ĐBQH LÊ THANH VÂN: ĐỔI MỚI TOÀN DIỆN CÔNG TÁC DÂN NGUYỆN, PHÁT HUY VAI TRÒ CHỦ THỂ CỦA NHÂN DÂN

16/04/2022

Theo đại biểu Lê Thanh Vân, Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau, cần đổi mới toàn diện công tác dân nguyện cho xứng đáng với ý nghĩa của công tác này trong mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân, thể hiện đúng và phát huy vai trò chủ thể của nhân dân đối với tất cả quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước.

Thời gian vừa qua, công tác dân nguyện của Quốc hội đã có nhiều đổi mới. Định kỳ tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội hàng tháng, Ban Dân nguyện sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác dân nguyện, giải quyết đơn thư kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của Quốc hội trong tháng. Trong báo cáo của Ban Dân nguyện phản ánh khá nhiều nội dung: từ tâm tư nguyện vọng của nhân dân, của cử tri đến tình hình đơn thư gửi đến Quốc hội, các cơ quan Quốc hội và cả ĐBQH... Những thay đổi này đã nâng cao hiệu quả hoạt động chung của Quốc hội, được cử tri ghi nhận và đánh giá cao. Nhiều chuyên gia, đại biểu Quốc hội cho rằng dân nguyện là công tác đặc biệt quan trọng của Quốc hội, cần được chú trọng hơn nữa để giúp Quốc hội nắm bắt tốt hơn ý chí, nguyện vọng, tâm tư, kiến nghị phản ánh của người dân.

Trao đổi về vấn đề này, đại biểu Lê Thanh Vân, Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau cho biết, đây là lần thứ ba Quốc hội đặt vấn đề đổi mới toàn diện, căn bản công tác dân nguyện. Theo đại biểu, gần 20 năm qua, với sự ra đời của Ban Dân nguyện, công tác tiếp nhận thông tin từ Nhân dân, nắm bắt ý chí, nguyện vọng, tâm tư, kiến nghị phản ánh của người dân đã dần được nâng cao. Ban Dân nguyện đã làm tròn chức trách đầu mối để giúp cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, trả lời, giải quyết kiến nghị cử tri. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng Ban Dân nguyện chưa có đủ quyền năng, năng lực về tổ chức, địa vị pháp lý để giải quyết những vấn đề cấp bách mà thực tiễn đang đặt ra.

Đại biểu Lê Thanh Vân, Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách

Cụ thể, đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng Quốc hội cần có cơ quan đầu mối ngang tầm để tiếp nhận ý kiến, kiến nghị, tâm tư, nguyện vọng của cử tri, nhân dân cả nước, thay vì nắm bắt qua các kênh như báo chí, qua trực tiếp từ các đại biểu, các Đoàn ĐBQH. Hiện Ban Dân nguyện là cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, còn Ủy ban Thường vụ Quốc hội – với tư cách là cơ quan thường trực của Quốc hội lại phải xử lý rất nhiều công việc quan trọng, cho nên công tác dân nguyện chưa được chú trọng.

Ngoài ra, đại biểu Lê Thanh Vân cũng cho rằng, Quốc hội phải xem xét cái khiếu nại, tố cáo của Nhân dân gửi đến Quốc hội. Ở các cơ quan khác, như nhánh hành pháp hay tư pháp, khi không giải quyết được nữa thì cơ quan quyền lực tối cao nhất của nhà nước là Quốc hội phải xem xét. Tuy nhiên Quốc hội không phải là cơ quan trực tiếp giải quyết từng kiến nghị, khiếu nại, tố cáo cụ thể của cử tri, nên phải có một cơ quan đủ tầm vóc để giúp việc cho Quốc hội xử lý việc đó.

Từ những lý do trên, đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng việc đổi mới công tác dân nguyện của Quốc hội chưa bao giờ đặt ra cấp bách như hiện nay. Đại biểu đặt kỳ vọng cao vào chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội giao cho Ban Dân nguyện phối hợp với các cơ quan khác để xây dựng đề án đổi mới toàn diện hoạt động dân nguyện nói chung và vị trí pháp lý của Ban Dân nguyện nói riêng.

Bàn về giải pháp đột phá cho công tác dân nguyện của Quốc hội, đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng cần có tổng kết để trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản lãnh đạo nhằm định hướng sâu sắc hơn về công tác dân nguyện và sự quan tâm tối đa của cả hệ thống chính trị đối với công tác này. Theo đại biểu, thay đổi đó sẽ đặt trách nhiệm lên vai của người đứng đầu các cơ quan, hệ thống chính trị nói chung và của Nhà nước nói riêng, trong đó có Quốc hội đối với công tác dân nguyện.

Về pháp lý, đại biểu cho rằng cần phải có một Đề án cụ thể để xác định địa vị pháp lý của Ban Dân nguyện theo hướng nâng cấp trở thành cơ quan của Quốc hội, để cơ quan này có đủ quyền năng thực hiện sứ mệnh cao cả của mình, là nơi tiếp nhận tâm tư, nguyện vọng, ý kiến, kiến nghị của cử tri, là nơi chủ trì xem xét, xử lý các ý nguyện, tâm tư, nguyện vọng của cử tri, cả việc khiếu nại, tố cáo của công dân. Đây sẽ là chỗ dựa cho các đại biểu Quốc hội thực hiện được quyền năng của mình trong công tác dân nguyện, đó là tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.

Bên cạnh đó, về công tác tổ chức, đại biểu cho rằng cần kiện toàn lại chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Ban Dân nguyện cho ngang tầm với sứ mệnh, xứng đáng với ý nghĩa của công tác dân nguyện trong mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân với vai trò chủ thể của tất cả quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước là của nhân dân. Theo đại biểu, xác định được cơ cấu tổ chức, phương thức hoạt động của thiết chế Ban Dân nguyện mới có thể định dạng ra chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan này cho ngang tầm với với sứ mệnh đặt ra.

Về vấn đề nhân sự, đại biểu nhấn mạnh nhân sự của cơ quan dân nguyện nói riêng, các cơ quan của Quốc hội nói chung cần phải được xác định cho ngang tầm nhiệm vụ với vị trí, vai trò của một cơ quan của Quốc hội, để đủ khả năng lĩnh hội, tiếp thu ý kiến, kiến nghị của người dân.

Cùng với đó, đại biểu cho rằng Ban Dân nguyện cần có sự kết nối sâu sắc hơn nữa với các đại biểu Quốc hội để nắm thêm được tình hình đơn thư, và kể cả phản ánh của đại biểu Quốc hội về người đứng đầu các cơ quan từ trung ương đến địa phương trong việc giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân; cần chủ động đánh giá, đề xuất những vụ việc nổi cộm, cụ thể, đồng thời đưa ra phương án xử lý, qua đó, dần nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác quan trọng này, đáp ứng kỳ vọng của nhân dân, góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân./.

Minh Hùng