CỬ TRI TP HẢI PHÒNG ĐỀ NGHỊ CẢI THIỆN CHÍNH SÁCH TIỀN LƯƠNG, PHỤC CẤP ƯU ĐÃI CHO GIÁO VIÊN MẦM NON

18/02/2022

Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận được đề nghị trả lời đề nghị của cử tri Thành phố Hải Phòng liên quan đến chính sách đối với giáo viên mầm non.


Theo đó, cử tri đề nghị Chính phủ quan tâm xây dựng chế độ, chính sách đối với đội ngũ giáo viên mầm non, nhân viên chăm sóc trẻ tại tất cả các cơ sở giáo dục theo hướng bố trí tăng định mức giáo viên/lớp đạt tối đa 2,8 giáo viên đối với lớp nhà trẻ; 2,2 giáo viên lớp đối với mẫu giáo để đỡ áp lực, giảm cường độ, giờ làm cho giáo viên; cải thiện chính sách tiền lương, tăng mức lương cơ sở, nâng phụ cấp ưu đãi của giáo viên mầm non (tăng từ 35% đến 45%), hỗ trợ làm thêm giờ, trực ca; hoặc có chính sách đặc thù riêng cho giáo viên, nhân viên chăm sóc trẻ để các cô giáo yên tâm công tác, gắn bó với nghề, khắc phục tình trạng thiếu giáo viên mầm non hiện nay.


Cử tri Thành phố Hải Phòng đề nghị cải thiện chính sách đối với giáo viên mầm non (ảnh minh họa). 

Trả lời đề nghị cử tri thông qua Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hải Phòng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, trong thời gian qua, Bộ đã tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành và ban hành theo thẩm quyền một số chính sách ưu đãi đối với giáo viên cấp mầm non, trong đó có giáo viên nhà trẻ như: Mức phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên mầm non bằng hoặc cao hơn so với giáo viên các cấp học khác thuộc hệ thống giáo dục phổ thông trên cùng địa bàn, trong đó có ưu tiên cho giáo viên trực tiếp giảng dạy trong các trường mầm non ở miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa với mức phụ cấp cao nhất (mức phụ cấp 50%); Giảm số giờ làm việc trên lớp từ 8 giờ ngày xuống còn 6 giờ ngày; Tăng định mức giáo viên lớp: bố trí tối đa 2,5 giáo viên/nhóm trẻ. Đối với lớp mẫu giáo học 02 buổi/ngày: bố trí tối đa 1,2 giáo viên/lớp. Đối với lớp mẫu giáo học 01 buổi/ngày: bố trí tối đa là 1,2 giáo viên/lớp.

Giáo viên mầm non hợp đồng tại trường công lập được hưởng theo thang, bảng lương như giáo viên trong biên chế; Giáo viên mầm non ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng các chế độ phụ cấp, trợ cấp theo chính sách của Chính phủ; Nhà nước hỗ trợ tài liệu và chi phí tập huấn khi tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ; Giáo viên mầm non được thanh toán tiền mua tài liệu học tập tiếng nói và chữ viết của người dân tộc thiểu số theo quy định; Giáo viên mầm non trực tiếp dạy 02 buổi/ngày tại các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo ghép từ hai độ tuổi trở lên ở các điểm lễ hoặc trực tiếp dạy; Tăng cường tiếng Việt tại các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo có trẻ em là người dân tộc thiểu số tại các điểm lẻ ở các cơ sở giáo dục mầm non công lập ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ hằng tháng được hỗ trợ thêm một khoản bằng tiền là 450.000 đồng/tháng với thời gian hưởng hỗ trợ là 9 tháng năm (từ tháng 9 năm trước đến tháng 5 năm sau). Trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp, Nhà nước chưa có quy định về chính sách hỗ trợ tiền ăn trưa đối với giáo viên. Tuy nhiên, có một số địa phương đã có chính sách hỗ trợ chế độ trực trưa đối với giáo viên mầm non.

Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng và trình Chính phủ bảng lương theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ lãnh đạo và phụ cấp ưu đãi nghề đối với viên chức ngành giáo dục, trong đó có chính sách ưu đãi đối với đội ngũ giáo viên mầm non./.

Bích Lan