ĐBQH TRIỆU THỊ NGỌC DIỄM: TĂNG CƯỜNG BẢO VỆ, HỖ TRỢ NẠN NHÂN BỊ BẠO LỰC GIA ĐÌNH

02/06/2022

Tại phiên thảo luận Tổ về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), đại biểu Triệu Thị Ngọc Diễm, Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng đề nghị dự thảo cần bổ sung thêm hành vi bạo lực gia đình. Đồng thời, cần thiết kế để phát huy được vai trò xã hội hóa trong việc phòng, chống bạo lực gia đình.

 

 Đại biểu Triệu Thị Ngọc Diễm, Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng 

Theo Tờ trình dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), sau gần 15 năm thực hiện, Luật đã tạo chuyển biến tích cực về nhận thức trong phòng, chống bạo lực gia đình, góp phần bảo vệ người bị bạo lực gia đình, xử lý các hành vi bạo lực, vi phạm pháp luật trong phòng, chống bạo lực gia đình, nâng cao bình đẳng giới trong gia đình.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, bạo lực gia đình vẫn còn là một vấn đề nhức nhối, nan giải ở Việt Nam. Nhiều vụ việc xuất hiện những hành vi bạo lực gia đình có mức độ gây hại nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, tinh vi, khó lường và khó xử lý bằng các quy định pháp luật hiện hành.

Dữ liệu thống kê, nghiên cứu về bạo lực gia đình do các cơ quan, tổ chức thực hiện cho thấy những bức tranh hết sức phức tạp, thậm chí còn mâu thuẫn với nhau.

”Vấn nạn bạo lực gia đình có xu hướng trầm trọng hơn, đa dạng hơn, phức tạp hơn đã và đang để lại những hậu quả thương tâm, đau xót cho nhiều gia đình, tạo ra những thiệt hại to lớn cho toàn xã hội. Nếu không được giải quyết kịp thời, bạo lực gia đình sẽ đe doạ đến sự phát triển bền vững của gia đình, làm xói mòn các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc, làm suy yếu động lực phát triển và là rào cản đối với tiến trình phát triển bền vững của đất nước”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết.

Một trong những nguyên nhân cơ bản của tình trạng nêu trên là do các quy định, chính sách trong Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành còn tồn tại nhiều bất cập, không phù hợp với thực tiễn phát triển của xã hội Việt Nam giai đoạn hiện nay.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, quá trình thi hành Luật cũng xuất hiện nhiều hạn chế, đặc biệt là vấn đề trách nhiệm và công tác phối hợp liên ngành trong phòng, chống bạo lực gia đình. Điều này một phần xuất phát từ công tác tổ chức, triển khai thực hiện của các địa phương, song cũng do Luật hiện hành còn thiếu các nội dung, chính sách, quy định phù hợp. Bên cạnh đó, nhiều chủ trương, chính sách quan trọng của Đảng và Nhà nước được ban hành trong thời gian qua cũng cần phải được cụ thể hóa trong Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.

Vì vậy, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định mới. Cụ thể như bổ sung những hành vi bạo lực mới như: Bỏ mặc không quan tâm, chăm sóc thành viên gia đình là người cao tuổi, phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ, trẻ em, người khuyết tật, người bị bệnh không có khả năng tự chăm sóc; ngăn cản thành viên gia đình tham gia các hoạt động xã hội hợp pháp; phát tán hình ảnh, thông tin, tài liệu riêng tư của thành viên gia đình khi chưa được sự đồng ý của người đó; phân biệt giới tính, định kiến giới...

Qua nghiên cứu dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), đại biểu Triệu Thị Ngọc Diễm đánh giá cao sự cần thiết ban hành cũng đồng tình với nhiều nội dung cơ bản của dự luật. Theo đại biểu, những nội dung được trình bày tương đối đầy đủ, bao quát và cần thiết trong thực tiễn. Tuy nhiên, để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu cho rằng, tại khoản e Điều 4, dự thảo luật có nêu phân biệt giới tính thành viên gia đình khi phân chia tài sản thừa kế, như vậy việc phân biệt giới tính không chỉ dừng lại trong trường hợp là phân chia tài sản thừa kế mà còn trong các trường hợp khác, như ứng xử hằng ngày hay giao tiếp trong công việc. Do đó, đại biểu đề xuất Ban soạn thảo nên nghiên cứu bổ sung thêm nội dung này vào dự thảo luật.

Ngoài ra, đại biểu cũng cho rằng tại nhiều quy định trong dự thảo luật chỉ đề cập đến trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố trong trách nhiệm liên quan hành vi bạo lực gia đình, đề nghị cần bổ sung thêm cụm từ trưởng ban nhân dân ấp, khóm để đầy đủ, bao quát.

Liên quan đến khái niệm, địa chỉ tin cậy ở cộng đồng dân cư, theo đại biểu cần xem lại và có quy định rõ hơn việc đề cập tới cá nhân, tổ chức có đủ năng lực, uy tín, tự nguyện lập ra để giúp đỡ người bị bạo lực gia đình, chỗ tạm lánh trong trường hợp khẩn cấp trong thực tế là một điều rất khó khả thi. Theo đó, việc triển khai thực hiện và kết nối với các giải pháp khác để tiếp nhận, xử lý và giải quyết vụ việc bạo lực gia đình được tiến hành ra sao trong khi lực lượng xử lý là chính quyền địa phương của cấp xã, thậm chí còn triển khai công tác bảo vệ người bị bạo lực. Quá trình đó, nếu như xảy ra sự việc đáng tiếc, ảnh hưởng tới uy tín, danh dự, thậm chí có tình huống sâu sát, dùng vũ lực để đe dọa tính mạng của cá nhân, tổ chức trong địa chỉ tin cậy hoặc cá nhân, tổ chức lập ra địa chỉ tin cậy đó thì còn liên quan tới các vấn đề về dân sự, hình sự khác thì phải xử lý ra sao? Trong khi đó, dự thảo luật không thể hình dung hết được, do vậy, khó có cá nhân, tổ chức nào mạnh dạn để tự nguyện đứng ra đảm nhận việc làm địa chỉ tin cậy.

 Do vậy, đại biểu đề xuất giao cho tổ chức chuyên nghiệp. Khi có sự việc xảy ra sẽ khởi động hệ thống, đảm bảo đủ điều kiện để người bị bạo lực được an tâm, tạm lánh, ổn định về mặt tinh thần.

Đại biểu Triệu Thị Ngọc Diễm còn đề xuất cơ quan soạn thảo cần tiếp tục quy định về các hành vi bạo lực gia đình theo hướng cụ thể sẽ góp phần bảo đảm tính minh bạch, khắc phục tình trạng luật khung và thuận tiện trong hướng dẫn thi hành Luật. Theo đó, cần  rà soát, bổ sung để các hành vi bạo lực gia đình phản ánh được thực tiễn cuộc sống và tránh bỏ sót hành vi, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi bạo lực gia đình được đánh giá là diễn biến nghiêm trọng với nhiều hình thức tinh vi, phức tạp..../.

Lê Anh