ĐBQH NGUYỄN QUANG HUÂN: CẦN TĂNG NĂNG SUẤT LAO ĐỘNG, PHÁT HUY NĂNG LỰC SẢN XUẤT CỦA NỀN KINH TẾ

18/04/2022

Để ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội sau dịch bệnh Covid-19, đại biểu Nguyễn Quang Huân-Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương cho rằng, cần tăng năng suất lao động bằng cách tăng lương, phát huy năng lực sản xuất của nền kinh tế...

 

Dịch bệnh Covid-19 đã tác động lớn đến nền kinh tế-xã hội và ảnh hưởng sâu rộng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp cũng như cuộc sống của người dân.

Tại Hội nghị Cơ chế, chính sách phục hồi và phát triển kinh tế sau tác động của đại dịch Covid-19 vừa được tổ chức mới đây, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh khẳng định: Thời gian qua, Quốc hội và Chính phủ đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong việc huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn của dịch bệnh. Đặc biệt, tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV đã ban hành Nghị quyết số 30/2021/QH15 trao quyền chủ động mạnh mẽ cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được quyết định và tổ chức thực hiện một số giải pháp cấp bách đặc biệt, đặc thù để ứng phó kịp thời với dịch Covid-19. Đây là một quyết nghị chưa có tiền lệ trong lịch sử lập pháp của Quốc hội, được dư luận cả nước đồng tình, đánh giá cao; khẳng định Quốc hội luôn chủ động, đồng hành cùng Chính phủ trong việc xây dựng và ban hành chính sách hỗ trợ nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển, sớm trở lại trạng thái bình thường mới để không “lỡ nhịp” xu thế phục hồi và phát triển của thế giới.

Phó trưởng Ban Thường trực Ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh.

Việc phục hồi nền kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội sau tác động của đại dịch Covid-19 cũng nhận được sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội với mong muốn trong kỳ họp thứ 3 tới, Quốc hội khóa XV sẽ đưa ra những quyết sách kịp thời.

Theo đại biểu Nguyễn Quang Huân-Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương, việc phục hồi và phát triển kinh tế sau tác động của đại dịch Covid phải đảm bảo kinh tế vĩ mô, tăng năng suất lao động bằng cách tăng lương, phát huy năng lực sản xuất của nền kinh tế...

Phóng viên: Trong kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV sắp diễn ra, vấn đề nào được đại biểu quan tâm, sẽ đóng góp ý kiến?

Đại biểu Nguyễn Quang Huân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương: Trong kỳ họp thứ 3 tới, tôi đặc biệt quan tâm, đóng góp ý kiến, đưa ra đề xuất vào vấn đề giải quyết, xử lý nước thải và rác thải. Đây đang là vấn đề rất bức xúc của cử tri và nó ảnh hưởng trực tiếp đến các Nghị quyết số 16/2021/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025 và Nghị quyết số 32/2021/QH15 của Quốc hội: Về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. Giải quyết vấn đề về nước thải và rác thải cũng là chủ trương, sách lớn của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng như các chỉ tiêu về môi trường đã được đề ra. Nếu không có những quyết sách, giải pháp thực hiện kịp thời thì sẽ khó đạt được mục tiêu đề ra và cũng sẽ ảnh hưởng đến các yếu tố phát triển bền vững.

Ngoài ra, trong kỳ họp tới, tôi cũng dành sự quan tâm đến một số luật tác động trực tiếp đến đời sống kinh tế- xã hội vẫn còn đang thảo luận dở dang. Nếu chúng ta không thông qua sớm thì sẽ ảnh hưởng đến phần triển khai các nghị quyết, phương hướng, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Ngay cả một số luật mới ban hành cũng cần xem xét lại việc thực thi tới đâu như: Luật Bảo vệ tài nguyên môi trường, Luật Quy hoạch, Luật Sở hữu trí tuệ cũng như nhiều luật chi phối hoạt động vào sự phát triển của doanh nghiệp...

Đại biểu Nguyễn Quang Huân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương.

Phóng viên: Với những vấn đề được quan tâm như vậy, đại biểu có thể đưa ra những giải pháp hữu hiệu để phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội?

Đại biểu Nguyễn Quang Huân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương: Việc phục hồi và phát triển kinh tế vĩ phụ thuộc rất nhiều vào chính sách tài khóa, tiền tệ, trọng cung... Trong đó, trọng cung là dùng năng lực sản xuất của nền kinh tế sẽ ít tốn kém nhất, không phải điều chỉnh nhiều về các chính sách khác như tiền tệ, tài khóa...

Theo tôi, việc phục hồi và phát triển kinh tế còn phục thuộc vào năng suất lao động ở trong nước. Hiện nay, năng suất lao động của Việt Nam còn thấp. Nếu năng suất lao động mà tăng được thì GDP cũng sẽ tăng nhiều mà không ảnh hưởng nhiều đến vốn đầu tư.

Phóng viên: Để ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội, Hội đồng Tiền lương Quốc gia vừa họp phiên thứ 2, thống nhất đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng 6% từ ngày 01/7/2022 để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp bày tỏ khó khăn với việc tăng lương cho người lao động khi mà vừa phải chịu tác động lớn của dịch bệnh Covid-19 gây ra. Vậy đại biểu có thể cho biết giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp?

Đại biểu Nguyễn Quang Huân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương: Việc ổn định kinh tế vĩ mô phải giải quyết hài hòa giữa các nhóm lợi ích khác nhau. Xét về phía các doanh nghiệp, nhiều nơi không muốn tăng lương và giảm chi phí càng ít càng tốt. Tuy nhiên, xét về mặt xã hội thì người lao động luôn muốn tăng lương, đặc biệt là trong bối cảnh lạm phát đang gia tăng. Nếu Việt Nam có cơ chế kiểm soát tốt thì có thể giảm lạm phát xuống từ 3 đến 4%. Do vậy, việc Hội đồng Tiền lương Quốc gia thống nhất đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng 6% từ ngày 01/7/2022 để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định là hợp lý vì đã lâu chúng ta không tăng lương và cũng để đảm bảo cuộc sống cho người dân.

Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp khi giải bài toán tăng lương, tôi cho rằng, từng doanh nghiệp, ngành nghề cần phải tìm hướng đi phù hợp để thích ứng với việc tăng lương và trong tình hình mới.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Ánh Nguyệt