Tại Hội nghị Trung ương 5 vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương đã bàn và thống nhất rất cao về chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, coi đây là việc làm cần thiết, đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Theo đó, việc nghiêm túc tổ chức, hoạt động theo đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn như nêu trong Đề án sẽ góp phần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, tạo sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ hơn nữa, hiệu lực, hiệu quả cao hơn nữa trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta theo đúng tinh thần: "Trên Dưới đồng lòng, Dọc Ngang thông suốt!". Ngay sau đó, Hà Nội trở thành địa phương đầu tiên trên cả nước thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, thành về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội cho biết, việc sớm thành lập Ban Chủ đạo đã thể hiện quyết tâm chính trị cao, hành động nhanh, quyết liệt của Hà Nội, ngay sau khi Hội nghị Trung ương lần thứ năm bế mạc. Điều này sẽ tạo ra những chuyển biến đột phá, tích cực, mạnh mẽ, có hiệu quả, ngày càng đi vào chiều sâu, gắn kết chặt chẽ giữa "xây" và "chống", trở thành xu hướng tất yếu trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của thành phố, góp phần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương. Đồng thời, tạo khí thế “tiền hô hậu ủng”, “nhất hô bá ứng”, “trên dưới đồng lòng”, “dọc ngang thông suốt” trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới ở Hà Nội.
Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội
Theo đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, trước mắt, Hà Nội cần áp dụng những kinh nghiệm quý từ hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động. Trong các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, các cấp ủy, tổ chức đảng cần tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động phát hiện, xử lý tham nhũng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong các đơn vị trực tiếp đấu tranh chống tham nhũng.
Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà cũng lưu ý, giao cho Bí thư làm trưởng Ban chỉ đạo cấp tỉnh thì cần chú ý phát huy vai trò, vị thế, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời, sẽ ban hành “Quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong kiểm tra, phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí và bảo vệ người tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; xử lý nghiêm những người lợi dụng chống tham nhũng, tiêu cực để vu khống, gây chia rẽ, làm mất đoàn kết nội bộ”.
Với một số trường hợp người đứng đầu cấp ủy đảng trực thuộc Trung ương có hành vi vi phạm kỷ luật, đại biểu cho rằng một trong những nguyên nhân của tình trạng này là công tác kiểm tra, giám sát của các tổ chức, cấp ủy đảng ở nhiều nơi thời gian qua quá “bận rộn” chạy theo vụ việc, thậm chí bị động. Công tác kiểm tra phòng ngừa vi phạm là một trong những hạn chế. Có lẽ chính vì thế Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Triển khai quyết liệt, thường xuyên, toàn diện, đồng bộ công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng, phục vụ thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh”.
Bàn về giải pháp gì để nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực, đại biểu cho rằng một trong những công việc “then chốt của then chốt” là sắp xếp, luân chuyển, đề bạt, cất nhắc cán bộ. Ngay từ đầu là người đứng đầu phải chủ động, trực tiếp kiểm tra, giám sát cấp dưới trong việc triển khai Nghị quyết Đại hội. Đây chính là bài học kinh nghiệm quý từ lâu Đảng ta đã đúc kết: “Lãnh đạo thì phải kiểm tra, không kiểm tra coi như không lãnh đạo”.
Việc kiểm tra, giám sát ngay từ những ngày đầu, tháng đầu khi nhận nhiệm vụ đối với người đứng đầu là một khâu vô cùng quan trọng. Nếu được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc, nề nếp sẽ đem lại rất nhiều lợi ích, nhất là khắc phục xu hướng tham nhũng quyền lực.
Đại biểu nêu rõ, thực tiễn những năm qua cho thấy, ở đâu và khi nào, người đứng đầu quan tâm, coi trọng và trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, thì ở đó, vai trò trách nhiệm của ủy ban kiểm tra được phát huy, hoạt động kiểm tra, giám sát được đẩy mạnh; nội bộ đoàn kết thống nhất; kỷ luật, kỷ cương được giữ vững, cán bộ, đảng viên ít vi phạm kỷ luật, thực hiện nhiệm vụ chính trị đạt kết quả tốt; tổ chức đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Ngoài ra, đại biểu cũng nhấn mạnh, xây dựng quy chế, quy định trong đó xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác kiểm tra, giám sát là một trong những việc rất cần thiết hiện nay./.