ĐBQH KHÓA XIV NGUYỄN VĂN PHA: THỰC HÀNH DÂN CHỦ RỘNG RÃI, HƯỚNG TỚI MỤC TIÊU CAO NHẤT LÀ LỢI ÍCH CỦA NHÂN DÂN

04/05/2022

Dự thảo Luật Thực hiện dân chủ cơ sở dự kiến sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3 tới đây. Quan tâm đến Dự án Luật này, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Pha cho rằng cần thực hành dân chủ rộng rãi, lấy lợi ích của người dân làm mục tiêu phấn đấu, đưa việc thực hiện dân chủ thành chìa khóa giải quyết mọi khó khăn ở cơ sở.

 

Theo dự kiến kế hoạch, Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XV sẽ khai mạc vào ngày 23/5/2022. Tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ họp tập trung, đánh giá báo cáo giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, đồng thời thảo luận, cho ý kiến về nhiều Dự án Luật, trong đó, Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở nhận được nhiều sự quan tâm từ phía các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia cùng cử tri cả nước.

Tại Phiên họp cho ý kiến về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở  cơ sở, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương, quan điểm của Đảng về phát huy quyền làm chủ của Nhân dân và thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận, hồ sơ dự án Luật được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; quá trình chuẩn bị đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan, tổ chức khác có liên quan. Đồng thời, các đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung, cụ thể hóa cơ chế “dân thụ hưởng” tại mỗi loại hình thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở tại Phiên họp thứ 10

Quan tâm đến vấn đề này, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Văn Pha cho biết, trong thời gian vừa qua, việc thực hiện dân chủ ở cơ sở đã có nhiều tiến bộ đáng ghi nhận. Các văn bản của Đảng, của Nhà nước mang lại những cơ chế thực sự hữu hiệu để phát huy, đẩy mạnh dân chủ cơ sở và cũng là cơ sở để xử lý những trường hợp thiếu dân chủ. Bên cạnh đó, nhờ sự tham gia nỗ lực của người dân, sự tự giác thực hiện của chính quyền cơ sở nên đã cơ bản ngăn chặn được tình trạng thiếu dân chủ, vi phạm quyền làm chủ của người dân. Nhiều công trình xây dựng trên các địa bàn đã có sự tham gia của người dân từ khâu lập quy hoạch, xây dựng thiết kế đến khâu tổ chức thực hiện. Nhiều điểm nóng có nguyên nhân từ việc thiếu dân chủ đã được xử lý, đem lại ổn định cuộc sống của người dân, niềm tin của người dân đối với cấp ủy, chính quyền cơ sở được nâng lên.

Tuy nhiên, theo nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, việc thực hiện dân chủ ở một số nơi còn hình thức, có địa phương tuy công khai các khoản đóng góp, các nghĩa vụ, nhưng công khai ở những nơi không dễ đọc đối với người dân. Việc tổ chức tiếp dân, hòm thư góp ý sau một thời gian, ở một vài nơi còn mang tính hình thức, không phát huy được hiệu quả.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Pha

Đặc biệt, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Pha cho biết, thời gian qua đã xuất hiện các trưởng hợp lợi dụng dân chủ tiến hành những hành động cực đoan quá khích, sử dụng mạng xã hội để thông tin sai sự thật, gây mất ổn định chính trị xã hội, chống phá Đảng và Nhà nước, bôi nhọ, vu khống người khác, nói sai sự thật để trục lợi cá nhân trong thời điểm cả nước đang gồng mình chống dịch. Không khó để nhận diện những vấn đề này, tuy nhiên giải quyết dứt điểm vấn nạn này vẫn là một vấn đề nan giải. Theo nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, nguyên nhân dẫn đến nhiều người bị lôi kéo là do thiếu hiểu biết pháp luật hoặc a dua, cổ súy, vì vậy, bên cạnh việc xử lý nghiêm những người có hành vi sai trái thì các cơ quan chức năng cần tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền pháp luật để người dân không nghe theo, không cổ súy theo kẻ xấu.

Cho rằng những kết quả đáng ghi nhận về thực hành dân chủ xuất phát từ cơ chế tích cực, chỉ thị sáng suốt của Đảng và pháp luật của Nhà nước, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng chỉ rõ, hệ thống các văn bản pháp luật về dân chủ, đặc biệt dân chủ cơ sở cần được sửa đổi cho chặt chẽ hơn nữa, cập nhật kịp thời theo những diễn biến, thay đổi của thời đại. Nhận định dân chủ hình thức có nguyên nhân từ 2 phía, cả từ xây dựng thể chế và từ phía người dân, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở cần có những quy định cụ thể, khả thi, sát với thực tế, khi luật được ban hành, chính quyền phải thực sự coi thực hành dân chủ ở cơ sở không chỉ là nhiệm vụ mà còn là quyền lợi, vì nếu thực hành dân chủ tốt thì người dân sẽ tin tưởng vào chính quyền, từ đó sự lãnh đạo, chỉ đạo sẽ tốt hơn. Ở phía ngược lại, người dân cần ý thức rõ quyền làm chủ của mình và chủ động thực hiện quyền đó, nắm lấy cơ hội để cống hiến, góp sức xây dựng quê hương, giám sát cán bộ. Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nhấn mạnh dân chủ sẽ được thực hiện đầy đủ trên thực tế khi người dân và chính quyền đều thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của mình.

Bàn về việc luật hóa phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng như mục tiêu Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Pha cho rằng đây là việc làm rất cần thiết và dự thảo Luật hiện tại đã thực hiện được nội dung này. Cùng với đó, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng dự thảo Luật cần khuyến khích, khơi dậy ý thức tự giác của người dân, để người dân tự nguyện hiến kế cho chính quyền cơ sở thông qua các thiết chế thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng và trực tiếp là Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cơ sở, qua đó người dân có thể giám sát hoạt động của chính quyền, đảm bảo những điều chính quyền đã tuyên bố với nhân dân, những góp ý của nhân dân phải được thực thi trên thực tế.

Dẫn câu nói sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Pha nhấn mạnh, các cấp ủy Đảng, chính quyền phải có lòng tin của nhân dân, phải dựa vào dân để thực hiện nhiệm vụ của mình. Để có lòng tin của dân thì phải thực hành dân chủ một cách rộng rãi, luôn lấy lợi ích của người dân làm mục đích phấn đấu và phục vụ, làm được như vậy thì dân chủ sẽ trở thành chìa khóa vạn năng để giải quyết mọi khó khăn ở cơ sở. Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp kỳ vọng Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở tới đây Quốc hội sẽ thông qua sẽ thể chế hóa được tư tưởng vĩ đại này của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hướng tới xây dựng đất nước dân chủ, công bằng, văn minh./.

Hồ Hương

Các bài viết khác