ĐBQH PHẠM KHÁNH PHONG LAN: LUẬT KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH (SỬA ĐỔI) CẦN QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ ĐÃI NGỘ TƯƠNG XỨNG CHO Y, BÁC SỸ

27/05/2022

Cho ý kiến tại phiên thảo luận tổ về Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh ghi nhận nỗ lực của Bộ Y tế đã tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội trong dự thảo Luật, đồng thời cho rằng dự thảo Luật cần thể hiện rõ chủ trương xem nghề y là nghề cao quý, quy định chế độ đãi ngộ tương xứng để các bác sỹ yên tâm công tác.

 

Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 đã tạo hành lang pháp lý vô cùng quan trọng cho công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả, thành tựu đạt được, sau hơn 11 năm triển khai thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 đã nảy sinh một số vướng mắc, bất cập, những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn chưa có cơ chế pháp lý để giải quyết như: về quản lý người hành nghề; về quản lý cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; một số nội dung liên quan đến chuyên môn trong khám bệnh, chữa bệnh; các điều kiện bảo đảm cho công tác khám bệnh, chữa bệnh; kinh nghiệm từ thực tiễn công tác phòng, chống dịch COVID-19… Thực tiễn đời sống đã đặt ra yêu cầu phải đổi mới, sửa đổi, bổ sung những quy định của pháp luật trong lĩnh vực khám, chữa bệnh.

Đồng thời, việc xây dựng dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) sẽ thể chế Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới; Nghị quyết số 41/2021/QH15 ngày 13 tháng 11 năm 2021 về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XV.

Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3 gồm 12 chương và 106 điều, được xây dựng theo hướng "lấy người bệnh làm trung tâm" thông qua việc quy định đồng thời các giải pháp về: Nâng cao kỹ năng hành nghề, tăng cường quản lý hoạt động của người hành nghề; Nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; Tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính trong khám bệnh, chữa bệnh; Tăng cường phát triển y học cổ truyền, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại; Đổi mới một số quy định liên quan điều kiện bảo đảm thực hiện.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh

Ghi nhận nỗ lực của Bộ Y tế đã tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội trong dự thảo luật, tuy nhiên đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh cho biết, mục tiêu của dự án Luật là nhằm từng bước nâng cao hiệu quả, hoàn thiện hệ thống y tế về cả chất lượng và số lượng, đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe người dân. Tuy nhiên, đi sâu vào một số quy định cụ thể, đại biểu cho rằng dự thảo Luật vẫn còn thiếu, chưa đảm bảo được mục đích đặt ra.

Cụ thể, đại biểu bày tỏ tán thành với quy định cấp chứng chỉ hành nghề có thời hạn, cấp 5 năm một lần, tuy nhiên, cần có quy định cụ thể về Hội đồng Y khoa công nhận chứng chỉ để tránh những tranh luận về tư cách Hội đồng. Nhấn mạnh đặc thù năng lực chuyên môn trong y tế không nghiễm nhiên đi kèm cùng năng lực quản lý, đại biểu đề nghị lực lượng chủ đạo của Hội đồng không phải từ các nhà quản lý (Bộ trưởng, Thứ trưởng, các vụ trưởng, cục trưởng, giám đốc sở y tế). Đại biểu cũng cho rằng cần cần phát huy vai trò, năng lực và uy tín chuyên môn của Tổng hội Y học Việt Nam cùng các cơ quan chuyên môn trong vấn đề này.

Về cơ chế tài chính của các bệnh viện, đại biểu kỳ vọng dự thảo Luật thể hiện rõ chủ trương xem nghề y là nghề cao quý, quy định chế độ đãi ngộ tương xứng, có chính sách hợp lý về mức lương khởi điểm, để các bác sỹ yên tâm công tác. Theo đại biểu, hiện giờ các bệnh viện tự chủ một phần hoặc tự chủ toàn phần. Mà tự chủ tức là nhà nước thu hẹp lại dần chi phí trả lương, bệnh viện phải tự trả lương cho nhân viên. Điều đó dẫn tới phải thu trên đầu người bệnh, nếu giá khám chữa bệnh bảo hiểm y tế rẻ quá thì các bệnh viện phải trông chờ vào nguồn thu dịch vụ. Theo thị trường, bệnh viện nào trả lương cao thì hút chất xám, mời những bác sỹ giỏi, vì vậy nhiều y bác sĩ bỏ bệnh viện công sang bệnh viện tư, cũng dẫn tới việc người bệnh phải chịu chi phí khám bệnh ở mức cao hơn. Dù ở bệnh viện tư hay công thì các y bác sĩ đều phục vụ nhân dân, nhưng theo đại biểu, cần phải bảo đảm công bằng. tránh sự chênh lệch và giá quá lớn, khiến nhiều người nghèo không có tiền vào khám bệnh viện tư, hoặc khám tự nguyện tại bệnh viện công.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng kiến nghị cần thay đổi trong việc phân cấp bệnh viện, thay vì phân cấp theo hành chính, cần phân cấp theo chất lượng bệnh viện, với việc đánh giá chất lượng được thực hiện thông qua tổ chức chứng nhận chất lượng độc lập. Đại biểu bày tỏ hy vọng việc thay đổi phân cấp này sẽ tạo ra thay đổi mạnh mẽ, tăng tính cạnh tranh qua đó nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại các bệnh viện.

Ngoài ra, đại biểu cũng cho rằng cần quy định rõ, hành vi chống đối, quấy phá, hành hung tại cơ sở khám, chữa bệnh được xem là chống người thi hành công vụ, có chế tài cụ thể, rõ ràng, đủ sức răn đe đối với những hành vi này./.

Minh Hùng

Các bài viết khác