Cân nhắc, điều chỉnh một số quy định mới của dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi)
Góp ý về dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Văn Hiển, đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng cho biết, nhiều nội dung trong dự thảo Luật được chỉnh lý trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2 và Báo cáo thẩm tra Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) ngày 18/10/2021 của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục gửi đến đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2 như: bổ sung khái niệm “Phim hợp tác sản xuất với nước ngoài”; hợp tác quốc tế trong hoạt động điện ảnh; làm rõ và chọn phương án sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước được thực hiện bằng hình thức giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng hoặc đấu thầu phù hợp với đặc thù của việc sản xuất phim theo quy định của Chính phủ; hoàn thiện các quy định để đảm bảo phù hợp với các luật liên qua, nhất là Luật Sở hữu trí tuệ; quyền của cơ sở điện ảnh phổ biến phim trong hệ thống rạp; tăng cường các hình thức để quản lý tốt hơn việc phổ biến và xem phim phổ biến trên không gian mạng; thẩm quyền cấp Giấp phép phân loại ohim theo từng thể loại phim; quy định cụ thể thời gian tiếp nhận, xử lý hồ sơ để cấp, thu hồi Giấy phép phân loại phim, dừng phổ biến phim; trách nhiêm của cơ quan quản lý nhà nước về điện ảnh… Các quy định mới này hướng tới phát triển nền điện ảnh Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, bảo vệ nhà sản xuất phim Việt Nam, tăng tính bảo hộ hợp pháp phim Việt Nam, góp phần nâng tầm điện ảnh Việt Nam.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Văn Hiển, đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng
Để tiếp tục hoàn thiện Dự án Luật trước khi trình ra Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, đại biểu Nguyễn Văn Hiển đề nghị nghiên cứu bổ sung khái niệm “thị trường điện ảnh” vì thị trường vừa là điều kiện bắt buộc, vừa là nền tảng xây dựng nền công nghiệp điện ảnh. Thực tế hoạt động điện ảnh hơn 10 năm qua cho thấy, thị trường điện ảnh Việt Nam phát triển nhanh nhưng cạnh tranh còn chưa lành mạnh, cần có những quy định về vấn đề này để phát triển một thị trường điện ảnh cạnh tranh minh bạch, lành mạnh, bảo hộ doanh nghiệp nội địa một cách công khai theo các cam kết quốc tế.
Về Điều 3 khoản 7 quy định “Phát hành phim là việc trao đổi, mua, bán cho thuê, xuất khẩu, nhập khẩu phim”, đại biểu cho rằng quy định này chưa bao hàm hết hành vi, giao dịch dân sự trong phát hành phim đối với việc tặng, cho, cho mượn phim hay thừa kế phim khi coi “phim” như một loại tài sản. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Văn Hiển đề nghị cân nhắc, bổ sung các hành vi giao dịch trên để đảm bảo tính đầy đủ của khái niệm phát hành phim.
Nâng cao hiệu lực hiệu quả trong quản lý Nhà nước
Liên quan đến chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh (Điều 5), đại biểu Nguyễn Văn Hiển nêu rõ, so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, dự thảo Luật lần này đã gộp 2 Điều “Chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh” và “Chính sách của Nhà nước về phát triển công nghiệp điện ảnh” thành một điều chung là “Chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh”. Các chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển điện ảnh đã được lượng hóa cụ thể hơn, thể hiện rõ hơn vai trò của Nhà nước và việc huy động, khuyến khích các nguồn lực của các tổ chức, cá nhân trong phát triển điện ảnh.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Văn Hiển nhận thấy, Khoản 3 Điều này nêu: “Nhà nước có chính sách ưu đãi về tín dụng, thuế và đất đai đối với các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh” nhưng các nội dung của khoản này chủ yếu tập trung vào các ưu đãi về thuế, đất, yếu tố ưu đãi về tín dụng chưa được làm rõ, do đó, đề nghị cần có các quy định cụ thể hơn về ưu đãi tín dụng đối với hoạt động điện ảnh.
Về những nội dung và hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh, đại biểu Nguyễn Văn Hiển cho rằng, Điều 9 của Dự thảo Luật có một số nội dung chưa thực sự cụ thể, có nội dung bị lặp hoặc đã được quy định trong các luật khác. Ví dụ như quy định tại điểm đ Khoản 2 trùng với điểm c Khoản 2 vì đều là các hành vi vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ. Vì vậy, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu để quy định cụ thể, dễ hiểu, dễ áp dụng mới có thể tránh được các kiến nghị, khiếu nại trong quá trình phân loại phim.
Liên quan đến Điều 12 - Trường quay, đại biểu Nguyễn Văn Hiển nhận thấy, dự thảo Luật quy định “trường quay nằm trong quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa, thể thảo” là chưa có tính mở, sẽ bó hẹp trường quay trong hệ thống quản lý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Điều này sẽ không khuyến khích, huy động được sự tham gia rộng rãi của các nguồn vốn trong xã hội, vốn nước ngoài… để đầu tư xây dựng, phát triển trường quay phục vụ hoạt động sản xuất phim. Hơn nữa, đại biểu cho rằng, cần nghiên cứu quy định lại về hoạt động của trường quay, vì khi chuyển đổi sang công nghệ số, việc sản xuất phim sẽ có rất nhiều thay đổi, nhất là cách hoạt động của trường quay.
Cho ý kiến về vấn đề cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài (Điều 13, Điều 41), Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển đề nghị cần có quy định rõ hơn về “tổ chức, cá nhân nước ngoài”. Trên cơ sở đó, xác định đoàn làm phim có những thành phần nào (đạo diễn, biên kịch, nhà sản xuất, quay phim, diễn viên, kỹ thuật viên…) thì được xem là có “yếu tố nước ngoài”, dự án làm phim sẽ phải trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xin cấp phép sản xuất.
Ngoài ra, dự thảo các Điều 13, Điều 41 chưa có sự phân định rõ về từng trường hợp: (1) Cung cấp dịch vụ sản xuất phim tại Việt Nam; (2) Cung cấp dịch vụ sản xuất phim có sử dụng bối cảnh tại Việt Nam; (3) Sử dụng bối cảnh tại Việt Nam, trên cơ sở đó có quy định cụ thể, phù hợp vớ từng trường hợp.
Góp ý về vấn đề sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước (Điều 14), đại biểu Nguyễn Văn Hiển đề nghị cần phải quy định rõ việc sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước là phim được Nhà nước chi 100% ngân sách (kinh phí) hay chi từ trên 50% ngân sách trở lên để sản xuất. Đây là vấn đề quan trọng nhằm xác định rõ loại phim này để Nhà nước bố trí, quản lý ngân sách chi cho việc sản xuất; xác định rõ trách nhiệm của chủ đầu tư dự án sản xuất phim; phương thức sản xuất phim; đồng thời quy định rõ hơn việc quản lý, chất lượng sản xuất phim cũng như việc quản lý, sử dụng loại phim này. Đại biểu đề nghị cần xem xét lại Khoản 2 Điều 14 để xác định phạm vi hợp lý chủ đầu tư dự án sản xuất phim sử dụng NSNN và tránh trùng lặp.
Cho ý kiến về vấn đề phát hành phim (Điều 15,16,17), Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển cho rằng, tất cả 3 điều thuộc chương III chưa đề cập đến việc phát hành phim Nhà nước đặt hàng, đề nghị nên có quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của nhà phát hành đối với phim được Nhà nước đặt hàng hoặc hỗ trợ; có chính sách đầu tư việc tuyên truyền, quảng bá, tiếp thị khi phát hành các phim Nhà nước đặt hàng để nâng cao hiệu quả xã hội của các phim này.
Về xuất khẩu phim, nhập khẩu phim (Điều 17), đại biểu nhận thấy, quy định còn chung chung ở mức “khuyến khích, tạo điều kiện” mà chưa cụ thể. Để xuất khẩu các sản phẩm điện ảnh Việt Nam ra nước ngoài, đại biểu Nguyễn Văn Hiển kiến nghị nên có những định hướng xây dựng chính sách để quản lý và hỗ trợ mục tiêu này như: khuyến khích đầu tư sản xuất phim xuất khẩu, trong đó trước hết phải xây dựng được công nghệ sản xuất kịch bản; cử những cá nhân xuất sắc đến học tập và làm việc tại các môi trường giải trí năng động nhất thế giới; tăng cường hợp tác quốc tế; liên hết sản xuất các sản phẩm điện ảnh giữa Việt Nam và các nước có nền điện ảnh phát triển để cho ra các sản phẩm chất lượng, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.
Góp ý vào Chương IV - Phổ biến phim (từ Điều 18 đến Điều 32), trong đó có phổ biến phim trên không gian mạng (Điều 21), Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển cho rằng, dự thảo Luật cần quy định theo hướng cho phép các nhà phát hành phim yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước phân loại phim và coi đây là một dịch vụ công có thu phí để đáp ứng nhu cầu của xã hội.
Về Hội đồng thẩm định và phân loại phim (Điều 31, Điều 32), đại biểu nhận thấy, dự thảo Luật chưa bổ sung cụ thể hơn quyền hạn, trách nhiệm, hoạt động của Hội đồng thẩm định và phân loại phim; bổ sung thành phần Hội đồng có các chuyên gia ở các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, tôn giáo, dân tộc và một số lĩnh vực khác; quy định về cơ chế trao đổi giữa đơn vị xin cấp phép và cơ quan cấp phép trong trường hợp không thống nhất về kết quả phân loại.
Đồng thời quy định về cấp phép phân loại phim đang giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành hoặc trình cần chú ý các vấn đề như: (1) Quy định về điều kiện, tiêu chí, trình tự phải rõ ràng, minh bạch để tránh phụ thuộc vào ý chí chủ quan của thành viên Hội đồng cấp phép; (2) Cơ chế cấp phép ohari dự đoán trước được sự phát triển của xã hội, tránh độc quyền, lạm quyền; (3) Làm rõ cơ sở, căn cứ để quy định phim ở rạp phải qua Hội đồng cấp phép, trong khi phim truyền hình lại giao cho đài truyền hình tự cấp phép, kiểm duyệt. Đại biểu Nguyễn Văn Hiển đề nghị cần xem xét xây dựng cơ chế Nhà nước cấp phép thành lập các Trung tâm thẩm định phim, Nhà nước giám sát hoạt động của các Trung tâm này.
Ngoài ra, đại biểu kiến nghị nên có quy định hạn chế phổ biến đối với một số loại phim, bằng cách đưa ra nguyên tắc hạn chế (phạm vi rạp chiếu, số lượng buổi chiếu, giờ chiếu…), cũng như nên có chính sách phổ biến rộng rãi nhất đối với những phim được phép phổ biến rộng rãi (phim loại P).
Liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước về điện ảnh (Điều 45, 46, 47), đại biểu Nguyễn Văn Hiển đề nghị bổ sung thêm 01 điều về nội dung quản lý nhà nước về điện ảnh để làm cơ sở pháp lý cho các cơ quan quản lý nhà nước (Chính phủ, bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các cấp) thực hiện. Chẳng hạn, quy định Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về điện ảnh, vậy dưa trên cơ sở pháp lý nào để Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về điện ảnh, Chính phủ sẽ thực hiện nhiệm vụ này như thế nào? Tương tự như vậy, đại biểu nêu, các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các cấp căn cứ vào quy định nào để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về điện ảnh trong phạm vi lĩnh vực, địa bàn mà cơ quan phụ trách và đặc biệt là các bộ, cơ quan ngang bộ phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch như thế nào, phải thực hiện những nhiệm vụ gì để thực hiện và phối hợp quản lý nhà nước về điện ảnh.
Về khoản 1 Điều 47 của dự thảo Luật, đại biểu đề nghị cân nhắc quy định này, vì theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Ủy ban nhân dân là cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương, là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, không có nhiệm vụ cụ thể về bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, môi trường tại các địa điểm tổ chức sản xuất, phát hành và phổ biến phim. Đại biểu nêu rõ, đây là nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị chức năng ở địa phương hoặc chính đơn vị sản xuất, phát hành, phổ biến phim tự tổ chức bảo đảm an ninh, trật tự ở nơi này./.