ĐBQH ĐỖ ĐỨC HIỂN: TĂNG CƯỜNG HIỆU QUẢ THU HỒI TÀI SẢN

01/06/2022

Theo đại biểu Đỗ Đức Hiển, Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh, các vấn đề được nêu trong dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật đã bám sát định hướng sửa đổi Luật Thanh tra được xác định trong nhiều văn bản của Đảng và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội nhiệm kỳ Khóa XV. Việc hoàn thiện pháp luật thanh tra sẽ góp phần nhằm tăng cường hiệu quả thu hồi tài sản..

 

Đại biểu Đỗ Đức Hiển, Đoàn ĐBQH  TP. Hồ Chí Minh

Góp ý vào dự án Luật Thanh tra (sửa đổi ) đại biểu Đỗ Đức Hiển, Đoàn ĐBQH  TP. Hồ Chí Minh bày tỏ nhất trí với các quan điểm, nguyên tắc xây dựng và các chính sách cơ bản của dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) cũng như cách tiếp cận, đặt vấn đề của Ủy ban Pháp luật liên quan đến các nội dung lớn của dự án Luật này về hệ thống các cơ quan thanh tra theo cấp hành chính, thanh tra theo ngành, lĩnh vực, thanh tra chuyên ngành tại cơ quan thuộc Chính phủ và về thanh tra sở...

Theo đại biểu, các vấn đề được nêu trong dự án Luật và báo cáo thẩm tra đã bám sát định hướng sửa đổi Luật Thanh tra được xác định trong nhiều văn bản của Đảng và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội nhiệm kỳ Khóa XV. Riêng vấn đề còn ý kiến khác nhau liên quan đến mô hình tổ chức Thanh tra huyện, đại biểu tán thành với loại ý kiến thứ nhất, cần tiếp tục duy trì và củng cố cơ quan thanh tra hành chính ở cấp này.

Liên quan đến các quy định về áp dụng biện pháp ngăn chặn việc tẩu tán tài sản, thu hồi tiền, tài sản trong quá trình thanh tra, đại biểu cho rằng, Tờ trình của Chính phủ đã đề cập đến một bất cập lớn trong hoạt động thanh tra thời gian qua, đó là việc thu hồi tiền, tài sản của Nhà nước bị chiếm đoạt, sử dụng sai mục đích được phát hiện trong quá trình thanh tra và khắc phục kiến nghị xử lý sau thanh tra đạt tỷ lệ thấp. Tuy nhiên, qua rà soát các quy định của dự thảo Luật cho thấy, dường như giải pháp cho bất cập nêu trên chưa được chú trọng.

Cụ thể là, theo quy định của dự thảo Luật, khi phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật và có căn cứ cho rằng đối tượng có hành vi tẩu tán tài sản, Trưởng đoàn Thanh tra chỉ được yêu cầu tổ chức tín dụng phong toả tài khoản của đối tượng thanh tra (Điều 79). Mặc dù dự thảo Luật có quy định về việc tạm giữ tiền, đồ vật, giấy phép (Điều 78) nhưng biện pháp này không được áp dụng trong trường hợp đối tượng thanh tra có hành vi tẩu tán tài sản. Bên cạnh đó, mặc dù khoản 3 Điều 66 dự thảo Luật có quy định việc chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra, tuy nhiên lại chưa có quy định về việc chuyển tiếp biện pháp ngăn chặn cũng như cơ chế phối hợp giữa các cơ quan. 

Bên cạnh đó, theo quy định của Điều 80 dự thảo Luật, việc ra quyết định thu hồi tiền, tài sản thuộc thẩm quyền của người ra quyết định thanh tra và được căn cứ vào kết luận tiền, tài sản bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép hoặc bị thất thoát do hành vi trái pháp luật của đối tượng thanh tra. Tuy nhiên, dự thảo Luật lại chưa có cơ chế để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của quyết định thu hồi.

​Ngoài ra, theo quy định của dự thảo Luật thì việc áp dụng biện pháp phong toả tài khoản, tạm giữ tiền, đồ vật sử dụng trái phép chỉ được thực hiện đối với tiền, tài sản trong phạm vi thanh tra. Trường hợp phát hiện tiền, tài sản có liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật và phát hiện có dấu hiệu của việc chuyển dịch tài sản nhưng không thuộc phạm vi thanh tra thì người có thẩm quyền trong hoạt động thanh tra cũng không được áp dụng các biện pháp nêu trên.

​Chỉ thị số 04-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Trong đó yêu cầu: nghiên cứu bổ sung cho thanh tra viên thẩm quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn việc tẩu tán tài sản khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm tham nhũng, kinh tế; nâng cao trách nhiệm và hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế...; kịp thời áp dụng các biện pháp thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, đất đai, phong toả tài khoản ngay trong quá trình thanh tra.

Để tăng cường hơn nữa hiệu lực, hiệu quả của công tác thu hồi tiền, tài sản nói chung, qua hoạt động thanh tra nói riêng, đại biểu Đỗ Đức Hiển đề xuất một số nội dung như sau:

​Một là, bổ sung một số biện pháp ngăn chặn mà cơ quan thanh tra có thể áp dụng nhằm phòng ngừanguy cơ tẩu tán tiền, tài sản. Theo đó, cùng với việc nghiên cứu giao trưởng đoàn thanh tra có thẩm quyền quyết định phong toả tài khoản của đối tượng thanh tra, thì cũng cần nghiên cứu giao trưởng đoàn thanh tra có thể áp dụng cả biện pháp tạm giữ tiền, đồ vật, giấy tờ nếu có căn cứ cho rằng đối tượng thanh tra sẽ tẩu tán các tài sản này. Bên cạnh đó, đối với tài sản là động sản phải đăng ký quyền sở hữu hoặc bất động sản, cần nghiên cứu bổ sung biện pháp tạm dừng việc đăng ký, chuyển dịch, thay đổi hiện trạng tài sản của đối tượng thanh tra nhằm ngăn chặc hoặc tạm dừng các hành vi chuyển quyền sở hữu, sử dụng, tẩu tán, hủy hoại, thay đổi hiện trạng tài sản của đối tượng thanh tra.

​Đối với trường hợp phát hiện có vi phạm pháp luật có dấu hiệu tội phạm, thì cùng với việc chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý theo trình tự, thủ tục tố tụng hình sự, cần bổ sung quy định về cơ chế phối hợp, chuyển tiếp đối với các biện pháp ngăn chặn mà trưởng đoàn thanh tra, người ra quyết định thanh tra đã thực hiện.

​Hai là, để bảo đảm việc thu hồi có hiệu quả, cần nghiên cứu bổ sung quy định cho phép đoàn thanh tra hoặc thanh viên viên thực hiện việc xác minh, kê biênđối với tài sản của đối tượng thanh tra cần thu hồi. Các quy định này nếu được bổ sung cũng sẽ góp phần tăng tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của đoàn thanh tra, thanh tra viên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

​Tuy nhiên, do các biện pháp ngăn chặn hoặc các biện pháp nhằm bảo đảm cho việc thu hồi tài sản như đã nêu trên đều là những biện pháp nhằm đặt tài sản của đối tượng bị thanh tra trong tình trạng bị hạn chế quyền sử dụng, định đoạt... nên để bảo đảm chặt chẽ, tránh lạm dụng thì cùng với việc mở rộng thẩm quyền cũng cần quy định trình tự thủ tục thực hiện chặt chẽ và có cơ chế tăng cường giám sát của các cơ quan có liên quan.

​Ba là, một trong những nhiệm vụ mà các cơ quan thanh tra nhà nước các cấp được pháp luật về phòng, chống tham nhũng giao là kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Do đó, để khắc phục vướng mắc trong trường hợp phát hiện tiền, tài sản không thuộc phạm vi thanh tra nhưng có liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật hoặc có căn cứ cho rằng tiền, tài sản đó là kết quả của hành vi tẩu tán, chuyển dịch của đối tượng thanh tra là người có chức vụ, quyền hạn, thì dự thảo Luật Thanh tra cũng cần bổ sung quy định trưởng đoàn thanh tra hoặc thanh tra viên có quyền yêu cầu cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập cung cấp thông tin có liên quan để trên cơ sở đó áp dụng các biện pháp phù hợp hoặc kiến nghị xử lý theo quy định.

​Để tăng cường hiệu quả công tác thu hồi tài sản, cùng với việc hoàn thiện quy định của pháp luật về thanh tra như đã nêu trên, đại biểu cho rằng về lâu dài cũng cần nghiên cứu bổ sung các quy định trong pháp luật phòng chống tham nhũng về trách nhiệm giải trình đối với tài sản của người thân trong gia đình hoặc người có liên quan khi có cơ sở nghi ngờ những người này giúp đối tượng thanh tra tẩu tán, che giấu tài sản có được từ hành vi vi phạm pháp luật. Với tài sản tăng thêm mà họ không giải trình được hợp lý thì cơ quan chức năng được quyền khởi kiện vụ án dân sự tại toà án có thẩm quyền để có phán quyết về nguồn gốc của phần tài sản, thu nhập đó theo trình tự khởi kiện vụ án dân sự. Cách tiếp cận này cũng tương tự như cách tiếp cận trong pháp luật của một số nước về cơ chế thu hồi tài sản không qua thủ tục kết tội mà các cơ quan có liên quan của Việt Nam đang nghiên cứu, tham khảo./.

Lê Anh