ĐBQH NGUYỄN THỊ THU DUNG: CẦN TĂNG CƯỜNG ĐÀO TẠO NÂNG CAO TRÌNH ĐỘ CỦA Y SỸ

27/05/2022

Cho ý kiến tại phiên thảo luận tổ về Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung- Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình đề nghị cần tăng cường đào tạo nâng cao trình độ của y sỹ, đảm bảo chất lượng khám, chữa bệnh.

 

Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm được Quốc hội thông qua ngày 23/11/2009 đã tạo hành lang pháp lý vô cùng quan trọng cho công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh. Tuy nhiên, sau hơn 11 năm triển khai thi hành Luật đã nảy sinh một số vướng mắc, bất cập, những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn chưa có cơ chế pháp lý để giải quyết như: về quản lý người hành nghề; về quản lý cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; một số nội dung liên quan đến chuyên môn trong khám bệnh, chữa bệnh; các điều kiện bảo đảm cho công tác khám bệnh, chữa bệnh; kinh nghiệm từ thực tiễn công tác phòng, chống dịch Covid-19… Từ các lý do trên, cần thiết xây dựng dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Đồng thời, việc xây dựng dự án Luật sẽ thể chế Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới; Nghị quyết số 41/2021/QH15 ngày 13/11/2021 về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XV.

Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3 gồm 12 chương và 106 điều, được xây dựng theo hướng "lấy người bệnh làm trung tâm" thông qua việc quy định đồng thời các giải pháp về: Nâng cao kỹ năng hành nghề, tăng cường quản lý hoạt động của người hành nghề; Nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; Tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính trong khám bệnh, chữa bệnh; Tăng cường phát triển y học cổ truyền, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại; Đổi mới một số quy định liên quan điều kiện bảo đảm thực hiện.

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ về Dự án Luật này, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung- Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho biết, dự thảo Luật đã quy định Chức danh nghề nghiệp phải có giấy phép hành nghề bao gồm: bác sỹ; y sỹ thuộc lực lượng vũ trang nhân dân (sau đây viết tắt là y sỹ); điều dưỡng; hộ sinh; kỹ thuật y; dinh dưỡng; cấp cứu viên ngoại viện (Paramedic); lương y; người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền. Như vậy, chỉ cấp chứng chỉ hành nghề cho y sỹ thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, không cấp cho y sỹ dân sự.

Cho rằng lực lượng y sỹ dân sự đang phục vụ hiệu quả trong tuyến y tế cơ sở, có vai trò quan trọng trong công tác khám chữa bệnh ban đầu, đại biểu kiến nghị tiếp tục cấp chứng chỉ hành nghề cho chức danh y sỹ, không chỉ các y sỹ trong lực lượng vũ trang, để đảm bảo nhất quán chính sách ưu tiên phát triển y tế dự phòng, y tế cơ sở, ứng phó tốt với tình trạng thiếu nhân viên y tế tại các cơ sở địa phương, ở các trường học, xí nghiệp. Bên cạnh đó, đại biểu cũng kiến nghị cần tăng cường đào tạo nâng cao trình độ của y sỹ, cụ thể, nâng từ trung cấp y sỹ lên thành cao đẳng y sỹ, với thời gian đào tạo kéo dài hơn, có thể liên thông chương trình đào tạo lên bậc đại học.

Ngoài ra, về quy định người hành nghề được tiếp tục hành nghề theo phạm vi chuyên môn đã cấp mà không phải cấp lại, gia hạn giấy phép hành nghề nếu từ đủ 60 tuổi trở lên vào năm 2030, đại biểu cho rằng, quy định này có bất cập cần nghiên cứu, xem xét kỹ, vì trong khi những người đang hàng ngày công tác thực tiễn tại các cơ sở y tế vẫn phải liên tục cập nhật kiến thức và kỹ năng chuyên môn, việc những người đã về hưu không cần cập nhật thêm kiến thức và kỹ năng vẫn có thể giữ chứng chỉ hành nghề sẽ làm ảnh hưởng tới chất lượng khám, chữa bệnh./.

Hồ Hương

Các bài viết khác