ĐBQH LÊ THỊ NGỌC LINH: CẦN QUY ĐỊNH KHUNG GIÁ DỊCH VỤ KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH TẠI CƠ SỞ KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH TƯ NHÂN

27/05/2022

Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Chính phủ trình dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Tán thành sự cần thiết Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), ĐBQH Lê Thị Ngọc Linh, Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu kiến nghị cần quy định khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân nhằm đảm bảo sự thống nhất đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân giúp người bệnh dễ tiếp cận.

 

ĐBQH Lê Thị Ngọc Linh, Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu 

Dự thảo Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) gồm 12 chương và 106 điều, bổ sung thêm 3 chương (chương VI, X, XI) so với Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009. Trong đó, tập trung vào các nhóm chính sách lớn gồm: Nâng cao kỹ năng hành nghề, tăng cường quản lý hoạt động của người hành nghề; Nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; Tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính trong khám bệnh, chữa bệnh; Tăng cường phát triển y học cổ truyền, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại; Đổi mới một số quy định liên quan điều kiện bảo đảm thực hiện.

Tán thành sự cần thiết ban hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), ĐBQH Lê Thị Ngọc Linh, Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu cho biết, sau 13 năm thực hiện, nhiều quy định trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 không còn phù hợp với thực tiễn, không tương thích với hệ thống pháp luật liên quan; việc áp dụng một số quy định còn khó khăn, vướng mắc. Do đó, cần phải được điều chỉnh, cập nhật và quy định cụ thể hơn để phù hợp với tình hình thực tế trong công tác khám bệnh, chữa bệnh nhằm đáp ứng nhu cầu về chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Liên quan đến quy định về thời hạn của giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, đại biểu Lê Thị Ngọc Linh đề nghị cần quy định thời hạn của giấy phép hành nghề để tăng cường kiểm soát trình độ chuyên môn, năng lực hành nghề. “Nghề y là nghề đặc biệt chính vì vậy họ phải thường xuyên nâng cao trình độ phải thật sự có năng lực, có tay nghề. Đồng thời, khi cơ sở khám chữa bệnh có đội ngũ y, bác sỹ giỏi cũng sẽ thu hút nhiều người đến tham gia điều trị bệnh và như vậy đồng nghĩa với việc làm phát triển hơn cơ sở khám chữa bệnh. Do đó, cần phải có sự kiểm tra, đánh giá tay nghề của đội ngũ này nhằm đảm bảo yêu cầu và nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh và việc quy định thời hạn của giấy phép hành nghề là cần thiết và phù hợp..”, đại biểu lý giải.

Về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, đại biểu Lê Thị Ngọc Linh đề nghị cần quy định khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân nhằm đảm bảo sự thống nhất đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân giúp người bệnh dễ tiếp cận và cũng có được thông tin rõ hơn khi tham gia dịch vụ điều trị bệnh tại các cơ sở tư nhân. Theo đại biểu, điều này cũng đồng nghĩa với việc đảm bảo quyền lợi của người bệnh khi khám bệnh, chữa bệnh.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo hướng tính đúng, tính đủ chi phí cấu thành đảm bảo tính phù hợp, toàn diện và khả thi.

Về khám bệnh, chữa bệnh và hỗ trợ chữa bệnh từ xa, Đây là vấn đề mới nhưng là nội dung rất thiết thực. Tuy nhiên, cần phải quy định rõ trách nhiệm của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ xa về cơ chế thanh toán cũng như chi phí của cơ sở này.

Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ quan tâm hơn đến chính sách cho đội ngũ y, bác sỹ đặc biệt là đội ngũ ở cơ sở; các trạm y tế xã phường, thị trấn và đội ngũ y, bác sỹ được luân chuyển về các dịa phương vùng sâu, vùng xa,… Có biện pháp cụ thể sớm cải thiện tình trạng thiếu hụt nhân lực y tế. Ngoài ra, Bộ Y tế cần có định hướng và giải pháp đồng bộ để nâng cao chất lượng đào tạo đối với lực lượng y sỹ, điều dưỡng từ đó nâng cao tay nghề, công tác chuyên môn cho đội ngũ này góp phần tạo thêm nguồn lực cho ngành y tại cơ sở./.

Lê Anh - Nghĩa Đức

Các bài viết khác