ĐBQH HOÀNG VĂN CƯỜNG: CẨN TRỌNG TRONG ĐIỀU HÀNH GIÁ XĂNG DẦU, BẢO ĐẢM THỰC HIỆN MỤC TIÊU PHỤC HỒI KINH TẾ

25/02/2022

Giá xăng dầu trong nước tăng cao, nguy cơ ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô, đe dọa các nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế, ĐBQH Hoàng Văn Cường cho rằng đây là điều đáng lo ngại, cần thận trọng trong điều hành vĩ mô, có giải pháp tổng thể trước mắt và lâu dài để đảm bình ổn giá, giúp cho nền kinh tế có điều kiện ổn định, phục hồi và phát triển.

 

Tại kỳ điều hành gần đây nhất, chiều ngày 21/02, liên Bộ Công thương - Tài chính đã điều chỉnh tăng gần 1.000 đồng cho một lít xăng, đưa giá xăng E5 RON92 lên 25.530 đồng/lít, xăng RON95 là 26.280 đồng/lít. Với mức tăng giá lần này, xăng RON95 vượt mức đỉnh cách đây 8 năm. 

Theo thống kê, chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế. Khi giá xăng dầu tăng 10% sẽ khiến GDP giảm khoảng 0,5%, mức giảm khá lớn. Đặc biệt, khi giá xăng dầu liên tục tăng cao sẽ khiến chỉ số giá cả hàng hóa tăng trở lại, tiềm ẩn nguy cơ lạm phát, đe dọa tới hiệu quả của gói chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế mới được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất vừa qua.

Đại biểu Hoàng Văn Cường  - Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội

Trao đổi về những nguy cơ, ảnh hưởng đến nền kinh tế khi giá xăng dầu tăng mạnh, Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân, đại biểu Quốc hội Tp.Hà Nội, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Hoàng Văn Cường cho biết, xăng dầu là yếu tố đầu vào của nhiều hoạt động kinh tế - xã hội. Khi giá xăng dầu tăng lên đẩy giá các yếu tố khác tăng. Chi phí lưu thông tăng thì tất cả các hàng hóa liên quan tăng, giá nguyên liệu đầu vào, giá máy móc thiết bị tăng, giá các loại hàng hóa tăng thì nguy cơ chỉ số giá tiêu dùng tăng cao. Khi chỉ số giá cao sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động sản xuất kinh doanh, yếu tố đầu vào tăng cao thì khả năng đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh sẽ giảm xuống.

Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách Hoàng Văn Cường cho biết thêm, năm 2022 là năm chúng ta cố gắng kích thích thúc đẩy kinh tế phục hồi, theo kịp đà tăng trưởng của kinh tế. Để thực hiện mục tiêu đó chúng ta đã có gói hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế với quy mô gần 350.000 tỷ đồng hay như giảm 2% thuế VAT nhằm khuyến khích tiêu dùng, giảm chỉ số giá, cố gắng giữ lạm phát không tăng. Do đó, nếu không cẩn trọng để cho giá xăng dầu tăng cao thì gần như mục tiêu đặt ra không đạt được và việc giảm thuế VAT 2% gần như không còn ý nghĩa. Chúng ta cố gắng hỗ trợ để mở rộng sản xuất thì nay giá tăng, hiệu quả không cao nguy cơ hạn chế đầu tư của các doanh nghiệp. Đây là điều đáng lo ngại nếu không kiểm soát tốt giá xăng dầu thì đà phục hồi kinh tế Việt Nam khó có thể đạt được kỳ vọng 6%-7%, đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.

Việc điều chỉnh giá xăng, dầu gần đây đã ảnh hưởng đến đời sống của nhiều hộ gia đình có thu nhập thấp và trung bình, khi mà nhiều hàng hoá được điều chỉnh tăng giá do tác động của giá xăng tăng. Do đó nhiều gia đình buộc phải cân đối lại tài chính và thắt chặt chi trong tiêu dùng hàng ngày.

Trong khi đó, tại một số địa phương xảy ra tình trạng một số ít cửa hàng bán lẻ xăng dầu đóng cửa, bán theo giờ, bán theo định lượng. Theo các chuyên gia, diễn biến của tình hình xăng dầu trong nước thời gian qua cho thấy, vai trò quản lý, điều tiết của Bộ Công Thương cần phải được nâng lên. Có ý kiến cho rằng để đảm bảo an toàn an ninh năng lượng xăng dầu của Việt Nam thì không chỉ Bộ Công thương mà cần có cơ chế đảm bảo an toàn năng lượng nói chung và an toàn xăng dầu nói riêng của Việt Nam. Do đó cần tăng cường cơ chế thị trường, cạnh tranh nhiều hơn nữa và tự do hóa kinh doanh xăng dầu. Bên cạnh nguồn dự trữ xăng dầu của các doanh nghiệp đầu mối cần có nguồn dự trữ cấp quốc gia đảm bảo an ninh năng lượng.

Về vấn đề này, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Hoàng Văn Cường cho biết, xăng dầu là mặt hàng bình ổn giá và được Nhà nước quản lý. Do đó, điều hành của Bộ Công thương là rất quan trọng.

Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách Hoàng Văn Cường cho rằng, Bộ Công thương cần phải có kiểm soát nguồn cung và dự trữ để đảm bảo chủ động nguồn cung trong nước. Hai là trong việc điều hành giá cần linh hoạt để khi giá xăng dầu giảm thấp thì tăng thêm phần trích vào Quỹ bình ổn giá và khi giá xăng tăng cao thì phải sử dụng Quỹ bình ổn đó để bù cho giá xăng.

Ba là phải điều hành mức dữ trữ, kiểm soát dự trữ của các nhà cung cấp để không có tình trạng nhà cung cấp găm hàng, đầu cơ om hàng không đưa xăng ra bán đợi giá tăng trong tương lai. Như vậy, Bộ Công thương vừa kiểm soát vừa điều tiết ở cung của hàng hóa, điều tiết giá và kiểm soát bằng mệnh lệnh hành chính không để đầu cơ xăng dầu.

Đề xuất một số giải pháp nhằm ứng phó với giá xăng dầu tăng cao để giảm thiểu tác động xấu của tăng giá xăng dầu đến tăng trưởng và lạm phát năm 2022, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách Hoàng Văn Cường nêu rõ, điều chỉnh giá dựa vào cung cầu là chính. Như vậy, điều đầu tiên là phải tăng cung. Tăng cung trong nước thông qua các nhà máy lọc dầu trong nước chiếm tỷ trọng cung khá cao. Tuy nhiên vừa qua các nhà máy gặp khó khăn cắt giảm sản xuất, ngừng nhập khẩu một số nguyên liệu đầu vào, từ đó làm khan hiếm dầu trong nước. Vì vậy, cần phải giải quyết khó khăn cho các nhà máy trong nước để thúc đẩy tăng sản xuất, cung ứng trong nước. 

Hai là tăng nguồn cung nhập khẩu, khuyến khích doanh nghiệp bằng cách giảm thuế nhập khẩu.

Ba là phải có biện pháp hành chính không để các nhà phân phối cố tình om hàng, không cung cấp xăng ra thị trường.

Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách Hoàng Văn Cường đề xuất có biện pháp để chi phí đầu vào cho xăng dầu giảm. Theo đó, hiện nay thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu áp mức khá cao, có thể điều hành để mức thuế này giảm xuống. Hoặc thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu cần thiết có thể điều chỉnh giảm xuống. Đại biểu lý giải, thời điểm này khi điều hành các chính sách thuế, giảm các mức thuế có thể làm giảm nguồn thu ngân sách nhưng giữ được giá xăng dầu ổn định hợp lý sẽ thúc đẩy được phát triển kinh tế, từ đó có được nguồn thu lớn hơn cho ngân sách nhà nước. 

Về lâu dài, phải tạo ra thị trường cạnh tranh tốt hơn để các nhà phân phối xăng dầu cạnh tranh và tự tìm được nguồn cung cấp tốt nhất. Nguồn dự trữ quốc gia cũng phải tăng nguồn lực để tăng nguồn dữ trữ xăng dầu trong nước như một số nước dữ trữ xăng dầu cho khoảng 5-6 tháng để bảo đảm bình ổn.

Như vậy sử dụng tổng hợp các biện pháp mới có thể bảo đảm bình ổn giá xăng dầu trong thời gian tới, giúp cho nền kinh tế có điều kiện ổn định, phục hồi và phát triển./.

Bảo Yến