ĐBQH PHẠM THỊ KIỀU: CẦN CÓ GIẢI PHÁP TOÀN DIỆN, LÂU DÀI ĐỂ TÌNH TRẠNG GIẢM NGHÈO CÓ TÍNH BỀN VỮNG

02/06/2022

Thảo luận tại hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, đại biểu Phạm Thị Kiều - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông đề nghị cần có giải pháp toàn diện, lâu dài và một số giải pháp đó là: Chính phủ cần chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội, gắn chặt chẽ với 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.

Qua nghiên cứu Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 trình Quốc hội, đại biểu Phạm Thị Kiều - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông thống nhất và tán thành cao với nhiều nội dung trong báo cáo trình bày tại kỳ họp này.

Nhấn mạnh trong thời gian qua cùng với sự phát triển toàn diện của đất nước, Đảng, Nhà nước quan tâm chú trọng nên công tác giảm nghèo, đặc biệt là ở khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng cao đạt được nhiều thành công, đại biểu Phạm Thị Kiều nêu rõ, công tác giảm nghèo đã có những bước tiến mới quan trọng, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm đạt chỉ tiêu đề ra. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, giảm nghèo thiếu tính bền vững và khả năng tái nghèo cao, vẫn còn tình trạng nghèo, đói nghèo, tái nghèo. Bên cạnh đó, do tác động của đại dịch Covid-19, một bộ phận không nhỏ người dân sẽ bị tái nghèo cao.

Vì vậy, đây là vấn đề cần phải đặc biệt quan tâm, đại biểu Phạm Thị Kiều đề nghị cần có giải pháp toàn diện, lâu dài. Đó là Chính phủ cần chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội, gắn chặt chẽ với 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, báo cáo tổng thể công tác triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025.

Đại biểu Phạm Thị Kiều - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông

Với nền kinh tế có độ mở cao như nước ta nên trước tình hình, cách thức phòng, chống dịch COVID-19 của các quốc gia trong và ngoài khu vực, đặc biệt là tình hình kinh tế - chính trị trên thế giới diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng toàn cầu, vì vậy, hiện giá nhiều mặt hàng tăng cao, đặc biệt là giá các mặt hàng như vật liệu xây dựng, vật tư đầu vào của ngành nông nghiệp, xăng dầu và nhiều mặt hàng thiết yếu khác. Đại biểu Phạm Thị Kiều cho rằng, đây là các yếu tố gây bất lợi cho kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của người dân, nhất là người nghèo, người thu nhập thấp và đây cũng là trở ngại lớn cho việc thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai nhanh, khẩn trương và hiệu quả Nghị quyết số 43 và Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm của năm 2022-2023.

Bên cạnh đó, quan tâm đến vấn đề tự chủ và đảm bảo an ninh năng lượng cho quốc gia trước mắt cũng như lâu dài, đại biểu Phạm Thị Kiều đề nghị cần đặc biệt quan tâm hơn nữa những tiềm năng, lợi thế của Việt Nam nói chung và của Đắk Nông nói riêng để phát triển năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng điện gió để thay thế các nguồn năng lượng truyền thống phát thải nhiều carbon. Trong thời gian gần đây có thể nói nguồn năng lượng mới này đã và đang được phát triển mạnh ở nhiều nơi. Tuy nhiên, đại biểu nhận thấy,s do các cơ chế, chính sách, pháp luật còn có những bất cập, chưa theo kịp với thực tế, chưa phù hợp với các vùng miền khác nhau, nhất là các vấn đề liên quan đến đất đai, đền bù, giải phóng mặt bằng nên ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển chung, thậm chí gây điểm nóng về an ninh, trật tự do kiến nghị đông người, xung đột giữa người dân và doanh nghiệp.

Vì vậy, đại biểu Phạm Thị Kiều đề nghị Quốc hội, Chính phủ nhanh chóng hoàn thiện các cơ chế, chính sách, pháp luật cho vấn đề này. Bên cạnh đó, hiện nay phần lớn các máy móc, trang thiết bị, vật tư, công nghệ và cả chuyên gia trong lĩnh vực này nước ta đều phải nhập khẩu, thuê từ nước ngoài, chủ yếu từ Trung Quốc. Do đó, đại biểu kiến nghị cần định hướng chiến lược dành nguồn lực đầu tư hợp lý để phát triển các ngành công nghiệp, đặc biệt quan tâm đào tạo nguồn nhân lực để từng bước giảm phụ thuộc, tiến tới sự tự chủ trong lĩnh vực này.

Về đầu tư công, đại biểu cho biết, đầu tư công có ý nghĩa hết sức quan trọng trong quá trình phát triển của mỗi quốc gia. Sự tăng trưởng nhanh và bền vững của nền kinh tế đòi hỏi phải huy động tối đa mọi nguồn lực, trong đó đầu tư công được xem là một nguồn lực quan trọng và cần thiết, làm đòn bẩy thu hút các nguồn lực đầu tư khác, nhất là trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch hiện nay.

Bích Ngọc