ĐBQH ĐẶNG THỊ BẢO TRINH: XÂY DỰNG CÁC LÀNG THANH NIÊN LẬP NGHIỆP DỌC TUYẾN ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH

08/06/2022

Tham gia thảo luận về tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo, đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh- Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam đề nghị bố trí, sắp xếp dân cư, tiếp tục chủ trương xây dựng các làng thanh niên lập nghiệp dọc trên các tuyến đường Hồ Chí Minh nhằm huy động thanh niên nằm trong vùng bị ảnh hưởng của dự án vào công cuộc khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo.

Toàn cảnh phiên họp

Nghị quyết số 66/2013/QH13 của Quốc hội đặt mục tiêu đến năm 2020 hoàn thành nối thông tuyến đường Hồ Chí Minh từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) quy mô tối thiểu 2 làn xe với chiều dài khoảng 2.744 km. Đến nay, dự án đã hoàn thành 2.362 km/2.744 km đạt 86,1% và khoảng 258 km tuyến nhánh; đang triển khai 211 km; còn lại khoảng 171 km chưa bố trí được vốn để triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, công tác quyết toán được thực hiện tuân thủ theo các quy định của pháp luật, hướng dẫn của Bộ Tài chính, cơ bản đáp ứng tiến độ yêu cầu, cụ thể: Đoạn từ Hòa Lạc (Hà Nội) đến Tân Cảnh (Kon Tum) dài 1.350 km (giai đoạn 1) đã phê duyệt quyết toán năm 2016. Công tác quyết toán giai đoạn này kéo dài do đặc thù dự án quy mô lớn, trải dài và triển khai xây dựng vào nhiều thời điểm khác nhau nên việc quyết toán thực hiện theo nhiều đợt khác nhau. Đối với các dự án thành phần còn lại, công tác quyết toán được thực hiện ngay sau khi hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng. Đến nay, đã phê duyệt quyết toán toàn bộ 35 dự án thành phần đã đưa vào khai thác (dài 859 km) bảo đảm tiến độ theo quy định; còn 05 dự án thành phần (dài 153 km) đang hoàn thiện thủ tục để quyết toán.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai dự án đường Hồ Chí Minh vẫn còn tồn tại một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, về khả năng cân đối nguồn lực, do chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/02/2011 về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội nên nhiều dự án phải dừng giãn tiến độ trong đó có các dự án thành phần thuộc đường Hồ Chí Minh. Do đó, giai đoạn từ năm 2011 đến hết năm 2015 mặc dù đã được phê duyệt dự án đầu tư nhưng có rất ít các dự án giao thông nói chung và các dự án thành phần đường Hồ Chí Minh nói riêng được triển khai đầu tư. Trong bối cảnh quy mô nền kinh tế chưa đủ lớn, khả năng nguồn lực có hạn nên đến hết năm 2020 chưa cân đối bố trí đủ nguồn vốn để nối thông toàn tuyến như mục tiêu của Nghị quyết số 66/2013/QH13.

Tham gia thảo luận về tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo, đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh- Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam bày tỏ đồng tình với Báo cáo của Chính phủ, thống nhất cao với việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo của 211 km đang thực hiện đầu tư và 171 km còn lại, nhằm kết nối và hoàn thiện tuyến đường huyền thoại. Theo đại biểu, việc tiếp tục triển khai sẽ không những tạo điều kiện thuận lợi về giao thông, góp phần quan trọng trong lưu thông hàng hóa của các địa phương miền núi, biên giới nước ta, còn có ý nghĩa chính trị, lịch sử sâu sắc.

Đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh- Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam phát biểu

Theo đại biểu, dự án đường Hồ Chí Minh là dự án quan trọng quốc gia được Quốc hội khóa XIII thông qua. Đây là tuyến đường có ý nghĩa hết sức quan trọng, gắn liền với lịch sử xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là đã góp phần quan trọng làm nên thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Dự án đã từng bước phát huy hiệu quả hình thành các chuỗi đô thị, nhất là giải quyết nhu cầu lưu thông tại các địa bàn miền núi, biên giới, nơi tuyến đường đi qua, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, góp phần xóa đói giảm nghèo của người dân. Do đó, việc đầu tư xây dựng dự án là hết sức cần thiết và giai đoạn đầu đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Góp ý một số nội dung của kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo, đại biểu đánh giá cao việc Chính phủ đã chỉ đạo rà soát, điều chỉnh, bổ sung và xem xét việc tích hợp quy hoạch đường Hồ Chí Minh với các quy hoạch khác có liên quan. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Bộ Giao thông vận tải phải phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương nơi tuyến đường đi qua. Hơn nữa, để tích hợp dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh đồng bộ với quy hoạch đô thị, bố trí và sắp xếp, tái định cư cho người dân, đảm bảo tính khả thi của dự án cùng với địa phương xây dựng tuyến đường này, cần bố trí, sắp xếp dân cư và tiếp tục chủ trương xây dựng các làng thanh niên lập nghiệp dọc trên các tuyến đường Hồ Chí Minh nhằm huy động thanh niên nằm trong vùng bị ảnh hưởng của dự án vào công cuộc khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo. Đây cũng là điều kiện để giáo dục, tạo điều kiện để thanh niên rèn luyện, cống hiến trong giai đoạn hiện nay.

Bên cạnh đó, về giải phóng mặt bằng, di dân, đại biểu nêu rõ, đại bộ phận người dân bị ảnh hưởng trên tuyến đường này có cuộc sống rất khó khăn, chủ yếu dựa vào đất rừng để sản xuất, sinh hoạt, phục vụ đời sống. Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ cần có báo cáo đánh giá cụ thể hơn về tác động của dự án đến việc di dân, tái định cư, công tác an sinh xã hội, phương án phục hồi kinh tế của người dân, nhất là làm rõ vai trò phối hợp của bộ, ngành chủ quản với các chính quyền địa phương trong thực hiện các nội dung này.

Về công tác bảo đảm hành lang an toàn giao thông, đại biểu đề nghị trong dự án phải lập dự toán nguồn kinh phí đền bù, giải phóng mặt bằng phạm vi hành lang toàn tuyến. Đồng thời, cắm cột mốc, lộ giới và quản lý hành lang toàn tuyến đường Hồ Chí Minh. Đại biểu nhấn mạnh đây là việc phải thực hiện ngay ban đầu, nhằm tránh tình trạng người dân lấn chiếm, xây dựng, sản xuất, làm ảnh hưởng đến an toàn giao thông và chất lượng công trình, như tuyến đường Hồ Chí Minh đã xây dựng hiện nay không thể giải quyết được vì chưa thỏa thuận đền bù cho người dân.

Ngoài ra, đối với nguồn vốn thực hiện dự án, dự án đường Hồ Chí Minh là dự án quan trọng quốc gia, được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, cho đến năm 2022 đã quá thời hạn quy định gần 2 năm, mặc dù có nhiều nguyên nhân nhưng không thể phủ nhận có nguyên nhân chủ quan về việc bố trí nguồn vốn. Đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ ưu tiên bố trí nguồn để đầu tư hoàn thành toàn bộ 3 dự án thành phần còn lại trong kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025 để đảm bảo tiến độ và hiệu lực của nghị quyết, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Hồ Hương