ĐBQH PHẠM TRỌNG NGHĨA: ĐẢM BẢO ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI VỪA LÀ CHỦ THỂ THAM GIA, VỪA LÀ ĐỐI TƯỢNG THỤ HƯỞNG CỦA HOẠT ĐỘNG ĐIỆN ẢNH

29/03/2022

Đưa ra ý kiến về Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) tại Hội nghị ĐHQH chuyên trách, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa- Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn cho rằng cần tiếp tục hoàn thiện theo hướng đảm bảo đồng bào vừa là chủ thể tham gia vừa là đối tượng hưởng thụ của hoạt động điện ảnh; có sự kết hợp công tư trong quản lý phổ biến phim trên không gian mạng.

 

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa- Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn 

Phát triển điện ảnh cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cụ thể hơn, khả thi hơn

Quan tâm đến vấn đề dân tộc và miền núi trong Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), ĐBQH Phạm Trọng Nghĩa chỉ ra rằng, ở những thập niên trước, có các bộ phim đề tài dân tộc thiểu số và miền núi với những thành công lớn, như "Vợ chồng A Phủ", "Đất nước đứng lên", "Chiếc vòng bạc", "Đàn trời", "Tình thắm Sa Pa", "Chim Phí bay về nguồn cội", "Đi về phía mặt trời"… Mặc dù số lượng chưa nhiều, nhưng mỗi bộ phim trên sau khi được phát sóng đều đạt được những giá trị nhất định. Thông qua các bộ phim, người xem hiểu hơn về cuộc sống, văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số. Từ đó, tăng thêm tình nghĩa đồng bào, sự gắn kết giữa các dân tộc Việt Nam.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, mảng phim về dân tộc thiểu số, miền núi ngày càng thưa vắng. Điều này góp phần làm cho sự chênh lệch về hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, các miền ngày càng lớn; làm cho đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào đã khó khăn lại càng thêm khó khăn. Thống kê tại Báo cáo tổng kết 14 năm thi hành Luật Điện ảnh cho thấy, trong thời gian từ 2015 đến 2020 chỉ có 45 phim truyện, video và Chương trình phục vụ đồng bào miền núi được Cục điện ảnh đặt hàng. Như vậy, trung bình chỉ có 7-8 phim và chương trình / 1 năm.

Đại biểu nêu rõ, Nghị quyết số 33-NQ/TW năm 2014 của Ban chấp hành Trung ương về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam yêu cầu phải có chính sách văn hóa đặc thù đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Mới đây, tại Hội nghị văn hóa toàn quốc, lãnh đạo Đảng đã xác định 02 quan điểm rất quan trọng:

Một là, tôn trọng và bảo vệ sự biểu đạt đa dạng của văn hóa, của người dân, các dân tộc, các vùng, miền; phát triển các phong trào văn hóa sâu rộng, thực chất; cải thiện điều kiện, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân, bảo đảm sự công bằng.

Hai là, quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng, miền, của đồng bào các dân tộc.

Qua nghiên cứu Dự án Luật, đại biểu nhận thấy, trong Dự án Luật đã có một số quy định về điện ảnh cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi như tại Điều 5 về chính sách chung hay tại Điều 23 về phổ biến phim phục vụ nhiệm vụ chính trị ở vùng miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và nông thôn. Nhưng những điều luật này chỉ giới hạn trong việc quy định về phổ biến phim, tức là đưa phim đến người xem. Dự án Luật chưa có các quy định cụ thể, đầy đủ nhằm phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cũng như điện ảnh, công nghiệp điện ảnh phục vụ cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Từ những phân tích trên, nhằm tạo sự thống nhất với quy định về chính sách chung của Nhà nước tại Điều 5, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về phát triển điện ảnh và công nghiệp điện ảnh cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với các quy định cụ thể hơn, bảo đảm tính khả thi hơn. Để đồng bào vừa là chủ thể tham gia vừa là đối tượng hưởng thụ của hoạt động điện ảnh.

Vợ chồng A Phủ- tác phẩm hay nhất trong tập Truyện Tây Bắc của nhà văn Tô Hoài đã được chuyển thể thành phim

Cần phối hợp công tư trong quản lý phổ biến phim trên không gian mạng

Liên quan đến vấn đề phổ biến phim trên không gian mạng, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa nêu rõ, Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo tiếp thu giải trình thiên về Phương án "hậu kiểm". Theo đó, các chủ thể được phổ biến phim trên không gian mạng phải tự phân loại, hiển thị kết quả phân loại cũng như đáp ứng các quy định tại khoản 2 Điều 21 của Dự án Luật. Một trong các lý do chính được đưa ra làm căn cứ cho đề xuất này là: Khối lượng công việc lớn, việc tiền kiểm không khả thi hay đa số các quốc gia trên thế giới đều áp dụng cơ chế hậu kiểm.

Đại biểu bày tỏ băn khoăn về các lý do này và cho rằng việc tiền kiểm hay hậu kiểm cần xuất phát từ bản chất của điện ảnh- đây là vấn đề thuộc lĩnh vực văn hóa tư tưởng. Đại biểu nhấn mạnh, một tác phẩm điện ảnh như một phim đã được phát hành ra công chúng thì không thể thu lại từ tâm trí người xem, người tiếp nhận. Đặt yếu tố này trong bối cảnh thể chế, truyền thống văn hóa nước ta, thì việc học tập kinh nghiệm các quốc gia có thể chế chính trị khác cần hết sức cân nhắc, thận trọng. Vì vậy, đại biểu đề nghị đánh giá kỹ hơn tác động và bổ sung thêm cơ chế xử lý sau hậu kiểm để Quốc hội xem xét, quyết định; bổ sung thêm nhiều thông tin trong báo cáo đánh giá tác động về vấn đề này.

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị xem xét bổ sung quy định phối hợp công tư trong quản lý phổ biến phim trên không gian mạng; kết hợp giữa tiền kiểm và hậu kiểm. Theo đó, cần bổ sung vào Dự án Luật quy định mang tính nguyên tắc, xác định các tiêu chí chung đồng thời giao Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết các dấu hiệu mà một bộ phim có khả năng ảnh hưởng xấu đến chính trị, an ninh, quốc phòng, đối ngoại... Trên cơ sở đó, chủ thể phổ biến phim nếu xác định phim có dấu hiệu này phải gửi Hội đồng để phân loại trước khi phổ biến trên không gian mạng; các trường hợp khác, chủ thể phát hành phim tự quyết định phổ biến và chịu trách nhiệm.

Đồng thời, khoản 4 Điều 21 Dự thảo Luật quy định: Tổ chức nước ngoài cung cấp dịch vụ phổ biến phim trên không gian mạng vào Việt Nam có nghĩa vụ tương tự như tổ chức Việt Nam. Do đó, trường hợp Quốc hội quyết định hậu kiểm như Tờ trình của Chính phủ thì cần tính đến yếu tố cạnh tranh của thị trường điện ảnh trong nước. Nên chăng cần có rào cản kỹ thuật đối với các tổ chức nước ngoài này. Mặt khác, cũng cần bổ sung quy định về cơ chế kiểm soát, xác định trách nhiệm đối với các chủ thể này chặt chẽ hơn so với các tổ chức trong nước.

Ngoài ra, đối với vấn đề về Quỹ hỗ trợ, phát triển điện ảnh, theo đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Nhà nước chỉ tham gia và đầu tư cho các hoạt động điện ảnh trực tiếp phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ công tác quản lý của Nhà nước. Nhà nước xây dựng hành lang pháp lý an toàn, tiện lợi cho các chủ thể ngoài Nhà nước tham gia phát triển thị trường điện ảnh, công nghiệp điện ảnh để các hoạt động này phát triển theo định hướng của Nhà nước. Với thực tiễn không khả thi trong suốt 16 năm qua của quy định về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh tại Điều 6 Luật Điện ảnh năm 2006, đại biểu nhất trí với Phương án 1 của Dự thảo Luật là không quy định về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh với tư cách là Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách.

Tuy nhiên, đại biểu đề nghị bổ sung quy định để tạo hành lang pháp lý cho việc hình thành và hoạt động của các Quỹ tư nhân về phát triển công nghiệp điện ảnh. Tại khoản 4 Điều 5 của Dự thảo Luật cũng đã quy định Nhà nước khyến khích việc tài trợ, hiến tặng cho hoạt động điện ảnh và các quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh do các tổ chức, cá nhân thành lập. Để chính sách này được đi vào cuộc sống, đại biểu cho rằng Dự án Luật cần bổ sung quy định về việc thành lập, tổ chức hoạt động của các quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh ngoài nhà nước do các tổ chức, cá nhân thuộc khu vực tư thành lập./.

Hồ Hương- Phạm Thắng

Các bài viết khác