VIỆN TRƯỞNG VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO LÊ MINH TRÍ: ĐỂ NHỮNG QUYẾT SÁCH ĐÚNG ĐẮN NHANH CHÓNG ĐI VÀO CUỘC SỐNG

02/06/2022

Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, tổng kết việc thực hiện thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí đã kiến nghị những giải pháp để những quyết sách đúng đắn hỗ trợ người dân và doanh nghiệp để nhanh chóng đi vào cuộc sống, đồng thời, tháo gỡ nhanh những vướng mắc, bất cập phát sinh hiện nay.

 

Phát biểu tại hội trường, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí – Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh bày tỏ cảm xúc vừa mừng, vừa lo, phấn khởi vì hiện nay nước ta đã cơ bản kiểm soát được COVID-19. Song cũng rất lo lắng vì hậu quả của COVID là rất lớn cộng với những biến động phức tạp mới của thế giới, nhất là cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine. Kinh tế thế giới đầy khó khăn và thách thức, có nguy cơ lạm phát cao. Kinh tế Việt Nam sẽ không thể đứng ngoài cuộc. Lúc này đòi hỏi chúng ta phải chung sức, đồng lòng để vượt qua khó khăn, thử thách này.

Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí đánh giá cao quyết tâm của Đảng, Quốc hội và Chính phủ trong việc thực hiện Kết luận 24 Bộ Chính trị. Từ đó, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 43, Chính phủ có Nghị quyết 11 về chính sách hỗ trợ chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, Nghị định 15 của Chính phủ về chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết 43 của Quốc hội.

Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh

Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cũng cho biết, hiện nay người dân và doanh nghiệp rất khó khăn, giá cả tăng cao nhưng lương người lao động không tăng, thậm chí giảm, cá biệt có tăng thì không đáng kể. Doanh nghiệp phải chịu chi phí đầu vào cao để phục hồi sản xuất kinh doanh nên việc không tăng thuế mà giảm, miễn thuế là một quyết sách đúng, kịp thời, để góp phần kiềm chế giá cả, lạm phát cũng như hỗ trợ trực tiếp cho người dân và doanh nghiệp.

Để các chính sách phát huy hiệu quả trên thực tế, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kiến nghị:

Thứ nhất là Quốc hội và Chính phủ cần nghiên cứu, đánh giá bổ sung việc miễn, giảm thuế sâu hơn, dài hơn, không chỉ 2% và 1 năm 2022 mà có thể 2 năm hoặc dài hơn tùy lĩnh vực, đối tượng. Cần chọn những khâu, lĩnh vực, đối tượng bị tác động nặng nề nhất để hỗ trợ và khâu, lĩnh vực, đối tượng có vai trò quan trọng trong nền kinh tế có khả năng phục hồi nhanh để thúc đẩy, dẫn dắt chung nền kinh tế vực dậy nhanh hơn. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhấn mạnh, không hỗ trợ cào bằng mà có chọn lọc, ưu tiên để đảm bảo hợp lý khu vực, đối tượng nào bị ảnh hưởng nặng nề nhất và hiệu quả đối với khu vực, đối tượng có khả năng phục hồi nhanh và có vai trò quan trọng của nền kinh tế. Hằng năm có đánh giá điều chỉnh phù hợp.

Thứ hai, để những quyết sách đúng đắn này nhanh chóng đi vào cuộc sống, giúp doanh nghiệp và người dân tiếp cận được những quyết sách này. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kiến nghị Chính phủ có phương án, kế hoạch phân công triển khai đồng bộ từ các bộ, ngành có liên quan đến Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố cần có tiến độ cụ thể, có đánh giá hàng tháng, quý. Quốc hội cần có biện pháp giám sát kết quả thực hiện, đảm bảo không để triển khai chậm sẽ hạn chế đến hiệu quả, sẽ không đạt được kết quả chúng ta mong muốn.

Đại biểu lưu ý, đã có ý tưởng tốt, ý tưởng đúng, nhưng yếu và hạn chế vẫn là tổ chức triển khai thực hiện. Khối lượng công việc của Nghị quyết 43 của Quốc hội rất lớn và trong một thời hạn thực hiện cũng không dài nên cần phải khẩn trương và phải có tiến độ cụ thể.

Thứ ba, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét, ban hành Nghị quyết chống trốn thuế, chống chuyển giá. Đồng thời có chủ trương chỉ đạo tăng cường cuộc đấu tranh chống hàng gian, hàng giả, buôn lậu. Đây là vấn đề không mới, cần làm, đã làm nhưng làm chưa tốt, chưa hiệu quả. Trong lúc khó khăn này cần phải có chủ trương làm mạnh mẽ, quyết liệt hơn để chống thất thu ngân sách và cũng chính là tạo ra nguồn thu lớn cho ngân sách. Mặt khác, làm tốt việc này sẽ thiết lập được trật tự và công bằng trong môi trường đầu tư kinh doanh hiện nay.

Phải bảo vệ tốt hơn người dân, doanh nghiệp làm ăn chân chính, sẽ tạo được niềm tin, động lực cho sự phát triển nhanh và bền vững của nền kinh tế; phải bảo vệ sự công bằng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài; càng khó khăn, càng phải công bằng mới huy động được nguồn lực xã hội, mới có động lực để phát triển, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao nêu rõ.

Thứ tư, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo rà soát, tháo gỡ nhanh những vướng mắc, bất cập phát sinh hiện nay.

Theo Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, thời gian vừa qua chúng ta đã tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, trong hệ thống chính trị và đã xử lý nghiêm những người cố tình làm sai, gây hậu quả thiệt hại cho lợi ích nhà nước, cho lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân. Nhưng cũng cần phải kịp thời ban hành bổ sung những quy định pháp luật, cụ thể là nghị quyết, nghị định hay thông tư trong từng lĩnh vực vừa đảm bảo bịt những lỗ hổng trong quản lý, vừa tạo điều kiện cho sự phát triển, sự phục vụ tốt hơn cho nhân dân. Cần bổ sung tạo hành lang pháp lý để đảm bảo cho người thực hiện nhiệm vụ được an tâm.

Vừa qua, một số vụ án có liên quan đến ngành y tế nên việc tổ chức đấu thầu, đấu giá, mua sắm thuốc men, sinh phẩm và trang thiết bị y tế đang bị đình trệ. Việc thực hiện hợp tác kinh doanh, đầu tư các trang thiết bị y tế thế hệ mới từ nguồn lực của xã hội cũng dừng lại. Đây là chủ trương đúng nhưng cách làm có sơ hở, có sai. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng, sai thì sửa nhưng cần phải tiếp tục làm, nếu chúng ta để kéo dài sẽ ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ Nhân dân trong khám, chữa bệnh. Bác sĩ của nước ta hiện nay có tay nghề không kém gì các nước. Nhưng nếu không có trang thiết bị máy móc tiên tiến phù hợp để trang bị thì sẽ tụt hậu so với khu vực và thế giới. Người dân ta lại phải chi phí cao hơn và mất thời gian đi khám, chữa bệnh ở nước ngoài và Nhà nước mất đi một nguồn thu từ dịch vụ mà chúng ta có thể là thế mạnh. Còn nếu chờ ngân sách đầu tư thì chắc chậm. Do đó, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kiến nghị là Quốc hội và Chính phủ nên chỉ đạo các cơ quan có liên quan, các ngành ban hành nhanh nghị quyết, nghị định hoặc thông tư hướng dẫn để tháo gỡ ngay những vấn đề bất ổn trong lĩnh vực này.

Đồng thời, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kiến nghị với Quốc hội nên xem xét, rà soát lại một số các điều khoản trong Luật Hình sự 2015 sửa đổi 2017.

Đại biểu chỉ rõ, Điều 219 quy định tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, khoản 1 quy định “Người nào được giao quản lý, sử dụng tài sản nhà nước mà vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản gây thất thoát, lãng phí từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm”. Đại biểu cho rằng Điều 219 này quy định rất nghiêm khắc, tạo ra một áp lực và có thể tạo ra rủi ro cao trong thực hiện nhiệm vụ của cán bộ trong quản lý tài sản nhà nước hiện nay. Nếu so với Điều 165 của Luật Hình sự cũ thì trước đây quy định chỉ có cố ý làm trái và thiệt hại từ 100 triệu trở lên chúng ta mới xử lý hình sự, nhưng Điều 219 này chỉ cần vô ý hoặc là do bên dưới đề xuất mà kiểm soát không được dẫn tới thiệt hại từ 100 triệu cho tới dưới 300 triệu thì có thể bị tù từ 1-5 năm. Chế tài này rất nghiêm khắc. Theo Viện trưởng Lê Minh Trí, có thể mở ra là sau khi phát hiện ra sai phạm, thất thoát đó nếu khắc phục thì có hình sự hay không, hai là mức thiệt hại có thể trên 100 triệu, bởi vì với quy mô quản lý tài sản hiện nay 100 triệu mà đã phải ở tù rồi là rất nặng. Mặt khác, vừa qua Bộ Chính trị và Đảng đã có Kết luận số 14 liên quan đến chuyện bảo vệ những người năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, vì công việc chung hiệu quả. Chỗ này nếu một bên đang có hướng mở ra để bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và một điều khoản luật hiện đang có hiệu lực thi hành nhưng nghiêm khắc như trên thì cần phải rà soát, nghiên cứu để vừa chặt chẽ trong quản lý, vừa răn đe giáo dục, không để cho người xấu lợi dụng nhưng cũng tạo điều kiện an tâm cho cán bộ trong thực hiện nhiệm vụ./.

Bảo Yến