ĐBQH NGUYỄN THỊ SỬU: CÁC DANH HIỆU THI ĐUA, HÌNH THỨC KHEN THƯỞNG PHẢI GIẢI QUYẾT ĐƯỢC NHỮNG VẤN ĐỀ TỪ THỰC TIỄN CUỘC SỐNG

30/03/2022

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Thừa Thiên Huế nêu quan điểm: Việc quy định các danh hiệu thi đua, khen thưởng như: Chiến sĩ thi đua cơ sở, Huân chương Dũng cảm, truy tặng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” trong dự án Luật thi đua, khen thưởng (sửa đổi) phải giải quyết được những vấn đề từ thực tiễn cuộc sống.


Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách. Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận về dự án Luật thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã chỉ đạo việc tiếp thu, chỉnh lý và giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội đối với 34 nội dung tại 43 điều của dự thảo Luật để hoàn thiện trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 3 tới.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) là một dự án Luật lớn, có phạm vi rất rộng, liên quan đến hầu hết các lĩnh vực, địa bàn, đối tượng, cơ quan, đơn vị, tổ chức địa phương. Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chủ tịch Quốc hội rất quan tâm tới dự án Luật này. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhiều lần chủ trì họp yêu cầu dự án Luật lần này phải giải quyết được những vấn đề từ thực tiễn, bảo đảm dễ hiểu, dễ thực hiện, đúng các quy định, thể thức yêu cầu khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật, với mục tiêu dự án Luật lần này phải là dự án luật mẫu của Quốc hội khóa XV.

Toàn cảnh Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận về dự án Luật thi đua, khen thưởng (sửa đổi). 

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, qua các ý kiến phát biểu tại hội nghị cho thấy, các vị đại biểu Quốc hội chuyên trách đánh giá cao các cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan đã nghiên cứu, tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật một cách cầu thị, nghiêm túc, kỹ lưỡng; giải trình rõ những vấn đề có nhiều ý kiến khác nhau; ghi nhận sự đổi mới mạnh mẽ trong nội dung dự thảo Luật lần này để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đối với công tác thi đua, khen thưởng. Bên cạnh đó, nhiều đại biểu nhất trí cao với việc bổ sung hình thức khen thưởng Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang trong dự thảo Luật và thể hiện như khoản 2 Điều 95 dự thảo Luật là phù hợp. Tuy nhiên quy định Thanh niên xung phong hy sinh, đã được công nhận liệt sĩ, có thời gian tại ngũ 1 năm trở lên thì được truy tặng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” cần nghiên cứu, cân nhắc quy định cho phù hợp với thực tiễn. Các đại biểu cũng nhất trí cần tiếp tục xem xét và thực hiện việc khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến cho những cá nhân, gia đình, địa phương và cơ sở có công lao thành tích nhằm giải quyết những trường hợp còn tồn đọng.

Trên cơ sở các nội dung được các đại biểu góp ý tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu và tiếp tục nghiên cứu về một số nội dung liên quan đến việc khen thưởng các đối tượng ngoài nhà nước; khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội chuyên trách và Ủy ban Thường vụ Quốc hội; danh hiệu chiến sỹ thi đua, danh hiệu thôn, tổ dân phố, gia đình văn hóa; việc phân định vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn; tỷ lệ khen thưởng người lao động trực tiếp; nội hàm, quy định cụ thể về Huân chương đại đoàn kết dân tộc; thẩm quyền khen của Đại học Quốc gia, Ban Cơ yếu Chính phủ; về đối tượng, tiêu chuẩn, tiêu chí, thẩm quyền đề nghị xét tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng, xử lý vi phạm... Đồng thời đề nghị Chính phủ kịp thời ban hành Nghị định hướng dẫn khi dự án Luật được Quốc hội thông qua để Luật sớm đi vào cuộc sống.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu kết luận tại Hội nghị.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn giao Ủy ban Xã hội tiếp tục chủ động phối hợp với Ban soạn thảo, Ủy ban Pháp luật, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan có có liên quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ, thấu đáo ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội tại hội nghị, hoàn thiện dự án Luật và gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức theo quy định để dự án Luật đảm bảo chất lượng trước khi trình ra Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3 tới.

Theo Đại biểu Nguyễn Thị Sửu - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Thừa Thiên Huế: việc quy định các danh hiệu thi đua như: Chiến sĩ thi đua cơ sở, Huân chương Dũng cảm, truy tặng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” trong dự án Luật thi đua, khen thưởng (sửa đổi) cần phải giải quyết được những vấn đề từ thực tiễn cuộc sống.


Đại biểu Nguyễn Thị Sửu - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Thừa Thiên Huế.

Phóng viên: Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn vừa kết luận, chỉ đạo tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, các đại biểu đã thảo luận về dự án Luật thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Đại biểu có ý kiến như thế nào về sự chỉ đạo đó cũng như quan điểm của đại biểu để góp phần hoàn thiện dự án Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 3 tới?
 
Đại biểu Nguyễn Thị Sửu - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Thừa Thiên Huế: Tôi hoàn toàn nhất trí và đánh giá cao những quan điểm, sự chỉ đạo của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đối với Ban soạn thảo, các Ủy ban của Quốc hội và các đơn vị hữu quan đối với dự án Luật thi đua, khen thưởng (sửa đổi).

Qua nghiên cứu dự án Luật, tôi cơ bản nhất trí với dự án Luật. Để góp phần hoàn thiện dự án Luật, tôi cho rằng, tại khoản 1 Điều 75 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (được sửa đổi bởi khoản 16 Điều 1 Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP quy định: “Khi viện dẫn lần đầu văn bản có liên quan, phải ghi đầy đủ tên loại văn bản, số, ký hiệu văn bản; ngày, tháng, năm thông qua hoặc ký ban hành văn bản và tên cơ quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản và tên gọi văn bản. Trong lần viện dẫn tiếp theo, đối với luật, pháp lệnh, ghi đầy đủ tên loại văn bản, tên gọi văn bản; đối với các văn bản khác, ghi tên loại, số, ký hiệu của văn bản đó”). Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo ghi đầy đủ số, ký hiệu văn bản; ngày, tháng, năm thông qua hoặc ký ban hành văn bản tại khoản 2, khoản 3, Điều 96 dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).

Tại khoản 2, Điều 96, đề nghị Ban soạn thảo xem lại cụm từ “Luật này có hiệu lực thi hành trừ trường hợp quy định tại Điều 97 của Luật này”. Vì toàn bộ bố cục của dự thảo Luật này có 8 chương, 96 Điều nên không có Điều 97. Có thể do cơ quan soạn thảo nhầm, nên đề nghị rà soát lại để phù hợp hơn.

Phóng viên: Việc quy định về danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, Huân chương Dũng cảm, truy tặng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” được đưa ra trong dự án Luật cũng nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội và dư luận xã hội. Đại biểu có thể cho biết ý kiến của mình về quy định các danh hiệu, tặng thưởng trên?

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Thừa Thiên Huế: Theo tôi, việc quy định các danh hiệu thi đua như: Chiến sĩ thi đua cơ sở, Huân chương Dũng cảm, truy tặng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” trong dự án Luật thi đua, khen thưởng (sửa đổi) cần phải giải quyết được những vấn đề từ thực tiễn cuộc sống. Về danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở (Điều 20), tôi đã đề nghị sửa đổi đến Ban soạn thảo nhưng trong báo cáo giải trình tiếp thu “ Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép giữ tiêu chuẩn danh hiệu “Chiến sĩ thi đua” các cấp phải có sáng kiến, đề án khoa học, đề tài khoa học”. Bởi trong thực tế phát sinh việc này nên được quy định chi tiết là cần thiết và phù hợp, tôi đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu sửa đổi khoản này theo 02 hướng, cụ thể:

Hướng thứ nhất: Bỏ khoản 2, Điều 20. Lý do là vì một số ngành kỹ thuật, ngành khoa học, việc xây dựng sáng kiến  trong công tác là rất nhiều, rất thuận lợi và rất dễ được công nhận, hiệu quả sáng kiến cao. Tuy nhiên, đối với một số ngành khác như ngành giáo dục, ngành Tư pháp, ngành Tòa án, ngành Kiểm sát,... rất khó xây dựng sáng kiến đảm bảo chất lượng để đủ điều kiện công nhận. Vì vậy, tỷ lệ sáng kiến sẽ rất ít dẫn đến số lượng chiến sỹ thi đua cơ sở bị hạn chế do không đủ điều kiện, tiêu chuẩn là phải có sáng kiến được cơ sở công nhận. 

Hướng thứ hai: Bỏ tiêu chí sáng kiến hoặc giải pháp phải được cơ sở công nhận hoặc đề tài đã được nghiệm thu. Chỉ cần có sáng kiến hoặc giải pháp đã áp dụng trong công tác để tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả công tác. Lý do là vì trong thực tiễn kết quả thi đua, khen thưởng cho thấy có rất nhiều cá nhân đã có nhiều sáng kiến, giải pháp áp dụng trong giải quyết công việc được giao và đem lại hiệu quả rất cao trong năm công tác đó. Tuy nhiên, cá nhân đó không làm hoặc chưa kịp làm hồ sơ, thủ tục để được cấp cơ sở công nhận sáng kiến nên kết quả là cá nhân đó không đạt chiến sỹ thi đua cơ sở. Bên cạnh đó, sáng kiến để được công nhận phải có điều kiện là đã được áp dụng trong thực tiễn mang lại hiệu quả thiết thực nên phải có thời gian chứng minh, dẫn đến sáng kiến được công nhận sẽ muộn hơn và có khi qua năm công tác khác mới được công nhận nên cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong năm đó không đạt được chiến sỹ thi đua cơ sở.  

Đối với Danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”, “Đơn vị quyết thắng” (Điều 24), theo dự thảo quy định một trong những tiêu chuẩn để đạt danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”, “Đơn vị quyết thắng” là phải có 100% cá nhân trong tập thể hoàn thành nhiệm vụ được giao là con số tuyệt đối, khó thực hiện, nên giảm xuống 98% là phù hợp với thực tế. Lý do vì thực tế các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, lực lượng vũ trang, công chức, viên chức, người lao động rất đông, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao nhưng chỉ vì một cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ nên đã làm ảnh hưởng đến thành tích của tập thể phấn đấu trong một năm. Tại Điều 49 đề cập tới Huân chương Dũng cảm. Tôi cho rằng, Huân chương Dũng cảm” để tặng hoặc truy tặng cho cá nhân có hành động dũng cảm trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, thực hiện cứu người, cứu tài sản của Nhà nước, của nhân dân đạt một trong các tiêu chuẩn sau:

Thứ nhất: Có hành động dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước, của nhân dân khi gặp hỏa hoạn, thiên tai, tai nạn, thảm họa; dũng cảm bảo vệ tài sản của Nhà nước, tính mạng và tài sản của công dân trước tội phạm hoặc dũng cảm xung phong vào những nơi nguy hiểm do dịch bệnh gây ra nhằm bảo vệ tính mạng của nhân dân; thành tích đạt được có tác dụng động viên, giáo dục, nêu gương trong phạm vi bộ, ban, ngành, tỉnh.

Thứ hai: Đã hy sinh anh dũng trong khi cứu người, cứu tài sản của Nhà nước, của nhân dân, được nhân dân kính phục, nêu gương, học tập.

Tuy nhiên, tôi đề nghị nghiên cứu bổ sung việc truy tặng cho đối tượng người nước ngoài, tặng cho tập thể người nước ngoài có hành động dũng cảm trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, thực hiện cứu người, cứu tài sản của Nhà nước, của nhân dân Việt Nam khi gặp hỏa hoạn, thiên tai, tai nạn, thảm họa. Còn việc khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến được đề cập tại Điều 95 của dự thảo Luật. Tại khoản 2, Điều 95 về điều kiện tặng và truy tặng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”, đề nghị Ban soạn thảo không quy định điều kiện có thời hạn như: “Có thời hạn tại ngũ 01 năm trở lên…”. Bởi đây là khen thưởng kháng chiến các thanh niên xung phong đã cống hết tuổi thanh xuân, hăng hái nhận nhiệm vụ như Những cô gái Ngã Ba Đồng Lộc, 7 Cô gái sông Hương. Nếu quy định về thời hạn như vậy sẽ thiệt thòi cho một nhóm đối tượng tham gia thanh niên xung phong đã hy sinh ngay khi buổi đầu.

Phóng viên: Bên cạnh việc quy định về các danh hiệu thi đua, khen thưởng, dự thảo Luật cũng để cập tới các đối tượng vi phạm và hình thức xử phạt. Đại biểu quan tâm nhất về đối tượng nào và theo đại biểu, trong dự án Luật nên được sửa đổi, bổ sung như thế nào để phù hợp với thực tiễn hiện nay?

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Thừa Thiên Huế: Điều 91 đề cập tới xử lý vi phạm về thi đua, khen thưởng. Tại khoản 4 quy định, cá nhân được tặng thưởng danh hiệu vinh dự nhà nước mà phạm tội do từ hình phạt tù có thời hạn trở lên thì bị tước danh hiệu vinh dự nhà nước trừ trường hợp theo quy định tại khoản 5 của Điều này. Đối với các cá nhân được nhận danh hiệu “Nhà giáo Nhân dân”, “Nhà giáo Ưu tú”, “Thầy thuốc Nhân dân”, “Thầy thuốc Ưu tú”, “Nghệ sĩ Nhân dân”, “Nghệ sĩ Ưu tú”, “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú”,…. tôi đề nghị đối với các trường hợp này ngoài các vi phạm pháp luật bị tòa án tuyên có tội và bản án đã có hiệu lực cần bổ sung các vi phạm về: “vi phạm đạo đức nghề nghiệp, đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục” ảnh hưởng đến uy tín của ngành cũng phải tước danh hiệu vinh dự này. Vì thế, theo tôi, khoản 4 được bổ sung, chỉnh sửa lại như sau: "Cá nhân được tặng thưởng danh hiệu vinh dự nhà nước mà phạm tội do từ hình phạt tù có thời hạn trở lên, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục thì bị tước danh hiệu vinh dự nhà nước trừ trường hợp theo quy định tại khoản 5 Điều này".

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Bích Lan