ĐBQH PHAN ĐỨC HIẾU: QUẢN TRỊ DOANH NGHIỆP TỐT LÀ GỐC CHO THỊ TRƯỜNG TRÁI PHIẾU DOANH NGHIỆP BỀN VỮNG

19/05/2022

Phát biểu tại diễn đàn “Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiệu quả và bền vững”, đặt vấn đề ứng xử với thị trường trái phiếu doanh nghiệp và giải pháp pháp lý để thị trường này phát triển hiệu quả, bền vững, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu cho rằng để thị trường vốn bền vững, cái gốc quản trị doanh nghiệp phải tốt.

Năm 2022, kinh tế thế giới bước vào một giai đoạn biến động mới, với sự kéo dài, dư âm, hệ quả của 2 năm COVID-19 cùng sự hồi phục của các nền kinh tế lớn. Từ đầu năm đến nay, hàng loạt ngân hàng trung ương phát đi tín hiệu bắt đầu tăng lãi suất cơ bản, giảm các gói kích thích kinh tế. Tuy nhiên với bất ổn về địa chính trị, giá nhiên liệu tăng cao, nguy cơ lạm phát, môi trường kinh doanh toàn cầu trở nên biến động khó lường và khó khăn hơn. Trong bối cảnh chung đó, kinh tế Việt Nam lại có phục hồi tích cực trong những tháng đầu năm. Tăng trưởng GDP đã vượt mốc 5% và tăng dần qua các quý. Tuy nhiên, mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% vẫn sẽ là thách thức lớn trong bối cảnh tình hình quốc tế tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu

Đáng chú ý, với những vụ việc liên quan đến các vi phạm pháp lý trên thị trường vốn, những rủi ro của thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang trở thành điểm nghẽn khi hành lang pháp lý chưa hoàn toàn hoàn thiện và hạ tầng thị trường chưa thực sự đồng bộ. Các chủ trương chính sách rà soát, quản lý thị trường trái phiếu nói riêng, thị trường vốn nói chung theo hướng bảo đảm minh bạch, hiệu quả để hướng đến triển vọng tương lai nhưng trên thực tế vẫn khó tránh khỏi những tác động ngắn hạn.

Trong 5 năm gần đây, thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam có tốc độ tăng trưởng bình quân 46%/năm. Tính đến cuối năm 2021, thị trường có gần 1,2 triệu tỷ đồng được doanh nghiệp huy động qua thị trường trái phiếu, chiếm khoảng 12% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế vào khoảng 15% GDP sau điều chỉnh. Tuy nhiên, trong 3 tháng đầu năm nay, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang có dấu hiệu hạ nhiệt vì một số chính sách mới, làm giảm cơ hội tiếp cận vốn của doanh nghiệp, qua đó, làm chậm nhịp phục hồi và phát triển và lỡ nhịp Chương trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội 2022-2023 của quốc gia. Vấn đề đặt ra hiện nay, để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp lành mạnh, minh bạch, ổn định, cần có sự nhận diện đúng vai trò của trái phiếu doanh nghiệp, đi cùng là các giải pháp đúng và trúng để đáp ứng các mục tiêu thúc đẩy thị trường vốn hiệu quả và bền vững, đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp, tăng trưởng của nền kinh tế và hội nhập tài chính toàn cầu.

Các chuyên gia cho rằng để lành mạnh hóa thị trường, cần vừa kiến tạo phát triển cho thị trường, vừa kiểm soát được rủi ro, trước mắt cần giải quyết dứt điểm các vụ việc vừa qua để củng cố niềm tin nhà đầu tư cũng như tránh tạo tiền lệ xấu. Đồng thời cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý phù hợp dù các quy định pháp luật hiện hành đã phát triển tương đối nhanh để đáp ứng nhu cầu thị trường trái phiếu doanh nghiệp nhưng thị trường vẫn đòi hỏi những quy định pháp lý cao hơn. Như sớm sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, Nghị định 156/2020 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán; rà soát Luật Chứng khoán 2019 tiến tới sửa đổi, trong đó nâng chuẩn nhà đầu tư chuyên nghiệp… Đặc biệt, cần cân nhắc mức độ phù hợp về quy định tài sản bảo đảm, bảo lãnh phát hành, phân phối trái phiếu. Bên cạnh đó, cần có quy định về định hạng tín nhiệm nhằm giúp nhà đầu tư dễ dàng xác định chất lượng doanh nghiệp, mức độ rủi ro của trái phiếu phát hành. 

Diễn đàn “Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiệu quả và bền vững”

Trao đổi về vấn đề này, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu nhấn mạnh điều quan trọng là xác định mục tiêu ứng xử với thị trường vốn và trái phiếu. Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu cho biết, hiện nay mục tiêu xử lý các khiếm khuyết là điều được làm thường xuyên trong quá trình hoàn thiện thể chế. Các cơ quan thường xuyên rà soát các quy định để kịp thời phát hiện những bất cập phát sinh để kiến nghị hoàn thiện.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu cho biết, liên quan đến thị trường vốn, Quốc hội đã có Nghị quyết số 31/2021/QH15 về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 với 3 lĩnh vực quan trọng trong đó có cơ cấu lại thị trường tài chính với nội dung cơ cấu lại và phát triển thị trường chứng khoán, mở rộng năng lực thị trường vốn.

Ngày 13/4 vừa qua, Chính phủ cũng đã ban hành Chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 của Quốc hội. Theo đó, Chính phủ xác định mục tiêu đến năm 2025 quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt tối thiểu 85% GDP, dư nợ thị trường trái phiếu đạt tối thiểu 47% GDP, dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt khoảng 20% GDP.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu cho rằng với các mục tiêu chính sách mà Quốc hội, Chính phủ đòi hỏi phải bắt tay ngay vào thực hiện ngay từ bây giờ và phải xây dựng khung thể chế bền vững theo đúng tinh thần của Nghị quyết.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu phát biểu tại diễn đàn

Về dài hạn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng cần nâng cao chất lượng của doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Do vậy, không có gì khác ngoài việc nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp.

Phân tích cho quan điểm này, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu cho rằng thị trường trái phiếu doanh nghiệp ảnh hưởng bởi dòng vốn của nhà đầu tư và năng lực hấp thụ vốn của doanh nghiệp.

Dẫn chứng khi vốn vào thị trường bất động sản thì khi có thể chế giúp cho việc triển khai dự án bất động sản nhanh và hiệu quả sẽ góp phần giảm thiểu rủi ro thị trường. Một khi năng lực hấp thụ vốn của doanh nghiệp tốt thì thị trường sẽ ít rủi ro hơn. Ngược lại khi có quan hệ nhà đầu tư doanh nghiệp tốt nhưng hấp thụ nguồn lực chưa tốt cũng chính là điều gây ra rủi ro.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu nhấn mạnh, kiến nghị về nâng cao chất lượng doanh nghiệp nói chung là rất quan trọng. Bên cạnh các công cụ như giám sát, xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp thì quản trị doanh nghiệp có tác động lớn nhất, hiệu quả nhất đến nâng cao chất lượng doanh nghiệp. Quản trị doanh nghiệp tốt sẽ tạo lập được cộng đồng doanh nghiệp khỏe mạnh, mang lại sự bền vững phát triển của chính doanh nghiệp; tác động tích cực đến năng lực kinh doanh doanh nghiệp làm tăng năng lực hấp thụ vốn. Ngoài ra, cũng theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế, quản trị doanh nghiệp tốt, chất lượng doanh nghiệp tốt cũng sẽ làm giảm gánh nặng cho nhà lập pháp thay vì phải thường xuyên cho ra các quy định để sàng lọc doanh nghiệp.

Các đại biểu, chuyên gia tham dự diễn đàn

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022 được cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế đánh giá rất cao, có bộ chỉ số bảo vệ nhà đầu tư, chính là chỉ số nâng cấp chất lượng quản trị doanh nghiệp. Do đó, cần thực thi mạnh mẽ Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ./.

Bảo Yến