ĐBQH HOÀNG VĂN CƯỜNG: CẦN CÓ ĐÁNH GIÁ XÁC ĐÁNG TÍNH KHẢ THI CỦA CHÍNH SÁCH

15/04/2022

Nhìn nhận về việc hạn chế hoặc dừng hoạt động xe máy trên một số quận sau năm 2030 tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương, đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cho rằng chỉ khi nào đáp ứng được 100% nhu cầu đi lại của người thì khi đấy mới có thể đề cập đến việc cấm phương tiện cá nhân

 

Ngày 05/4 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 48/NQ-CP về tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022-2025. Theo đó, Chính phủ giao 5 thành phố trực thuộc Trung ương gồm Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ nghiên cứu xây dựng Đề án phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới lộ trình hạn chế hoặc dừng hoạt động của xe máy trên một số địa bàn các quận sau năm 2030; nghiên cứu xây dựng, triển khai Đề án thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào.

Theo nhận định của một số chuyên gia, chủ trương này là giải pháp cần thiết cho các thành phố lớn, tuy nhiên để hạn chế hoặc dừng hoạt động xe máy trên một số địa bàn cần một lộ trình và cách làm phù hợp. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng thay vì đi tìm các giải pháp cấm xe máy, ngành giao thông vận tải nên cải thiện hệ thống giao thông công cộng, cùng với điều kiện đường xá, đặc biệt là quan tâm bài toán quy hoạch đô thị.

Ùn tắc giao thông (Ảnh minh hoạ)

Nhận định về thời điểm Chính phủ chính thức giao nhiệm vụ xây dựng Đề án phân vùng hạn chế hoạt động xe máy ở 5 thành phố trực thuộc Trung ương, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải, Bộ Giao thông vận tải Phạm Hoài Chung cho rằng, Chính phủ ban hành Nghị quyết 48/NQ-CP vào thời điểm hiện nay là phù hợp để triển khai các giải pháp cụ thể về chống ùn tắc giao thông tại các đô thị, trong đó có việc phân vùng xe máy. Cùng với đó, về lộ trình, Chính phủ đưa ra các chỉ đạo cùng hoàn toàn hợp lý và có những quyết sách lớn để thúc đẩy các đô thị phát triển phương tiện vận tải hành khách công cộng và giảm ùn tắc giao thông.

Đặc biệt, Nghị quyết 48/NQ-CP đã nêu rõ, việc hạn chế phương tiện các nhân phải phù hợp với năng lực của cơ sở hạ tầng. Đây là điểm mấu chốt để thực hiện Đề án phân vùng hoạt động xe máy. Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải Phạm Hoài Chung nhấn mạnh, việc phân vùng phải làm song hành với các giải pháp để giảm ùn tắc giao thông như phát triển phương tiện vận tải hành khách công cộng, phát triển năng lực cơ sở hạ tầng để phát triển không gian hoạt động của các phương tiện và tạo điều kiện cho đường sắt đô thị phát triển.

Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải Phạm Hoài Chung

Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải Phạm Hoài Chung khẳng định, việc phân vùng hạn chế xe máy phải được tính toán và nghiên cứu kĩ bởi qua nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, các đô thị trên thế giới đều hướng tới phát triển vận tải hành khách công cộng và phát triển năng lực của cơ sở hạ tầng vận tải công cộng để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Cùng với đó, lộ trình để thực hiện phân vùng hạn chế xe máy phải làm từng bước và triển khai ngay từ giai đoạn 2021-2025 để có thể hạn chế và kiểm soát phương tiện cá nhân trước năm 2030. Theo chuyên gia, việc phân vùng, hạn chế xe máy phải thực hiện trong phạm vi hẹp mang tính chất thí điểm đối với từng tuyến phố hoặc khu vực có mật độ phương tiện giao thông cao. Từ đó rút ra bài học kinh nghiệm để triển khai ở phạm vi rộng hơn khi cơ sở hạ tầng đáp ứng được về vận tải hành khách công cộng để giải quyết bài toán hạn chế phương tiện cá nhân nhưng vẫn phải phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo đời sống và nhu cầu đi lại của người dân.

Nhìn nhận về nội dung này, TS.Phạm Viết Thuận - Viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường cho rằng đây là quyết sách rất cần thiết nhưng phải tính toán kỹ các yếu tố liên quan, hỗ trợ để đề án khả thi, đạt hiệu quả cao. Với việc nhiều người dân quan tâm là hạn chế xe máy, chuyên gia cho rằng, đầu tiên, các địa phương phải lập tổng thể phương án vùng hạn chế xe máy như đánh giá lưu lượng xe máy, mức độ phủ sóng của giao thông công cộng. Khi có vùng này rồi, cần phải thiết lập bãi xe, nhà xe ngoài vùng hạn chế để người dân gửi xe trước khi chọn xe công cộng. Ngoài phương án hạn chế xe máy cần phải tính đến việc hạn chế xe ôtô đi vào khu vực hạn chế xe máy mới đạt hiệu quả. TS. Nguyễn Viết Thuận cho rằng, giảm xe máy cá nhân mà tăng xe ôtô trong vùng hạn chế là không khả thi vì không loại trừ việc người dân sẽ thay xe máy bằng ôtô và như vậy, mục tiêu giảm ùn tắc giao thông sẽ khó đạt được.

Bàn về giải pháp giảm ùn tắc giao thông, TS.Khương Kim Tạo – Nguyên Phó Chánh Văn phòng Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia nêu rõ, để giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông thì phải giảm phương tiện cá nhân, phát triển giao thông công cộng kết hợp với quy hoạch giao thông. Nếu chỉ hạn chế, tiến tới cấm xe máy để giải quyết ùn tắc giao thông là không khoa học bởi cấm xe máy, để người dân chỉ đi ô tô cá nhân thì việc ùn tắc giao thông còn tăng hơn hiện tại nhiều lần. Chuyên gia cũng cho rằng, khi đã có Nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ là đã có những căn cứ pháp lý. Nếu phù hợp với khoa học và xu thế phát triển trên thế giới thì các cơ quan liên quan cần phải nghiên cứu để tìm ra giải pháp giải quyết ùn tắc giao thông, phát triển các thành phố lớn thành nơi văn minh hiện đại.

Đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội 

Bên cạnh đó, đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cho rằng chỉ khi nào đáp ứng được 100% nhu cầu đi lại của người thì khi đấy mới có thể đề cập đến việc cấm phương tiện cá nhân. Việc 2-3 năm nữa có thực hiện được hay không phụ thuộc vào chính quyền các địa phương. Nếu có những biện pháp thần tốc thì vẫn có thể thực hiện được. Tuy nhiên trên thực tế, một số phương tiện giao thông công cộng mà cử tri, nhân dân đã kỳ vọng sẽ tạo ra được sức chuyên chở thuận lợi thì tốc độ phát triển vẫn còn quá chậm.

Theo các chuyên gia, hạn chế phương tiện cá nhân là một trong những giải pháp quan trọng nhằm giảm ùn tắc, tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường, do đó, việc xây dựng và thực hiện Đề án phân vùng hạn chế hoạt động xe máy tại 5 thành phố lớn là cần thiết. Tuy nhiên, thực tế triển khai hoạt động này trong gần 10 năm qua ở Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã cho thấy, việc này không hề đơn giản. Bởi việc đi lại của con người là bắt buộc, là tất yếu, gắn liền với việc sinh tồn và phát triển, không thể hạn chế bằng những mệnh lệnh bắt buộc. Vì vậy, trong quá trình triển khai cần kết hợp hài hòa giữa giải pháp hành chính và kinh tế, triển khai theo lộ trình cụ thể, hợp lý để nhận được sự đồng thuận chung./.

Minh Thành