ĐBQH ÂU THỊ MAI: ĐỀ NGHỊ CHÍNH PHỦ ĐÁNH GIÁ RÕ NHỮNG KHÓ KHĂN, NGUYÊN NHÂN DẪN ĐẾN VIỆC CHẬM TRỄ CỦA DỰ ÁN

06/06/2022

Phát biểu tại Phiên thảo luận chiều 06/6/2022 về điều chỉnh một số nội dung và giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 38/2004/QH11 của Quốc hội và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo, đại biểu Âu Thị Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang đề nghị Chính phủ đánh giá rõ những khó khăn vướng mắc, nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến việc chậm trễ của dự án


Đại biểu Âu Thị Mai, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Văn Hóa, Thể thao và Du lịch, đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Tuyên Quang

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Chiều 06/6, đồng chí Âu Thị Mai, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Văn Hóa, Thể thao và Du lịch, đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Tuyên Quang đã phát biểu thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 về điều chỉnh một số nội dung và giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 38/2004/QH11 của Quốc hội và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo.

Theo đại biểu, Dự án đường Hồ Chí Minh được triển khai thực hiện đã phát huy được hiệu quả của tuyến đường. Cùng với đó, nhiều quy hoạch liên quan được lập, phê duyệt và triển khai thực hiện đã tạo điều kiện cho các địa phương khai thác tiềm năng, lợi thế, hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội dọc tuyến, tạo không gian phân bố, sắp xếp lại hệ thông đô thị, công nghiệp, du lịch, dịch vụ, thương mại, chuyển dịch cơ cấu kinh tế…tuyến đường Hồ Chí Minh đã kết nối giao thông, giảm tải cho tuyến Quốc lộ 1, đồng thời mở ra không gian phát triển kinh tế xã hội cho nhiều vùng khó khăn ở phía Tây nước ta.

Đến nay Dự án chỉ còn một phần nhỏ chưa hoàn thành nhưng lại nằm ở khu vực đặc biệt khó khăn, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Theo Nghị quyết của Quốc hội, đến năm 2020 hoàn thành nối thông toàn tuyến đường Hồ Chí Minh (điểm đầu tại Pác Bó,Cao Bằng; điểm cuối tại Đất mũi, Cà Mau) quy mô tối thiểu 2 làn xe với chiều dài khoảng 2.744 km, nhưng đến năm 2021 mới hoàn thành 86,1%.

Hiện nay còn 3 dự án thành phần với 171 km chưa hoàn thành, đó là Đoạn Chợ Chu-Ngã ba Trung Sơn và đoạn Rạch Sỏi- Bến Nhất, Gò Quao-Vĩnh Thuận

Tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn từ Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn qua địa phận tỉnh Tuyên Quang dài khoảng 28,5 Km đến nay chưa triển khai xây dựng, trong đó đáng quan tâm hơn trong đoạn tuyến này còn 16,6 km là đường đất, không có đường song hành, nền đường nhỏ hẹp, độ dốc lớn, vào mùa mưa giao thông bị chia cắt, gây ách tắc, nhân dân đi lại hết sức khó khăn. Đặc biệt, trên đoạn tuyến đi qua địa bàn xã Hùng Lợi, huyện Yên Sơn, hiện có gần 700 hộ gia đình với gần 3.500 nhân khẩu là đồng bào dân tộc thiểu số, đồng thời đoạn tuyến này còn kết nối với Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Tân Trào, Tuyên Quang nơi mà Bác Hồ, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và 13/14 bộ, ngành, 65 cơ quan Trung ương đã ở, làm việc lãnh đạo toàn quốc kháng chiến...

Đại biểu Âu Thị Mai đề nghị Chính phủ đánh giá rõ những khó khăn vướng mắc, nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến việc chậm trễ nêu trên.

Bày tỏ đồng tình cao với 04 nhóm giải pháp của Chính phủ đã đề ra, đại biểu Âu Thị Mai đề nghị Chính phủ xác định rõ mục tiêu, cân đối nguồn lực, bố trí nguồn vốn thích hợp và quyết tâm chỉ đạo hoàn thành các dự án thành phần còn lại trong giai đoạn 2021-2025 , trong đó bố trí đủ và kịp thời nguồn vốn để hoàn thành hai dự án đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn và Rạch Sỏi – Bến Nhất, Gò Quao – Vĩnh Thuận; chủ động, tích cực và tập trung triển khai thực hiện Dự án theo đúng tiến độ và yêu cầu của Quốc hội, bàn giao kịp thời cho các địa phương và tổ chức khai thác, sử dụng hiệu quả công trình./.

Nguyễn Hạnh