ĐBQH TRỊNH XUÂN AN: TẠO ĐIỀU KIỆN ĐỂ LÃNH ĐẠO ĐỊA PHƯƠNG GIẢI TRÌNH, BÁO CÁO TRƯỚC QUỐC HỘI

30/04/2022

Bàn về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng Ban Dân nguyện có thể mời các Chủ tịch UBND tỉnh, thành đến giải trình, làm rõ các vấn đề đại biểu quan tâm. Theo ĐBQH Trịnh Xuân, đó là cách làm hợp lý, sáng tạo, tạo điều kiện để lãnh đạo địa phương báo cáo trước Quốc hội về các vấn đề nóng của địa phương.

 

Phiên họp thứ 10 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội

Thời gian vừa qua, công tác dân nguyện của Quốc hội đã có nhiều đổi mới tích cực, được cử tri ghi nhận và đánh giá cao. Hàng tháng trong Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội lắng nghe và cho ý kiến về báo cáo công tác dân nguyện trong tháng. Cùng với đó, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện pháp luật về việc tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo đã khẩn trương tích cực tiến hành quá trình giám sát, làm việc với nhiều bộ, ngành địa phương, nắm được bức tranh toàn cảnh trên nhiều lĩnh vực về tình hình thực hiện công tác này. Với nhiều đổi thay tích cực trong thời gian vừa qua, công tác dân nguyện đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, góp phần đưa ý kiến, phản ánh, kiến nghị của cử tri đến nghị trường, giúp các đại biểu Quốc hội nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của cử tri.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác dân nguyện đáp ứng những nhu cầu bức thiết trong tình hình mới, cần có nhiều đổi mới thiết thực hơn nữa trong việc tổ chức thực hiện công tác này. Bàn về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng Ban Dân nguyện có thể mời các chủ tịch UBND tỉnh, thành có nhiều đơn thư, vụ việc không được giải quyết để giải trình, làm rõ.

Quan tâm tới vấn đề này, đại biểu Trịnh Xuân An, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng - An ninh cho rằng, theo phân cấp thì việc chất vấn chủ tịch UBND cấp tỉnh thuộc HĐND, còn Quốc hội chất vấn các thành viên Chính phủ. Nhưng Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hay các Ủy ban của Quốc hội hoàn toàn có thể mời lãnh đạo các tỉnh, thành đến để giải trình, làm rõ những vấn đề liên quan, đặc biệt là những vấn đề có thể gây tác động, ảnh hưởng đến tình hình chung, chứ không chỉ ở một tỉnh đó.

Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An

Theo đại biểu Trịnh Xuân An, tuy việc chất vấn chủ tịch UBND cấp tỉnh chưa có quy định trong luật, nhưng tại diễn đàn Quốc hội trước đây cũng đã mời một số chủ tịch UBND cấp tỉnh để làm rõ một số nội dung liên quan. Ngoài ra, khi thảo luận, cho ý kiến về các nội dung liên quan đến Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, hoàn toàn có thể mời lãnh đạo đến dự, mục đích để họ báo cáo, làm rõ thêm vấn đề. Đại biểu cũng cho rằng, về lâu dài, có thể xem xét sửa luật theo hướng các cơ quan của Quốc hội khi giám sát thấy có vấn đề nổi lên thì có thể yêu cầu lãnh đạo các địa phương trả lời, làm rõ thêm.

Đại biểu Trịnh Xuân An nêu rõ, trong khi chờ sửa luật, tại các Kỳ họp, Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc mời người đứng đầu các địa phương đến làm rõ những vấn đề liên quan là hoàn toàn có thể thực hiện được. Nếu thảo luận, cho ý kiến về khiếu nại tố cáo liên quan đến lĩnh vực đất đai, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể không chỉ mời các cơ quan liên quan trực tiếp như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội… mà còn có thể mời các địa phương liên quan. Đặc biệt, trong quản lý đô thị có thể mời Chủ tịch hai thành phố lớn là Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh đến để làm rõ thêm những vấn đề mà các đại biểu quan tâm.

Đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng việc mời người đứng đầu địa phương đến để làm rõ, cung cấp thêm thông tin về những vấn đề Ủy ban Thường vụ và Quốc hội quan tâm là hình thức tốt, sáng tạo và đã từng được thực hiện. Chủ tịch UBND cấp tỉnh quản lý trực tiếp ở địa phương nên nắm bắt vấn đề rất sát, trên cơ sở đó vừa cung cấp thông tin cho Quốc hội, vừa thể hiện vai trò giám sát đến cả cơ sở. Chất vấn chủ tịch UBND thuộc thẩm quyền của HĐND, nhưng ở đây là báo cáo giải trình, cung cấp thông tin và làm rõ thêm những vấn đề mà Quốc hội quan tâm.

Bên cạnh đó, theo đại biểu, các Ủy ban của Quốc hội có thể mời lãnh đạo các tỉnh đến dự phiên họp của Ủy ban để cung cấp thông tin. Đây là hình thức trực tiếp, mang lại hiệu quả hơn việc gửi báo cáo đơn thuần. Ví dụ, khi triển khai nội dung về công tác quy hoạch, có thể phân định tỉnh nào làm tốt, tỉnh nào làm chưa tốt, khi mời lãnh đạo tỉnh dự phiên họp thì có thể làm rõ nguyên nhân, rút ra kinh nghiệm, làm rõ những vướng mắc tồn tại để đưa ra giải pháp tháo gỡ. Đây cũng là cơ hội để địa phương có điều kiện giải trình, báo cáo.

Cho ý kiến về kết quả giám sát công tác tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo, đại biểu Trịnh Xuân An nêu rõ, bên cạnh một số bộ, ngành, địa phương làm tốt làm tốt, vẫn còn trường hợp lãnh đạo địa phương không thực hiện hết quy định của luật, ủy quyền cho cấp dưới tiếp công dân. Đại biểu nêu rõ cần sử dụng biện pháp công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về các lãnh đạo địa phương không làm đúng quy định về tiếp công dân, cùng với đó cần tạo điều kiện để địa phương giải trình, làm rõ khúc mắc ở chỗ nào, nguyên nhân ra sao, từ đó có hình thức xử lý và đề ra giải pháp tháo gỡ, góp phần giúp việc thực hiện tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được tiến hành theo đúng quy định./.

Minh Hùng

Các bài viết khác