ĐBQH NGUYỄN THỊ XUÂN: CẦN ĐÁNH GIÁ CỤ THỂ VỀ NGUYÊN NHÂN CHỦ QUAN, TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN TRONG DỰ ÁN CHẬM TIẾN ĐỘ

14/03/2022

Theo Nghị quyết số 66/2013/QH13, Dự án đường Hồ Chí Minh được khởi công xây dựng năm 2000, thời hạn hoàn thành nối thông toàn tuyến mặc dù đã được lùi đến năm 2020 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành. Đại biểu Nguyễn Thị Xuân- Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk đề nghị cần đánh giá cụ thể về nguyên nhân chủ quan, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc dự án chậm tiến độ.

 

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk

Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, Dự án đường Hồ Chí Minh được khởi công xây dựng năm 2000. Theo Nghị quyết số 66/2013/QH13 ngày 29/11/2013, đến năm 2020 sẽ hoàn thành nối thông toàn tuyến từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) quy mô tối thiểu 2 làn xe với chiều dài khoảng 2.744 km (không bao gồm các đoạn đi trùng đã và đang được đầu tư bằng các dự án khác). Đến nay, dự án đã hoàn thành 2.362 km/2.744 km đạt 86,1% và khoảng 258 km tuyến nhánh; đang triển khai đầu tư 211 km; còn lại khoảng 171 km chưa bố trí được vốn để triển khai thực hiện.

Quan tâm về nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Xuân - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk đề nghị cần đánh giá cụ thể về nguyên nhân chủ quan, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc dự án chậm tiến độ.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Xuân, về vấn đề chậm tiến độ dự án, có yếu tố khách quan tác động, báo cáo của Chính phủ cũng nêu rất cụ thể. Tuy nhiên, cho rằng bên cạnh yếu tố khách quan chắc chắn phải có yếu tố chủ quan, đại biểu đề nghị Chính phủ làm rõ yếu tố chủ quan trong việc dự án chậm tiến độ. Trong thời gian tiến hành dự án, thế giới và trong nước có nhiều biến động như khủng hoảng tài chính, đại dịch COVID-19, trước những biến động đó, cần xem xét lại năng lực dự báo, chuẩn bị, ứng phó để hoàn thành nhiệm vụ. Đại biểu cho rằng, những biến cố từ yếu tố khách quan như biến đổi khí hậu, thiên tai, các vấn đề môi trường, dịch bệnh có thể xảy ra hàng năm, do vậy trong quá trình xây dựng dự án, cần có những tính toán, đánh giá, dự báo về các biến động để đảm bảo dự án được hoàn thành đúng tiến độ. Đại biểu đề nghị phải có đánh giá chi tiết cụ thể về nguyên nhân chủ quan, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan trong việc dự án chậm tiến độ.

Đối với công tác bảo đảm hành lang an toàn giao thông, báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, của Chính phủ có trình bày về việc nhân dân địa phương lấn chiếm và xây dựng các công trình trái phép trong phạm vi hành lang an toàn giao thông, tự ý đấu nối vào các tuyến đường Hồ Chí Minh. Có ý kiến cho rằng quy hoạch phạm vi hành lang đường Hồ Chí Minh khá rộng, để làm được như vậy thì công tác giải phóng mặt bằng, đền bù giải tỏa phải thật sự thỏa đáng để người dân trong diện giải tỏa có sinh kế ổn định cuộc sống. Hiện nay người dân sinh sống bên đường Hồ Chí Minh vẫn phải đóng thuế đất phi nông nghiệp, nhưng lại bị hạn chế về quyền sử dụng đất, theo đại biểu, đây là vướng mắc cần tháo gỡ để đảm bảo đời sống người dân trong quá trình triển khai dự án. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Thị Xuân đề nghị Chính phủ, trong quá trình triển khai các dự án thành phần còn lại, cần lưu tâm đến vấn đề này để không làm chậm tiến độ, không để tiếp diễn tình trạng người dân lấn chiếm hay tự ý đấu nối, xây dựng trong hành lang an toàn giao thông tuyến đường Hồ Chí Minh.

Về công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện đối với các dự án thành phần còn lại, đại biểu Nguyễn Thị Xuân đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Giao thông vận tải cần tập trung quyết liệt các nguồn lực để giải quyết các vấn đề liên quan, đẩy nhanh tiến độ của dự án mang ý nghĩa chính trị, ý nghĩa lịch sử lớn lao này.

Ngoài ra, đối với việc thực hiện di dân của các dự án thành phần còn lại trong giai đoạn 2021-2025, đại biểu đề nghị chú ý gắn với quy hoạch chi tiết, điều chỉnh hướng tuyến, tiến hành di dân một cách chặt chẽ, có cân nhắc kỹ lưỡng, đảm bảo không phát sinh các vấn đề khiếu nại, khiếu kiện hay gây ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của người dân khi triển khai dự án./.

Hồ Hương

Các bài viết khác