đồng bằng Sông Cửu Long và góp phần thúc đẩy nhanh hơn sự phát triển kinh tế trên toàn quốc.

Thứ tư, quá trình xây dựng cơ chế, Chính phủ đã chỉ đạo các địa phương, Bộ, ngành liên quan đã thực hiện đầy đủ các bước theo quy trình. Hồ sơ, tài liệu của Chính phru tình chặt chẽ, có sự tiếp thu đóng góp ý kiến các cơ quan thẩm định của Quốc hội để hoàn thiện hồ sơ báo cáo Quốc hội.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng đánh giá cao 8 nhóm chính sách giao thí điểm cho Cần Thơ. Theo đại biểu, các chính sách này đã tạo cho Cần Thơ hệ thống đồng bộ toàn diện để phát huy được mọi nguồn lực và đặc biệt khơi thông được những điểm nghẽn, phát huy được đặc thù, lợi thế của Cần Thơ, có tác động lan tỏa vùng miền thúc đẩy sự phát triển kinh tế bền vững cho Cần Thơ và vùng đồng bằng Sông Cửu Long.

Nhấn mạnh trong Điều 8 của dự thảo Nghị quyết quy định về cơ chế đặc thù cho trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm Nông nghiệp vùng đồng bằng Sông Cửu Long tại Cần Thơ đã thể hiện sự đột phá mạnh mẽ trong việc thu hút đầu tư, các doanh nghiệp, các nguồn lực để thúc đẩy chế biến tiêu thu, đại biểu cho rằng đây là chủ trương rất đúng.

Theo đại biểu, hiện nay sản xuất nông sản khu vực đồng bằng sông Cửu Long đang bị kìm hãm bởi nhiều yếu tố, giảm sức cạnh tranh so với nông sản các nước như Thái Lan, Myanmar, Campuchia,… và đang dần mất đi những lợi thế phát triển về nông nghiệp, vốn có lợi thế nhưng chưa được phát huy hết tiềm năng. Do đó, để giải quyết bài toán đầu ra cho nông, thủy sản của Vùng thì giải pháp quan trọng hiện nay là thiết lập chuỗi cung ứng, tạo điều kiện để hàng hóa nông sản được thông suốt trong tất cả các khâu từ thu hoạch – chế biến – bảo quản – vận chuyển –phân phối – xuất khẩu. Việc tập hợp các đầu mối sản xuất, thu mua, tiêu thụ nông sản của các tỉnh trong Vùng, hình thành kết nối cung – cầu nông sản giữa nơi sản xuất với thị trường tiêu thụ trong một Khu liên kết, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, không để đứt gãy chuỗi cung ứng nông sản, nhất là trong các trường hợp phòng, chống dịch Covid là rất cần thiết, gắn với cơ chế đầu tư, xây dựng hệ thống kho lạnh quốc gia, đặt tại các vùng nguyên liệu lớn với sức chứa bảo đảm lưu trữ được sản lượng lớn các nông sản, thủy sản khi vào vụ thu hoạch và điều tiết nguyên liệu cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, xuất khẩu theo nhu cầu thị trường.

Việc hình thành Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp Vùng đồng bằng sông Cửu Long với mục tiêu “Một điểm đến đa dịch vụ” sẽ góp phần hình thành nên chuỗi sản xuất liên kết gắn với 3 nhà: nhà nông, nhà sản xuất (thương nhân, doanh nghiệp nông sản) và doanh nghiệp xuất, nhập khẩu. Khu liên kết sẽ là nơi các doanh nghiệp, người dân tiến hành sản xuất, chế biến, giao dịch, chào bán nông sản, thu hút nguồn lực lao động,…

Đại biểu Nguyễn Thị Lan nhấn mạnh, đánh giá cao và ủng hộ việc ban hành Nghị quyết thí điểm cơ chế đặc thù cho Tp. Cần Thơ, tuy nhiên đề nghị cần chú ý rà soát để ban hành đầy đủ cơ chế giám sát việc thực hiện nhằm đảm bảo nghị quyết ban hành phải có tính khả thi cao, phát huy hiệu lực, hiệu quả cao nhất, đảm bảo sự thống nhất phát triển trong toàn quốc gia, không chỉ tạo ra vật chất mà còn phải tạo ra niềm tin cho cử tri, uy tín cho Quốc hội./.

Lê Anh - Minh Thành