CẦN NÂNG CAO TÍNH TỰ CHỦ CỦA NỀN KINH TẾ TRONG QUÁ TRÌNH HỘI NHẬP QUỐC TẾ

05/05/2022

Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và thực thi các cam kết hội nhập, TS. Bùi Hải Thiêm cho rằng cần phải nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế trong quá trình hội nhập quốc tế để đáp ứng được các yêu cầu đặt ra trên thực tiễn.

 

TS.Bùi Hải Thiêm Trưởng phòng Quản lý nghiệp vụ, Ban Quản lý khoa học, Viện Nghiên cứu Lập pháp

Nhìn nhận về vấn đề Hội nhập quốc tế và bối cảnh mới hiện nay, TS.Bùi Hải Thiêm Trưởng phòng Quản lý nghiệp vụ, Ban Quản lý khoa học, Viện Nghiên cứu Lập pháp cho biết, từ khi công cuộc đổi mới diễn ra, vấn đề đảm bảo lợi ích từ hội nhập kinh tế quốc tế luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu của Việt Nam, tư duy hội nhập được điều chỉnh phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước.

Trước năm 1986, Việt Nam mới đặt vấn đề “mở cửa nền kinh tế”, “đa phương hóa, đa dạng hóa, mở rộng quan hệ đối ngoại”. Tại Đại hội lần thứ IX của Đảng năm 2001 đã đề ra chủ trương “chủ động hội nhập kinh tế quốc tế”, Đại hội lần thứ X năm 2006 tiếp tục khẳng định bước chuyển biến mạnh mẽ về tư duy hội nhập, xác định hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm, hội nhập trong các lĩnh vực khác phải tạo thuận lợi cho hội nhập kinh tế và góp phần tích cực vào phát triển kinh tế.

Các chủ trương lớn được xây dựng trong Nghị quyết 07-NQ/TW năm 2001 của Bộ Chính trị; Nghị quyết 08-NQ/TW năm 2007 và Nghị quyết 22-NQ/TW năm 2013 của Ban Chấp hành Trung ương về hội nhập kinh tế quốc tế. Bên cạnh đó, văn kiện Đại hội XII của Đảng cũng nhấn mạnh “thực hiện hiệu quả hội nhập quốc tế trong điều kiện mới, tiếp tục nâng cao vị thế và uy tín của đất nước trên trường quốc tế”. Nghị quyết số 06-NQ/TW năm 2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đặt ra mục tiêu thực hiện hiệu quả tiến trình Hội nhập kinh tế quốc tế trong bối cảnh mới gắn với các yêu cầu mới về tăng cường khả năng tự chủ của nền kinh tế, tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị, phát triển bền vững, bao trùm, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam.

Theo đó, Việt Nam không chỉ quan tâm tới tăng trưởng xuất khẩu hay thu hút vốn đầu tư, mà còn chú trọng tranh thủ Hội nhập quốc tế để tham gia xây dựng, điều chỉnh “luật chơi” trong thương mại – đầu tư quốc tế; mức độ tham gia và hiệu quả mang lại đối với doanh nghiệp và người dân trong nước. Tiến trình hội nhập quốc tế và cải cách thể chế kinh tế tại Việt Nam luôn có mối tương quan chặt chẽ với nhau. Trong đó, cải cách thể chế trong nước là yếu tố nền tảng, có ý nghĩa quyết định để bảo đảm tính chủ động và hiệu quả trong hội nhập quốc tế. Ở chiều ngược lại, hội nhập quốc tế cũng là chất xúc tác, là động lực để đẩy nhanh hơn, mạnh hơn các nỗ lực cải cách thể chế trong nước. Cải cách thể chế trong điều kiện chủ động, tích cực hội nhập quốc tế không đơn thuần là điều chỉnh quy định, sửa đổi pháp luật để thực hiện các cam kết hội nhập. Quan trọng hơn, đó là tiến trình cải cách đồng bộ các thể chế kinh tế khác nhằm khai thác tốt hơn lợi ích của hội nhập mang lại. Với ý nghĩa đó, trong những năm gần đây, các cải cách nền tảng vi mô và vĩ mô nhằm nâng cao hiệu quả thị trường ngày càng được chú trọng hơn, nhất là cải cách thể chế về cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, phát triển doanh nghiệp tư nhân, cải thiện môi trường kinh doanh, đất đai, phòng vệ thương mại,…

TS. Bùi Hải Thiêm cũng nêu rõ, những giai đoạn cải cách mạnh mẽ nhất tại Việt Nam cũng là những giai đoạn Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế nhanh và thực chất nhất. Sự nhất quán giữa cải cách thể chế trong nước và cải cách, mở cửa thương mại – đầu tư đã mở ra thêm nhiều cơ hội kinh tế cho người dân, doanh nghiệp; từng bước đóng góp cho những thành tựu trên nhiều lĩnh vực như bình đẳng giới, xóa đói giảm nghèo, hướng tới phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Trong tiến trình này việc đàm phán, ký kết các FTA song phương và đa phương chính là cơ hội, đòn bẩy tốt nhất cho nền kinh tế của nước ta.

Hiện nay, Việt Nam có hơn 500 hiệp định song phương và đa phương trên nhiều lĩnh vực, có quan hệ kinh tế - thương mại và đầu tư với trên 224 nước và vùng lãnh thổ. Đặc biệt, đến hết năm 2021, Việt Nam có quan hệ “đối tác chiến lược” với 17 quốc gia và đã ký kết tham gia 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA). CPTPP là Hiệp định đầu tiên được phê chuẩn bởi Quốc hội Việt Nam, bởi trong các điều kiện quy định của Hiệp định này có các cam kết làm thay đổi các quy định pháp luật ở cấp Luật, Nghị quyết của Quốc hội. Để thực hiện triển khai Hiệp định CPTPP, Chính phủ cũng có kế hoạch thực hiện cụ thể trong đó xây dựng pháp luật là nhóm nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, với nhiều văn bản pháp luật cần được xây dựng mới hoặc điều chỉnh, bổ sung. Công tác xây dựng pháp luật thực thi Hiệp định CPTPP và EVFTA trở thành điểm khác biệt nổi bật so với các FTA trước đó của Việt Nam.

Theo TS. Bùi Hải Thiêm, trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng hơn và thực thi các cam kết hội nhập, đặc biệt các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với mức độ cam kết sâu hơn, có tính ràng buộc cao hơn tác động của quá trình này có thể ảnh hưởng đáng kể tới không gian chính sách của Việt Nam. Đặc biệt, đại dịch COVID-19 vừa qua đã gây nên sự đứt gãy các chuỗi cung ứng càng làm bộc lộ rõ hơn những thách thức, trong khi khả năng chống chịu của nền kinh tế còn nhiều hạn chế. Những vấn đề trên đặt ra yêu cầu phải nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế trong quá trình hội nhập quốc tế trên một số khía cạnh như khả năng chống chịu của nền kinh tế và doanh nghiệp trước những cú sốc từ bên ngoài, đặc biệt thông qua kênh thương mại và đầu tư; bảo đảm khả năng tiếp cận thị trường đủ đa dạng hoặc đủ lớn để tránh phụ thuộc quá mức vào một thị trường cụ thể (cả về cung và cầu) và bảo đảm duy trì, tăng cường khả năng lựa chọn chính sách./.

Minh Thành

Các bài viết khác