ĐBQH TAO VĂN GIÓT: ĐỀ XUẤT 5 NỘI DUNG NHẰM NÂNG CAO HIỆU LỰC HIỆU QUẢ CÔNG TÁC THANH TRA TRONG DỰ THẢO LUẬT THANH TRA (SỬA ĐỔI)

13/06/2022

Phát biểu trong buổi thảo luận tại hội trường chiều ngày 13/6 về Luật Thanh tra (sửa đổi), đại biểu Tao Văn Giót – Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu đề xuất 05 nội dung liên quan đến nguyên tắc, giám sát, quy định… trong dự thảo Luật nhằm nâng cao hiệu lực hiệu quả công tác thanh tra

 

Đại biểu Tao Văn Giót – Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, chiều ngày 13/6, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về Luật Thanh tra (sửa đổi). Phát biểu tại buổi thảo luận về dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), sau khi nghiên cứu dự thảo Luật và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp Luật, đại biểu Tao Văn Giót – Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu đề xuất một số nội dung sau:

Thứ nhất, về việc thành lập thanh tra Tổng cục, Cục theo yêu cầu quản lý, trong những lĩnh vực mà pháp luật chuyên ngành có quy định hoặc theo quy định của Điều ước Quốc tế mà Việt Nam là thành viên (Điều 19); UBND tỉnh quyết định thành lập Thanh tra sở căn cứ vào quy định của luật chuyên ngành, yêu cầu quản lý trên từng lĩnh vực và biên chế được giao tại địa phương (Điều 27)

Đại biểu bày tỏ quan điểm thống nhất với việc tiếp tục thành lập thanh tra Tổng cục, Thanh tra cục, cũng như việc giao UBND tỉnh thành lập Thanh tra sở. Tuy nhiên, để đảm bảo chặt chẽ và thống nhất, chỉ thành lập khi thật sự cần thiết, đại biểu đề nghị bổ sung trong luật các tiêu chí, nguyên tắc thành lập thanh tra Tổng cục, thanh tra Cục và Thanh tra sở để thực hiện thống nhất, hiệu lực hiệu quả, đáp ứng yêu cầu tinh gọn bộ máy theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW.

Thứ hai, Quy định giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra (từ Điều 90 đến Điều 94). Theo đó, người ra quyết định thanh tra có trách nhiệm giao nhiệm vụ cho công chức hoặc thành lập Tổ giám sát thực hiện giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra.

Toàn cảnh buổi thảo luận tại hội trường 

Theo đại biểu, giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra là cần thiết nhưng, quy định giám sát của hoạt động thanh tra đối với thanh tra sở, thanh tra cấp huyện không hiệu quả và hình thức vì: Cơ quan thanh tra sở, thanh tra huyện có biên chế từ 3 – 5 người, khi tổ chức thanh tra thường do Chánh thanh tra làm trưởng đoàn, thành viên còn lại tham gia thành viên đoàn thanh tra, vậy sẽ phân công ai để giám sát hoạt động thanh tra? “Nếu có phân công công chức giám sát cũng không khách quan và không thực chất, cần cân nhắc lại quy định trên” – đại biểu bày tỏ.

Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét, quy định theo hướng mở, đối với thanh tra sở, thanh tra cấp huyện tùy tình hình thực tế để tổ chức giám sát hoạt động thanh tra.

Thứ ba, theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015, cơ quan thanh tra, hoạt động thanh tra thuộc đối tượng giám sát của cơ Quốc hội và HĐND. Tuy nhiên, hoạt động thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành là công việc đặc thù, quy trình giám sát chặt chẽ, đối tượng thanh tra rộng, kết luận thanh tra liên quan đến việc xử lý về kinh tế và việc thực hiện chức trách nhiệm vụ của cán bộ, công chức. Thực tế hiện nay các cơ quan Quốc hội và HĐND đang giám sát việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng, đối với hoạt động thanh tra chuyên ngành, việc chấp hành quy định pháp luật về quy trình thanh tra và việc thực hiện kết luận thanh tra do chưa có quy định cụ thể trong luật thanh tra nên trong thời gian qua chưa được giám sát, nhất là hoạt động giám sát chuyên đề.

Trong quá trình các Đoàn thanh tra thực hiện nhiệm vụ, có nhiều ý kiến cử tri và doanh nghiệp phản ánh và kiến nghị HĐND tăng cường tổ chức giám sát hoạt động này, đảm bao minh bạch, tránh việc nhũng nhiễu, gây khó khăn cho đối tượng được thanh tra. Trong lần sửa đổi này, để có cơ sở pháp luật chặt chẽ cho hoạt động giám sát của cơ quan Quốc hội và HĐND, đại biểu đề nghị bổ sung quy định trách nhiệm giám sát của Quốc hội và HĐND đối với hoạt động thanh tra, trong đó xác định rõ phạm vi, nội dung được giám sát như đã quy định trong Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015.

Các đại biểu Quốc hội tham dự Phiên họp

Thứ tư, Luật Thanh tra quy định và trao quyền cho cơ quan thanh tra và các đoàn thanh tra, cũng như quy định trình tự, nghiệp vụ thanh tra rất chặt chẽ từ việc xây dựng kế hoạch, tổ chức thu thập, xác minh thông tin tài liệu, giám sát hoạt động thanh tra, thẩm định kết luận thanh tra.

Cử tri và nhân dân đặt câu hỏi, trong thời gian qua rất nhiều cá nhân, địa phương, cơ quan nhà nước, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước có sai phạm về kinh tế bị khởi tố hình sự với những sai phạm trong thời gian dài không bị phát hiện. Trong khi đó hầu hết các tổ chức, cá nhân này đều được các cơ quan thanh tra tổ chức thanh tra, kết luận nhưng kiến nghị khởi tố hàng năm còn ít. Điều 51 dự thảo Luật có quy định xử lý vi phạm pháp luật của người ra quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra. Tuy nhiên, quy định như dự thảo còn rất chung chung, chủ yếu quy định nguyên tắc, trên thực tế sẽ khó áp dụng. Để nâng cao chất lượng Kết luận thanh tra, trách nhiệm Đoàn thanh tra, đại biểu đề nghị quy định cụ thể hành vi vi phạm và chế tài xử lý vi phạm. Bổ sung quy định điều kiện, mức độ vi phạm qua thanh tra chuyển cơ quan điều tra xem xét xử lý đảm bảo chặt chẽ, khả thi. 

Thứ năm, Điều 43 dự án Luật, quy định về “Áp dụng pháp luật về hoạt động thanh tra”. Nội dung điều luật quy định việc áp dụng pháp luật thanh tra; giao Chính phủ quy định chi tiết về hoạt động thanh tra và quy định trong trường hợp cần thiết giao Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan nhà nước khác có tổ chức cơ quan thành tra nhà nước có trách nhiệm hướng dẫn quy trình nghiệp vụ về thanh tra.

Đối chiếu với các điều luật khác của luật này và quy định pháp luật có liên quan. Đại biểu đề nghị bỏ điều này, vì nội dung của điều luật này đã được quy định tại Điều 1“Phạm vi điều chỉnh”; việc giao Chính phủ quy định chi tiết về hoạt động thanh tra đã được quy định trong Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật không cần thiết phải nêu lại nội dung này.

Bên cạnh đó, việc giao cho Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan nhà nước khác có tổ chức thanh tra có trách nhiệm hướng dẫn quy trình nghiệp vụ về thanh tra chuyên ngành, sẽ không đảm bảo sự thống nhất về quy trình thanh tra giữa các cơ quan thanh tra, nảy sinh thêm nhiều thủ tục, khó khăn cho đối tượng được thanh tra. Đại biểu đề nghị quy định thống nhất giao Thanh tra Chính phủ hướng dẫn quy trình./.

Đức Hải

Các bài viết khác