ĐBQH NGUYỄN THỊ YẾN NHI: CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN ĐIỆN ẢNH CÒN MANG TÍNH BAO CẤP

26/05/2022

Chiều 25/05, phát biểu tại phiên thảo luận về Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), bà Nguyễn Thị Yến Nhi - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre cho rằng, để tiếp tục góp phần hoàn thiện dự thảo luật trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua cần quan tâm một số nội dung như: chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh và Phát triển nguồn nhân lực điện ảnh.

 

Theo đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre, về chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh và Phát triển nguồn nhân lực điện ảnh quy định tại Điều 5 và Điều 6 của Dự thảo Luật quy định còn mang tính bao cấp. Đại biểu đề nghị nên quy định theo hướng phải có sản phẩm cụ thể thì Nhà nước mới đầu tư ngân sách, chứ không đầu tư dàn trải. Do điện ảnh là hoạt động sáng tạo, mang dấu ấn cá nhân của người lao động nghệ thuật, người tham gia phải có năng khiếu và đam mê, việc Nhà nước bao cấp không đem lại hiệu quả, không kích thích lao động sáng tạo. Do đó, chỉ nên có chính sách khuyến khích chứ không nên có quá nhiều chính sách ưu tiên, ưu đãi, chính sách cần hướng đến sản phẩm đầu ra, không nên bao cấp đầu vào trong khi sản phẩm đầu ra chưa biết chất lượng như thế nào.

 

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi phát biểu thảo luận tại Hội trường

Về cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại điểm b Khoản 2 Điều 13, quy định về hồ sơ đề nghị cấp giấy phép cung cấp dịch vụ quay phim sử dụng bối cảnh tại Việt Nam cho tổ chức, cá nhân nước ngoài có 2 Phương án:

Phương án 1: Kịch bản tóm tắt phim và kịch bản chi tiết nội dung quay phim sử dụng bối cảnh tại Việt Nam bằng tiếng Việt;

Phương án 2: Kịch bản phim bằng tiếng Việt (toàn bộ);

Đại biểu đề nghị chọn phương án 2: “Kịch bản phim bằng tiếng Việt” để có thể xem xét toàn bộ kịch bản phim, để nắm được tổng thể kịch bản xem việc quay phim sử dụng bối cảnh tại Việt Nam có phù hợp lịch sử, văn hóa truyền thống, có vấn đề gì về chính trị, an ninh quốc phòng hay không.

Về vấn đề quy định thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh tại Điều 42, 43, 44, dự thảo Luật nêu 2 Phương án:

Phương án 1: Giữ lại quy định tại Mục 2 dự thảo Luật.

Phương án 2: Bỏ Mục 2 gồm các điều 42, 43, 44 của dự thảo Luật.

Đề nghị nên cân nhắc về việc thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh, vì các lý do:

Một, Luật Điện ảnh năm 2006 cũng đã có quy định về thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh, tuy nhiên đến nay đã 16 năm nhưng Quỹ vẫn chưa được thành lập do không đảm bảo nguồn thu. Hiện tại, quy định trong dự thảo Luật vẫn còn mang tính chất chung chung, không xác định rõ nguồn thu.

Hai, một số quy định tại Điều 43 dự thảo Luật trùng với nhiệm vụ chi được quy định tại Khoản 2 Điều 5 dự thảo Luật. Trong khi đó, theo quy định tại Luật Ngân sách nhà nước và Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước thì một trong những điều kiện để một quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách được cơ quan có thẩm quyền xem xét hỗ trợ vốn điều lệ là “Có nguồn thu, nhiệm vụ chi không trùng với nguồn thu, nhiệm vụ chi của ngân sách Nhà nước.”

Thứ tư: Tại điểm b Khoản 2, Điều 47 về trách nhiệm quản lý Nhà nước về điện ảnh của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh dự thảo luật quy định: “Ban hành hoặc trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành các chính sách hỗ trợ, thu hút nhằm tạo điều kiện phát triển điện ảnh tại địa phương.”

 Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét sửa đổi theo hướng: “Trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành các chính sách hỗ trợ, thu hút nhằm tạo điều kiện phát triển điện ảnh tại địa phương”, vì các chính sách hỗ trợ, thu hút thuộc thẩm quyền ban hành của Hội đồng nhân dân tỉnh./.              

Hoàng Nhân