Bên cạnh những kết quả đạt được, trong thực tế áp dụng, Luật Thanh tra năm 2010 đã bộc lộ những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, làm giảm hiệu quả, hiệu lực của hoạt động thanh tra, chưa đáp ứng tốt các yêu cầu, nhiệm vụ của tình hình mới trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Vì vậy, việc sửa đổi Luật Thanh tra 2010 là cần thiết nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng, Hiến pháp năm 2013 về công tác thanh tra, trên tinh thần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong tổ chức và hoạt động thanh tra, khắc phục những tồn tại, hạn chế, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Luật Thanh tra (sửa đổi) được xây dựng trên tinh thần quán triệt và cụ thể hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác thanh tra; phù hợp với yêu cầu cải cách hành chính nhà nước; Thể chế hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 phù hợp với chức năng, nhiệm vụ về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Đáp ứng yêu cầu về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, bảo đảm phối hợp có hiệu quả giữa các công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán của bộ máy nhà nước và cả hệ thống chính trị; Làm rõ và tăng cường trách nhiệm, thẩm quyền của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước trong việc lãnh đạo công tác thanh tra, xử lý các vấn đề phát sinh được phát hiện qua hoạt động thanh tra.
Đại biểu Nguyễn Sỹ Quang, Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh
Tham gia đóng góp ý kiến vào dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Sỹ Quang, Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh bày tỏ đồng tình với hệ thống thanh tra như trong dự thảo Luật, đặc biệt là việc tổ chức cơ quan thanh tra cấp huyện. Đại biểu nêu rõ, trong phòng ngừa, xử lý sai phạm, phòng ngừa luôn là ưu tiếnn chính yếuh. Thanh tra là hoạt động ở mức thấp nhất trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, điều tra, cho nên việc phát hiện kịp thời ngay tại cơ sở để xử lý từ thấp tới cao là điều rất quan trọng. Vì vậy, theo đại biểu, phải có cơ quan thanh tra cấp huyện để giúp cho cơ quan quản lý, ở đây là Ủy ban nhân dân cấp huyện phát hiện ngay, chấn chỉnh, thậm chí xử lý kịp thời hơn.
Đại biểu cũng cho biết, nếu bỏ thanh tra cấp huyện thì công việc thanh tra sẽ dồn lên thanh tra cấp tỉnh, dẫn đến quá tải. Trong khi đó, thực hiện chủ trương kiện toàn bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả, bộ máy thanh tra cấp tỉnh cũng sẽ tinh gọn lại. Đội ngũ tinh gọn trong khi khối lượng công việc lớn, dẫn đến tình trạng thanh tra cấp tỉnh chỉ thực hiện công tác quanh khu vực thành phố hoặc các sở, ngành, không thể đi xuống cấp huyện, nhất là vùng sâu, vùng xa để làm, dẫn đến không phát hiện, ngăn chặn kịp thời các sai phạm nếu có. Vì lẽ đó, đại biểu đề nghị phải giữ thanh tra cấp huyện, đồng thời cần có các giải pháp bồi dưỡng nâng cao hiệu quả hoạt động của thanh tra cấp huyện.
Về vấn đề đình chỉ các vi phạm được phát hiện trong quá trình thanh tra, đại biểu cho rằng, theo quan điểm xuyên suốt của hệ thống pháp luật hành chính cũng như hình sự, các hành vi vi phạm đều phải bị đình chỉ, khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, trên thực tế tại Tp.Hồ Chí Minh có vụ việc nổi cộm, thanh tra đã phát hiện sai phạm, tuy nhiên vẫn không đình chỉ được hành vi vi phạm. Do đó, đại biểu đề nghị là phải quy định cụ thể về việc đình chỉ hành vi vi phạm, hoặc trong dự thảo có ghi là tạm giữ tiền, đồ vật vi phạm, v.v..
Bên cạnh đó, Thông tư liên tịch 03/2018 giữa Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Thanh tra Chính phủ quy định là trong quá trình thanh tra, nếu phát hiện có dấu hiệu của tội phạm thì chuyển ngay mà không chờ kết luận thanh tra nữa. Đại biểu cho rằng cần phải thể hiện nội dung này trong luật để ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm. Việc thu hồi tài sản đã được quy định trong Chỉ thị 04 của Trung ương năm 2021. Hiện nay, trong các hoạt động thanh tra, kiểm tra, điều tra đều ưu tiên việc ngăn chặn việc tẩu tán, thu hồi tài sản cho Nhà nước, đại biểu cho rằng đây quan điểm này rất đúng đắn. Trong quá trình thanh tra, thanh tra là cơ quan đầu tiên, là hoạt động đầu tiên, khi phát hiện phải có một chế định để chúng ta có thể kê biên, tạm ngưng giao dịch hoặc thu hồi tài sản. Đại biểu đề nghị dự thảo Luật có quy định chặt chẽ về vấn đề này.
Ngoài ra, trong việc xử lý, ngăn chặn hành vi hành chính, đại biểu cho rằng phải chú ý việc tham chiếu Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 để tránh mâu thuẫn, chồng chéo. Trong việc chuyển cơ quan điều tra cũng tránh một xu hướng là thanh tra luôn luôn kết luận là chuyển cơ quan điều tra thẩm tra, xác minh. Đại biểu nhấn mạnh cần đề cao trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan thanh tra, trưởng đoàn thanh tra trong các kết luận, rà soát nghiên cứu kỹ lưỡng để đảm bảo quy định hợp lý, khả thi trong áp dụng thực tiễn./.