ĐBQH KHOÁ XIII ĐẶNG ĐÌNH LUYẾN: LÀM RÕ NGUYÊN NHÂN VIỆC CHẬM BAN HÀNH VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT

18/04/2022

Đánh giá việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác dân tộc giai đoạn 2016-2021, ĐBQH khoá XIII Đặng Đình Luyến nhấn mạnh các văn bản do Bộ GD&ĐT ban hành đều chậm so với quy định pháp luật, do đó cần làm rõ nguyên nhân, tác động cũng như sự ảnh hưởng của việc chậm ban hành văn bản.


Đại biểu Quốc hội khoá XIII Đặng Đình Luyên - nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật

Đóng góp ý kiến về báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với chuyên đề giám sát “Việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác dân tộc giai đoạn 2016-2021”, đại biểu Quốc hội khoá XIII Đặng Đình Luyến – nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật cơ bản đồng tình với báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đồng thời đánh giá cao Bộ Giáo dục và Đào tạo đã dành nhiều thời gian, nghiêm túc chuẩn bị. Nội dung báo cáo đã chỉ ra kết quả ban hành các văn bản quy định chi tiết các điều, khoản, điểm của Luật, Pháp lệnh; kết quả ban hành các văn bản để tổ chức triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và ban hành các văn bản theo thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của Bộ trưởng có liên quan đến công tác dân tộc giai đoạn 2016-2021. Đồng thời báo cáo cũng nêu ra hạn chế, nguyên nhân, một số bài học, kinh nghiệm rút ra và các kiến nghị.

Đi vào phân tích vấn đề cụ thể, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Đặng Đình Luyến nêu rõ, Luật Giáo dục năm 2019 có 11 nội dung giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành văn bản quy định chi tiết có liên quan đến công tác dân tộc. Tuy nhiên, trong 12 Nghị định Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp, tham mưu ban hành và ban hành theo thẩm quyền có 5 Nghị định quy định chi tiết các điều, khoản, điểm của Luật Giáo dục năm 2005 và Luật Giáo dục (sửa đổi) năm 2009 và 01 Nghị định quy định chi tiết các điều, khoản, điểm của Luật Thi đua khen thưởng năm 2005, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2013. Đó là các Nghị định số 116/2016/NĐ-CP; Nghị định số 46/2017/NĐ-CP; Nghị định số 57/2017/NĐ-CP; Nghị định số 06/2018/NĐ-CP; Nghị định số 45/2018/NĐ-CP và Nghị định số 110/2020/NĐ-CP.

Theo nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật, phạm vi giám sát của Hội đồng Dân tộc là các văn bản quy định chi tiết các Luật, Pháp lệnh được ban hành trong giai đoạn 2016-2021. Đặc biệt, Luật Giáo dục năm 2005 và Luật Giáo dục (sửa đổi) năm 2009 hiện nay không còn hiệu lực theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019. Cùng với đó, khoản 4 Điều 154 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã quy định, văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thì văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành văn bản đó cũng hết hiệu lực. Như vậy, theo quy định của pháp luật, 06 Nghị định trên không còn hiệu lực và không thuộc phạm vi giám sát của Hội đồng Dân tộc.

Bên cạnh đó, 06 Nghị định còn lại quy định chi tiết các điều, khoản, điểm của Luật Giáo dục năm 2019 cũng được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chậm hơn so với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. Một số điều, khoản, điểm của Luật Giáo dục năm 2019, Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) năm 2018 chưa được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành văn bản quy định chi tiết, đặc biệt trong đó có hai nội dung giao Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định chi tiết. Trên cơ sở đó đề nghị Bộ làm rõ nguyên nhân của việc chậm ban hành, chưa ban hành văn bản quy định chi tiết.

Ngoài ra còn có 02 Nghị định đều quy định chi tiết khoản 1, khoản 2 Điều 85 của Luật Giáo dục năm 2019. Cùng với đó có một số văn bản quy định chi tiết có thời điểm hiệu lực sớm hơn so với quy định, không phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành. Đơn cử, Nghị định 77/2021/NĐ-CP ban hành ngày 01/8/2021 có thời điểm hiệu lực là ngày 01/8/2021, tức là Nghị định vừa ban hành đã có hiệu lực luôn, như vậy là không phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 151 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Đặng Đình Luyến cũng khẳng định, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành các văn bản để tổ chức triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chậm hơn so với yêu cầu. Đơn cử Nghị quyết số 33/2016/QH14 về chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 2 được ban hành ngày 23/11/2016, trong khi đó ngày 8/12/2020, Nghị định 141/2020/NĐ-CP quy định chế độ cử tuyển đối với học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số mới được ban hành. Có thể thấy, văn bản do Bộ ban hành để thực hiện Nghị quyết của Quốc hội ban hành chậm 4 năm, do đó đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo làm rõ nguyên nhân của việc chậm ban hành văn bản.

Đối với các văn bản ban hành theo thẩm quyền, đại biểu Đặng Đình Luyến cho rằng Bộ đã ban hành số lượng lớn văn bản để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong việc học tập, tu dưỡng, cải thiện các điều kiện về cơ sở vật chất, kinh phí học tập. Tuy nhiên, trong đó có Thông tư số 07/2016/TT-BGDĐT; Thông tư liên tịch số 09/2016/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH và Thông tư số 26/2016/TT-BGDĐT là áp dụng chung đối với mọi đối tượng, do đó không thuộc phạm vị giám sát của Đoàn Giám sát.

Liên quan đến việc nhận xét, đánh giá văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật nêu rõ, việc nhận xét, đánh giá về văn bản quy phạm pháp luật rất quan trọng, bởi công tác đánh giá sẽ giúp Đoàn Giám sát có thêm nhận định về tính phù hợp của văn bản với Hiến pháp, luật, văn bản cơ quan nhà nước cấp trên; sự phù hợp của hình thức với nội dung, nội dung với thẩm quyền và tính thống nhất giữa văn bản cũ với văn bản mới.

Theo đó, công tác nhận xét, đánh giá về văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn chưa rõ ràng. Việc đánh giá về sự phù hợp của văn bản với Hiến pháp, luật và văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên còn nhiều nội dung chưa bám sát với yêu cầu của Đoàn Giám sát. Ngoài ra, Bộ cũng chưa đánh giá được sự phù hợp của hình thức văn bản với nội dung văn bản, nội dung với thẩm quyền và tính thống nhất giữa văn bản cũ và văn bản mới./.

Minh Thành