ĐBQH LÊ HOÀNG ANH: VẬN DỤNG ĐÚNG CÁC QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ TIẾP CÔNG DÂN, GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO, NHẤT LÀ NHỮNG VỤ VIỆC ĐÔNG NGƯỜI, PHỨC TẠP

28/03/2022

Đánh giá việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo từ 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021 vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, đại biểu Lê Hoàng Anh- Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai đề nghị cần tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan về nội dung này.

 

Đại biểu Lê Hoàng Anh- Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai

Cho ý kiến về báo cáo của các Bộ, ngành, địa phương đối với giám sát chuyên đề “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo từ 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021”, đại biểu Lê Hoàng Anh nêu rõ, đề cương và hình thức báo cáo đã khá đầy đủ theo đề cương của Đoàn giám sát. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần có số liệu minh hoạ về một số hạn chế, tồn tại trong đánh giá như: chất lượng lập dự án đo đạc bản đồ địa chính không bảo đảm; kinh phí cho việc đo đạc lập bản đồ địa chính, đăng ký đất đai chưa được đầu tư đầy đủ. Đồng thời cần chỉ rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương để xảy ra các vụ việc tồn đọng kéo dài nhiều năm, việc tuân thủ Luật Khiếu nại, tố cáo đã được Quốc hội ban hành. Cần xem xét đánh giá việc chậm soạn thảo trình Quốc hội sửa một số Luật điều chỉnh những lĩnh vực phát sinh nhiều đơn thư khiếu kiện, đặc biệt là Luật Đất đai, làm rõ trách nhiệm của các chủ thể. Các kiến nghị trong Báo cáo của Chính phủ còn rất sơ sài, chưa giải quyết được thực trạng phát sinh…

Đối với việc ban hành pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, đại biểu chỉ ra rằng, trong những năm qua, việc thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo luôn được quan tâm và thực hiện nghiêm túc. Việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực tiếp công dân như Luật Tiếp công dân, Luật khiếu nại, Luật Tố cáo nhằm giải quyết khiếu nại, tố cáo là cơ sở pháp lý quan trọng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước về khiếu nại, tố cáo cũng như bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân; đồng thời, thể hiện vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân người có thẩm quyền trong giải quyết các vấn đề xã hội. Tuy nhiên, việc ban hành, hướng dẫn đối với các Luật liên quan đến giải quyết khiếu nại, tố cáo còn chậm, trong thực tiễn hệ thống văn bản pháp luật về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo còn nhiều hạn chế bất cập, cần phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Đối với việc tổ chức thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, đại biểu cho biết, được sự chỉ đạo cao của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã thực hiện nghiêm pháp luật về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo, thúc đẩy nâng cao trách nhiệm trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là việc giải quyết các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài được sự đồng thuận của người dân, bảo đảm ổn định tỉnh hình an ninh, trật tự. Đạt được những chuyển biến tích cực trên một phần là do chính sách, pháp luật đã được sửa đổi, bổ sung nhằm tháo dỡ những những khó khăn, vướng mắc và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị.

Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo mặc dù đã được thực hiện nhiều năm nhưng hiệu quả còn thấp. Nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của một số công dân khiếu nại, tố cáo còn hạn chế, chưa hiểu rõ thẩm quyền, thủ tục và nghĩa vụ của mình nên gửi đơn thư còn tràn lan, vượt cấp. Công tác phối hợp của các cơ quan liên quan trọng giải quyết khiếu nại, tố cáo một số vụ việc chưa thật sự chặt chẽ, đồng bộ, khi giải quyết còn kéo dài thời gian do phức tạp và liên quan đến nhiều lĩnh vực.

Để nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan, đại biểu đưa ra một số giải pháp sau:

Một là, huy động, tập trung các đơn vị liên quan để kịp thời xử lý dứt điểm các vụ việc cùng lúc khi công dân đến kiến nghị, phản ánh; dự báo tốt các tình huống, vận dụng đúng các quy định pháp luật về tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là những vụ khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, mức độ gay gắt.

Hai là, nâng cao trình độ, chuyên môn của đội ngũ cán bộ xử lý tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Các cơ quan, đơn vị lựa chọn phân công, bố trí cán bộ có trình độ, kiến thức giúp người đứng đầu tiếp công dân, có khả năng giải thích, thuyết phục người dân. Đồng thời nâng cao trách nhiệm người đứng đầu các cấp ủy, chính quyền đối với công tác tiếp công dân, đối thoại trực tiếp với công dân.

Ba là, tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo cho người dân. Khi tuyên truyền, phổ biến, ngoài việc giải thích, phân tích cho người dân hiểu các quy định về quyền, nghĩa vụ, trình tự giải quyết, cần làm rõ thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Bốn là, tăng cường công tác, thanh tra, kiểm tra trong việc thực thi pháp luật về khiếu nại, tố cáo./.

Hồ Hương

Các bài viết khác