Đại biểu Quốc hội Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Đại biểu Phan Xuân Dũng- Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận đánh giá báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện Nghị quyết 66/2013/QH13 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh đã nêu rõ những thành công và kết quả to lớn đã đạt được về quy hoạch và chuẩn bị dự án; về quá trình thực hiện đầu tư gắn với việc ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ, về quản lý đầu tư xây dựng và trong huy động vốn và thanh toán; cũng như các thành tựu trong giai đoạn khai thác được thể hiện qua hiệu quả khai thác, công tác vận hành, quản lý duy tu, bảo dưỡng; công tác bảo đảm hành lang an toàn giao thông, công tác bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó biến đổi khí hậu và tác động của dự án đối với các tuyến đường biên giới, khu vực cửa khẩu.
Chia sẻ về vấn đề tác động của thiên nhiên và con người gây ảnh hưởng đến kết quả thực hiện dự án đường Hồ Chí Minh, đại biểu Phan Xuân Dũng cho biết, do ảnh hưởng của hoạt động kiến tạo, đường Hồ Chí Minh qua khu vực Miền Trung và Tây Nguyên phải cắt qua nhiều đứt gãy và nằm trên các đới kiến tạo phá hủy, cấu trúc địa chất khu vực này rất phức tạp, đất đá bở rời, vỡ vụn, kém dính kết và bị tan rã khi gặp nước,... trở thành là một trong những điều kiện bất lợi nhất cho sự ổn định mái dốc nền đường và móng các công trình. Hàng năm, vào mùa mưa bão, hiện tượng đất sụt lại diễn ra trầm trọng trên các tuyến đường miền núi nói chung và trên đường Hồ Chí Minh nói riêng.
Theo đại biểu, đất sụt đường Hồ Chí Minh là một trong những tai họa do thiên nhiên gây ra, chủ yếu xảy ra trên những đoạn đường đào, kéo dài dọc tuyển hơn nghìn Km, từ địa phận Thanh Hóa vào đến Kon Tum. Không chỉ sụt trượt đất về mùa mưa, mà do hiện tượng địa chất phức tạp, đất có tính lún sụt, cho nên tuyến tránh đường Hồ Chí Minh qua thị trấn Chư Sê, tỉnh Gia Lai được đầu tư hàng trăm tỷ đồng, vừa mới hoàn thành xây lắp vào tháng 7/ 2015 thì tháng 9/2019 vừa qua đã xảy ra hiện tượng nền đường bị sụt lún, nứt vỡ, hư hỏng nghiêm trọng.
Từ thực tế trên, đại biểu cho rằng do ảnh hưởng của điều kiện tự nhiên, việc xây dựng bổ sung hoặc mở rộng, nâng cấp đường Hồ Chí Minh qua khu vực Miền Trung và Tây Nguyên gặp nhiều khó khăn và phức tạp. Những năm qua ngành giao thông vận tải đã chủ động đấu tranh phòng chống đất sụt trên đường Hồ Chí Minh và đã thu được nhiều kết quả tốt đẹp. Tuy nhiên, khi xây dựng quy hoạch và kế hoạch phát triển đường Hồ Chí Minh sau năm 2020-2021 cần lưu ý đến đặc điểm về địa hình, địa chất phức tạp và sự tồn tại của hơn 2000 hạng mục công trình xử lý đất sụt đã được xây dựng ổn định và thử thách với thiên nhiên trong suốt hơn 20 năm qua trên tuyến đường này để có giải pháp phù hợp nhằm bảo vệ và duy trì thế ổn định mái dốc hiện có, góp phần đảm bảo an toàn giao thông và tiết kiệm chi phí đầu tư xây dựng.
Bên cạnh đó, đại biểu Phan Xuân Dũng cũng cho rằng, để đảm bảo tính đồng bộ, theo quan điểm tích hợp, đa ngành, trong dự thảo báo cáo tình hình triển khai dự án đường Hồ Chí Minh, cần có nội dung xem xét rà soát Quy hoạch xây dựng vùng dọc tuyến đường Hồ Chí Minh ở các dự án thành phần đang triển khai theo Luật Xây dựng để có sự quy hoạch, sắp xếp ổn định dân cư, đảm bảo an sinh, trật tự an toàn, quốc phòng an ninh ở các khu vực có tuyến đường đi qua. Ngoài ra cũng cần đánh giá tính liên kết, khớp nối giữa các tuyến giao thông trong khu vực với trục đường Hồ Chí Minh theo quan điểm tích hợp quy hoạch.
Mặt khác do quy mô dự án triển khai đi qua địa phận 30 tỉnh, nên đại biểu cũng cho rằng cần đánh giá những khó khăn trong quá trình triển khai dự án, tác động của dự án tới phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân tại khu vực hai bên trục đường.
Theo đại biểu, các sơ đồ liên kết địa bàn và giao thông cần phải đưa vào đánh giá thực hiện dự án đường Hồ Chí Minh, có các nội dung và phương pháp khoa học và thực tiễn với các cơ chế thực hiện, cụ thể như kết nối chiến lược dài hạn và kế hoạch trong kỳ đầu tư, kết nối địa bàn về không gian và xác định vùng ảnh hưởng, kết nối các khu định cư cận kề đô thị và nông thôn, kết nối không gian kinh tế và không gian văn hóa, kết nối để bảo vệ môi trường tài nguyên tự nhiên và môi trường sống, tổ chức thực hiện và cơ chế phối hợp vận hành hạ tầng kết nối địa bàn giữa chính quyền và vùng tác động của dự án./.