ĐBQH TRẦN VĂN TUẤN: SỬA ĐỔI LUẬT ĐỂ THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG DỊCH VỤ KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH

10/06/2022

Theo chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XV, ngày 13/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Trả lời phỏng vấn trước phiên thảo luận, đại biểu Trần Văn Tuấn, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang cho rằng, các quy định trong dự thảo luật chưa cụ thể hóa đầy đủ chủ trương về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, trong đó có thị trường dịch vụ y tế nói chung và dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh nói riêng.

Nhấn mạnh sự cần thiết sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý, thúc đẩy thị trường dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh phát triển, tuy nhiên theo đại biểu Trần Văn Tuấn dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh chưa cụ thể hóa đầy đủ chủ trương về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, trong đó có thị trường dịch vụ y tế nói chung và dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh nói riêng (theo tinh thần Nghị quyết TW 5 khóa XII). Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban Soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp yêu cầu thực tiễn.

Đại biểu Trần Văn Tuấn, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang.

Về nguyên tắc hành nghề khám bệnh, chữa bệnh quy định tại Điều 3, dự thảo luật quy định nguyên tắc “Bình đẳng, công bằng giữa những người hành nghề, giữa những cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân”. Đại biểu Trần Văn Tuấn cho rằng, quy định như vậy chưa bao quát hết các đối tượng là tổ chức và cá nhân nước ngoài; đề nghị bổ sung, làm rõ thêm nguyên tắc “Bình đẳng giữa những người hành nghề là người Việt Nam với người hành nghề là người nước ngoài; giữa những cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Việt Nam và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do tổ chức, cá nhân là người nước ngoài đầu tư”.

Bên cạnh đó, dự thảo luật quy định Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong phát triển hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Trong đó, Nhà nước ưu tiên bố trí ngân sách, đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực cho các hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; có chính sách ưu đãi đối với người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; khuyến khích việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học trong khám bệnh, chữa bệnh… Theo đại biểu Trần Văn Tuấn, quy định như vậy chưa thể chế hoá đầy đủ vai trò của Nhà nước và vai trò của thị trường trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. Bởi việc gì thị trường làm được thì để thị trường làm, giảm tải việc đầu tư từ ngân sách nhà nước. Nhà nước chỉ đầu tư ở những nơi, những lĩnh vực khó phát huy vai trò của thị trường, nhằm bảo đảm quyền cơ bản của Nhân dân trong khám bệnh, chữa bệnh.

Đồng thời, ban soạn thảo cũng cần tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, để thể hiện đầy đủ, rõ ràng hơn trong Điều 4 về một số chính sách của Nhà nước, như: khuyến khích, tạo điều kiện, thúc đẩy thị trường dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh phát triển; tạo sự cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Đại biểu cũng đề nghị Nhà nước có các chính sách tạo điều kiện, khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước đầu tư vào hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; chính sách thu hút, tạo điều kiện cho người nước ngoài đến Việt Nam khám bệnh, chữa bệnh…

Ngoài ra, đại biểu Trần Văn Tuấn cũng đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài hành nghề khám bệnh, chữa bệnh tại Việt Nam “phải biết thành thạo tiếng Việt” tại Điều 24; việc thừa nhận và thủ tục thừa nhận giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp quy định tại Điều 25 của dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)./.

Lan Hương

Các bài viết khác