ĐBQH NGUYỄN THỊ SỬU: CẦN CHÍNH SÁCH CĂN CƠ LÀM NỀN TẢNG PHÁP LÝ PHÁT TRIỂN CÔNG TÁC GIÁO DỤC DÂN TỘC

13/04/2022

Tham gia đóng góp ý kiến về báo cáo của Bộ GD&ĐT đối với chuyên đề giám sát “Việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác dân tộc giai đoạn 2016-2021”, đại biểu Nguyễn Thị Sửu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng cần có chính sách pháp luật căn cơ, tổng thể, toàn diện để làm nền tảng pháp lý phát triển giáo dục đào tạo vùng DTTS&MN.

 

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu cho biết, báo cáo tổng thể của Chính phủ đã ghi nhận có 23 nhóm chính sách chưa được quy định cụ thể trong Nghị định số 05/2011/NĐ-CP về công tác dân tộc và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan. Sau khi Nghị định số 05/2011/NĐ-CP có hiệu lực và Hiến pháp năm 2013 được ban hành, các bộ, ngành liên quan, đặc biệt Bộ Giáo dục và Đào tạo phải thực hiện thẩm quyền về thực hiện chính sách dân tộc, xây dựng các cơ chế cho chính sách dân tộc và công tác dân tộc phải hoàn thiện.

Cụ thể, trong đó có 12 nhóm chính sách thuộc trách nhiệm tham mưu của Bộ Giáo dục và Đào tạo liên quan đến điều lệ trường dự bị đại học; chính sách hỗ trợ học sinh dân tộc thiểu số học xoá mù chữ và học chương trình trung học cơ sở, trung học phổ thông tại các trung tâm giáo dục thường xuyên; chính sách ưu tiên xét tuyển, miễn giảm học phí hỗ trợ chi phí học tập cho người dân tộc thiểu số học sau đại học trong và người nước chuyên khoa cao học nghiên cứu sinh; chính sách hỗ trợ ăn trưa đối với trẻ em, nhà trẻ người dân tộc thiểu số con hộ nghèo tạo các cơ sở giáo dục mầm non tại vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; chính sách cho đối tượng học viên người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hiện đang học tại các cơ sở giáo dục thường xuyên.

Cùng với đó nhóm chính sách thuộc trách nhiệm của Bộ còn liên quan tới chính sách hỗ trợ cho người dạy và người học xoá mù chữ ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; chính sách hỗ trợ giáo dục cho các đối tượng là học sinh, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em di cư theo quy định tại Luật Trẻ em năm 2016; chính sách hỗ trợ học viên là người dân tộc thiểu số học văn hoá, học nghề tại các cơ sở giáo dục thường xuyên; chính sách hỗ trợ người dân tộc thiểu số trong nhóm dân tộc có nguồn nhân lực thấp học cao học, nghiên cứu sinh; chính sách hỗ trợ ăn trưa cho học sinh dân tộc thiểu số vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2030; chính sách đối với nhà giáo giảng dạy tại các trường cao đẳng dân tộc nội trú, trung cấp dân tộc và chính sách bồi dưỡng kiến thức dân tộc thiểu số cho cán bộ công chức viên chức.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Sửu, qua rà soát, đối chiếu giữa nhóm chính sách tổng hợp của Chính phủ với Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy có 12 Nghị định về các chính sách phát triển giáo dục và đào tạo liên quan đến công tác dân tộc thì có 06 Nghị định Bộ ban hành chậm so với quy định Luật. Tuy nhiên, trong báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo không nêu rõ lý do, nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan của việc chậm ban hành. Đại biểu cho rằng cần có nguyên nhân cụ thể, nguyên nhân căn cơ để có sự đánh giá chính xác cho việc thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao trong công tác tham mưu, xây dựng các nhóm chính sách thành văn bản dưới Luật.

Dẫn chứng việc Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định không có tác động, ảnh hưởng của việc chậm/chưa ban hành các văn bản quy định chi tiết đến công tác tổ chức triển khai thực hiện chính sách dân tộc, đại biểu Nguyễn Thị Sửu đề nghị Bộ lý giải rõ là không có tác động ảnh hưởng hay không đánh giá tác động ảnh hưởng của việc chậm ban hành.

Nêu quan điểm về công tác nhận xét, đánh giá sự phù hợp của văn bản với Hiến pháp, luật và văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, đại biểu Nguyễn Thị Sửu – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ ra rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định số lượng văn bản quy phạm pháp luật được ban hành đã đi vào cuộc sống, giải quyết bước đầu một số bức xúc của xã hội; chế độ chính sách cho đối tượng, người học là trẻ em, học sinh, sinh viên vùng dân tộc thiểu số, miền núi được xây dựng và ban hành đã tương đối hệ thống và đẩy đủ trên cơ sở những quan điểm chỉ đạo. Trong khi đó có rất nhiều văn bản do Bộ Giáo dục và Đào tạo tham mưu ban hành và ban hành theo thẩm quyền chậm hơn so với yêu cầu của Luật, thậm chí có văn bản ban hành chậm 10 năm, do đó đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo lý giải rõ cụm từ “giải quyết bước đầu một số bức xúc” và “tương đối hệ thống và đầy đủ”, đồng thời làm rõ  kết quả những khẳng định của Bộ về tính phù hợp với Hiến pháp và pháp luật.

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu cũng cho biết, Luật Quy hoạch đã giao Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng đề án quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và đào tạo giáo viên giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045. Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế và tiếp xúc cử tri, hiện nay nhiều địa phương đang đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm ban hành Đề án quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và đào tạo giáo viên giai đoạn 2021-2030. Có thể thấy, việc tổ chức triển khai thực hiện đề án này đang chậm, do đó đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo làm rõ tiến độ thực hiện, các khó khăn, vướng mắc trong quá trình ban hành đề án cũng như lộ trình thực hiện đề án.

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu nêu rõ, Nghị quyết số 12/NQ-CP của Chính phủ ban hành kế hoạch triển khai Nghị quyết số 88/2019/QH14 về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021-2030 đã giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì xây dựng Tiểu dự án 1: Đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú và xoá mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đại biểu Nguyễn Thị Sửu nhấn mạnh, Tiểu dự 1 nằm trong chuỗi phát triển nguồn nhân lực cả nước nói chung và nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số nói riêng và rất quan trọng đối với vùng dân tộc thiểu số, miền núi, do đó đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần làm rõ tiến độ triển khai tiểu dự án này.

Cho rằng nội dung liên quan đến hạn chế, khó khăn do Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo còn khiêm tốn, đại biểu Nguyễn Thị Sửu đề nghị Bộ làm rõ hơn về những khó khăn, vướng mắc và tồn tại. Đại biểu cũng nhấn mạnh, việc chỉ ra những khó khăn, tồn tại rất quan trọng trong lĩnh vực tham mưu xây dựng các cơ chế chính sách dưới Luật, đặc biệt là trong công tác xây dựng các cơ chế, chính sách đồng bộ, toàn diện. Từ đó phát triển toàn diện, không chỉ về mặt cơ sở hạ tầng giáo dục mà còn góp phần nâng cao chất lượng cho người học, người dạy, cuộc sống vùng dân tộc thiểu số, miền núi phát triển đồng thời, đồng hành cùng các vùng, miền trên cả nước.

Khẳng định ngành giáo dục là nghề cao quý nhất trong các nghề, là quốc sách hàng đầu, có vai trò quan trọng trong sự nghiệp “trồng người” theo lời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn, đại biểu Nguyễn Thị Sửu cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nghiên cứu, xây dựng, ban hành chính sách pháp luật căn cốt, tổng thể, toàn diện để làm nền tảng pháp lý phát triển giáo dục và đào tạo vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn tới với tầm nhìn đến 2045 như văn kiện Đại hội Đảng XIII đã khẳng định./.

Minh Thành