ĐBQH VĂN THỊ BẠCH TUYẾT: NÂNG CAO HƠN NỮA VAI TRÒ CỦA ĐBQH VÀ ĐOÀN ĐBQH TRONG HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT

24/02/2022

Theo Phó Trưởng đoàn chuyên trách ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh Văn Thị Bạch Tuyết, việc tiếp tục đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội, trong đó có việc nâng cao vai trò của đại biểu Quốc hội và Đoàn ĐBQH trong hoạt động giám sát là một trong những nội dung quan trọng góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa.

 

Xác định công tác giám sát là nội dung rất quan trọng để thực hiện chức năng, nhiệm vụ

Phó Trưởng đoàn ĐBQH Tp.Chí Minh cho biết, Đoàn ĐBQH Tp.Hồ chí Minh luôn xác định công tác giám sát là một trong những nội dung rất quan trọng để thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Từ thực tiễn sinh động của thành phố, qua hoạt động giám sát, Đoàn ĐBQH thành phố không chỉ đề xuất những chủ trương, giải pháp với Quốc hội cho những vấn đề chung mà còn góp phần cùng với chính quyền địa phương khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện điều hành, quản lý và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Việc xây dựng chương trình giám sát của Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh bám sát vào Nghị quyết về chương trình giám sát hàng năm của Quốc hội và tình hình thực tiễn của thành phố. Chương trình giám sát nêu rõ, việc tham gia vào các nội dung giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đồng thời, tổ chức các nội dung giám sát của Đoàn ĐBQH thành phố, tập trung vào những vấn đề bức xúc của đời sống kinh tế - xã hội được cử tri quan tâm.

Đoàn ĐBQH Tp.HCM giám sát việc thực hiện các chính sách hỗ trợ cho người dân khó khăn do bị ảnh hưởng Covid-19 trên địa bàn thành phố (23/9/2021)

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh nhấn mạnh, công tác tổ chức giám sát được thực hiện đúng theo quy định của Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Các cuộc giám sát của Đoàn ĐBQH thành phố mời đại diện của Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố, các Ban Hội đồng nhân dân thành phố, đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, một số cơ quan thuộc Thành ủy; các sở, ngành thành phố cùng tham dự nhằm đảm bảo yêu cầu phối hợp giám sát, đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát.

Sau mỗi nội dung giám sát, trên cơ sở tham khảo ý kiến của cơ quan tham gia phối hợp giám sát; xem xét báo cáo của các cơ quan, đơn vị, quận, huyện chịu sự giám sát và nội dung các cuộc làm việc, giám sát trực tiếp, Đoàn ĐBQH thành phố xây dựng báo cáo kết quả giám sát, đồng thời có các kiến nghị cụ thể đối với các cơ quan hữu quan của Trung ương và thành phố.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh cho biết, các kiến nghị sau giám sát của Đoàn ĐBQH thành phố đã được Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan quan tâm giải quyết và được Ủy ban nhân dân thành phố nghiêm túc tiếp thu các ý kiến góp ý của Đoàn ĐBQH Quốc hội thành phố và ban hành các chỉ đạo kịp thời chấn chỉnh các hạn chế, thiếu sót và khẩn trương triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nhằm bảo đảm pháp luật được thi hành hiệu lực, hiệu quả trong đời sống.

Nhấn mạnh trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV và đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay, Đoàn ĐBQH thành phố đã tổ chức 36 nội dung giám sát, khảo sát, tham gia 49 Đoàn giám sát, khảo sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH thành phố cho biết, qua giám sát Đoàn ĐBQH thành phố HCM đã có 368 kiến nghị cụ thể với các cơ quan chức năng để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách pháp luật, đồng thời  giúp cho chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền tốt hơn. Hầu hết các kiến nghị của Đoàn ĐBQH thành phố đã được Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, chỉ đạo giải quyết.

Ngoài ra, Đoàn ĐBQH thành phố còn đảm bảo thực hiện nghiêm túc việc tiếp công dân và giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân theo đúng quy định của Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Nghị quyết số 228/1999/NQ-UBTVQH10 và Nghị quyết số 759/2014/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội;… qua đó, góp phần đôn đốc các cơ quan chức năng giải quyết nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo của công dân.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH thành phố cũng chỉ ra những mặt tồn tại như: các cuộc giám sát, khảo sát thường tổ chức theo hình thức Đoàn giám sát, khảo sát của Đoàn ĐBQH, ít đại biểu Quốc hội thực hiện chương trình giám sát riêng theo quy định của Luật hoạt động giám sát; Việc huy động chuyên gia, cơ quan chuyên môn nghiệp vụ có liên quan để hỗ trợ cho Đoàn giám sát vẫn còn ít; Việc đôn đốc và theo dõi kết quả việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát mới chỉ dừng ở việc theo dõi và phản ánh tình hình chung, chưa thực hiện thường xuyên việc xem xét tiến trình giải quyết các ngành chức năng sau giám sát; Hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của đại biểu Quốc hội chưa hiệu quả do đa số đại biểu kiêm nhiệm;…

Phó Trưởng đoàn chuyên trách ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh Văn Thị Bạch Tuyết 

Nâng cao vai trò của ĐBQH và Đoàn ĐBQH trong hoạt động giám sát

Để góp phần tiếp tục đổi mới và nâng cao vai trò của đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội trong hoạt động giám sát, Phó Trưởng đoàn chuyên trách ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh Văn Thị Bạch Tuyết đưa ra nhiều kiến nghị/đề xuất cụ thể:

Thứ nhất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần tập trung cho công tác bồi dưỡng, tập huấn cho đại biểu Quốc hội ngay từ đầu nhiệm kỳ về quy trình giám sát, cách thức tổ chức giám sát, cách lựa chọn vấn đề giám sát; chọn lựa chuyên gia, hướng dẫn rõ hơn về cơ chế và quy định về thẩm quyền, chi phí cho chuyên gia…. Đồng thời, Quốc hội  cần cung cấp thường xuyên tài liệu, báo cáo chuyên đề về kinh tế - xã hội để đại biểu Quốc hội có thể nghiên cứu phục vụ cho chọn lựa nội dung giám sát.

Thứ hai, tiếp tục cải tiến phương thức tổ chức hoạt động giám sát, tăng cường vai trò và thẩm quyền giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương, sớm hướng dẫn cơ chế, quy trình cho đại biểu Quốc hội, tổ đại biểu Quốc hội thực hiện quyền giám sát của mình đẩy mạnh các hình thức giám sát trực tiếp tại cơ sở; nâng cao chất lượng của hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, đặc biệt là việc chất vấn giữa hai kỳ họp. Đây là yêu cầu bức thiết nhằm tăng cường hiệu lực giám sát của Quốc hội, đại biểu Quốc hội; nâng cao chất lượng công tác theo dõi, tổng hợp, thẩm tra, đánh giá đối với kết quả thực hiện các kiến nghị của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Đoàn ĐBQH nhằm đảm bảo các kiến nghị được giải quyết triệt để, kịp thời; chú trọng giám sát lại vấn đề đã kiến nghị của các cuộc giám sát trước.

Thứ ba, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo việc tổng hợp các kiến nghị sau giám sát của các Đoàn ĐBQH để chuyển đến các Bộ, ngành hữu quan xem xét giải quyết, có ý kiến trả lời cho địa phương.

Thứ tư, việc trả lời các kiến nghị, khiếu nại của cử tri cần phải được đảm bảo về thời gian theo luật định và đảm bảo về nội dung, tránh trả lời chung chung, không giải quyết đúng yêu cầu của cử tri gây khiếu nại, kiến nghị nhiều lần, nhiều cơ quan và kéo dài; kiến nghị có quy định cụ thể về chế tài xử lý trách nhiệm đối với những trường hợp đơn khiếu nại, tố cáo được đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố chuyển nhưng quá thời hạn quy định của pháp luật mà các cơ quan có thẩm quyền giải quyết không trả lời, không xem xét, giải quyết; quy định cụ thể chế tài xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về khiếu nại, tố cáo để xử lý các trường hợp lợi dụng quyền khiếu nại để gây rối, vu khống, làm mất trật tự an toàn, xã hội.

Đồng thời, xây dựng cơ chế phối hợp, theo dõi, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị giữa các cơ quan dân cử, chính quyền, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, đảm bảo việc giải quyết không chồng chéo, trùng lắp nhưng vẫn triệt để; …

Thứ năm, xây dựng quy chế phối hợp hoạt động giữa Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, giữa các cơ quan của Quốc hội với Hội đồng nhân dân, Đoàn ĐBQH để góp phần thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan theo quy định của pháp luật; khắc phục việc chồng chéo trong giám sát.

Thứ sáu, để phát huy vai trò, hiệu quả hoạt động giám sát của Đoàn ĐBQH cần tăng cường cơ chế phối hợp, trao đổi thông tin giữa Đoàn ĐBQH với Ủy ban kiểm tra, cơ quan kiểm toán, thanh tra, điều tra; thường xuyên mời đại diện Ủy ban kiểm tra các cấp, cơ quan kiểm toán tham gia cuộc giám sát do Đoàn ĐBQH tổ chức;....

Phó Trưởng đoàn chuyên trách ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh Văn Thị Bạch Tuyết cũng đề xuất, cần tăng cường chế độ bảo đảm phục vụ hoạt động giám sát và việc huy động chuyên gia vào công tác giám sát của Quốc hội. Đồng thời, quan tâm bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ Văn phòng trực tiếp phục vụ Đoàn ĐBQH để thực hiện tốt công tác tham mưu, phục vụ ĐBQH, Đoàn ĐBQH trong hoạt động giám sát./.

Lê Anh - Nghĩa Đức