ĐBQH ĐOÀN THỊ HẢO: KHÔNG NÊN QUY ĐỊNH TIÊU CHUẨN QUÁ CAO VỀ THỜI GIAN TẠI NGŨ KHI TẶNG VÀ TRUY TẶNG “HUY CHƯƠNG THANH NIÊN XUNG PHONG VẺ VANG”

28/03/2022

Tham gia ý kiến vào dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) tại Hội nghị ĐBQH chuyên trách của Quốc hội khoá XV, đại biểu Đoàn Thị Hảo, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên cho rằng không nên quy định tiêu chuẩn quá cao về thời gian tại ngũ khi tặng và truy tặng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” đối với Thanh niên xung phong tham gia thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ.

 

Đại biểu Đoàn Thị Hảo, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên phát biểu từ điểm cầu trực tuyến

Tham gia ý kiến vào dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách của Quốc hội khoá XV, đại biểu Đoàn Thị Hảo, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên phát biểu về nội dung khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến và việc bổ sung hình thức khen thưởng kháng chiến “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”.

Về tiêu chuẩn, thời gian tại ngũ để thực hiện tặng và truy tặng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” được quy định tại Khoản 2, điều 95 của dự thảo Luật, đại biểu bày tỏ sự băn khoăn về quy định của dự thảo luật và thông tin thêm, tại tỉnh Thái Nguyên, 60 thanh niên xung phong Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái,  đã anh dũng hy sinh vào đêm Noel  24/12/1972 tại Ga Lưu Xá, phường Gia Sàng, thành phố Thái Nguyên khi đang làm nhiệm vụ vận chuyển vũ khí, nhu yếu phẩm để chi viện cho chiến trường miền Nam. Hầu hết các anh, chị thanh niên xung phong  hy sinh khi ở độ tuổi mười tám, đôi mươi, trong số đó có tới 59 thanh niên xung phong mới tham gia lực lượng được 6 tháng (nhập ngũ tháng 6 năm 1972, hy sinh ngày 24/12/1972). Nếu quy định như dự thảo luật thì 59 thanh niên xung phong thuộc Đại đội 915 sẽ không được truy tặng “Huy chương thanh niên xung phong vẻ vang”, dù các anh chị đã được công nhận là liệt sỹ.

Theo đại biểu Đoàn Thị Hảo, kể từ khi lực lượng thanh niên xung phong được thành lập đến nay cũng đã gần 72 năm, đây là vấn đề mang tính lịch sử. Do đó, đề nghị không nên quy định tiêu chuẩn quá cao về thời gian tại ngũ khi tặng và truy tặng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” đối với Thanh niên xung phong tham gia thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Nhất là đối với thanh niên xung phong hy sinh trong khi làm nhiệm vụ, và đã được công nhận liệt sĩ.

Về đánh giá tác động thực hiện chính sách, trong báo cáo của Bộ Nội vụ trình tại kỳ họp thứ 2, đánh giá tác động chính sách việc bổ sung hình thức khen thưởng “Huy chương thanh niên xung phong vẻ vang”, hiện nay còn khoảng 588.000 thanh niên xung phong chưa được khen thưởng thành tích kháng chiến. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo và các bộ, ngành liên quan phân tích, đánh giá thêm, nếu thực hiện tặng và truy tặng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” theo điều 95 của dự thảo Luật, thì sẽ còn bao nhiêu thanh niên xung phong chưa được khen thưởng thành tích kháng chiến./.

Thu Hoài

Các bài viết khác