ĐBQH NGUYỄN THỊ MAI HOA: THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC, CẤP CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ LÀ BƯỚC ĐỘT PHÁ ĐÀO TẠO Y KHOA

15/07/2022

Góp ý vào dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp nêu quan điểm, một kỳ thi chung để đánh giá năng lực bảo đảm chính xác, công bằng và có thể coi việc thi đánh giá năng lực, cấp chứng chỉ hành nghề là bước đột phá để tạo động lực đổi mới toàn diện đào tạo ngành y.

Kỳ thi đánh giá năng lực, cấp chứng chỉ hành nghề là bước đột phá để đổi mới toàn diện đào tạo ngành y khoa

Góp ý vào dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp đồng tình với quy định thi đánh giá năng lực cấp chứng chỉ hành nghề theo niên hạn. Đại biểu phân tích, theo quy định của nhiều nước, kể cả Lào và Campuchia, để được cấp chứng chỉ hành nghề, bác sĩ phải vượt qua một kỳ thi quốc gia để đánh giá các kỹ năng thực hành y khoa nhằm hạn chế tối đa các sai sót chuyên môn, đảm bảo việc khám, chữa bệnh chất lượng và an toàn. Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa cho biết, có một thời gian Campuchia từng không công nhận bằng đào tạo ngành y của Việt Nam và đến năm 2018, khi có sự can thiệp của Thủ tướng Hun Sen thì Bộ trưởng Bộ Y tế Campuchia mới công bố quyết định công nhận bằng bác sĩ được các tổ chức pháp lý trong lĩnh vực y tế tại Việt Nam công nhận. Như vậy, rõ ràng muốn được thừa nhận lẫn nhau giữa các quốc gia về chứng chỉ hành nghề bắt buộc chúng ta phải có một mô hình đào tạo tương đồng.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa cũng cho rằng hiện nước ta có 27 trường đào tạo khối ngành y, điểm đầu vào cũng như chất lượng đào tạo khác nhau, nhưng với quy định hiện hành chưa có bất cứ một tiêu chí nào để phân định chất lượng giữa các sản phẩm của các trường này. Do vậy, cần có một kỳ thi chung để đánh giá năng lực bảo đảm chính xác, công bằng và có thể coi việc thi đánh giá năng lực, cấp chứng chỉ hành nghề là bước đột phá để tạo động lực đổi mới toàn diện đào tạo ngành y khoa. Đại biểu cho rằng đây là chính sách mới, vì vậy đề nghị cần phải có một lộ trình bảo đảm tính khả thi và có một quy trình đủ chặt để bảo đảm nghiêm túc, chính xác, khách qua và để tránh hình thức cần có đủ chế định về cơ cấu tổ chức bộ máy sẽ làm việc này.

Cho ý kiến về thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề ở khoản 1 Điều 26 dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), hiện có 2 phương án với 2 luồng ý kiến khác nhau. Qua nghiên cứu, đại biểu bày tỏ nhiều băn khoăn, bởi theo xu thế phát triển và hội nhập, quy định giao Hội đồng Y khoa quốc gia cấp và thu hồi giấy phép hành nghề là một mô hình lý tưởng, cũng như việc quy định về tổ chức Hội đồng Y khoa quốc gia là một điểm mới, là một bước tiến bộ lớn trong lộ trình đổi mới công tác đào tạo y khoa, thực hiện đúng các cam kết hội nhập quốc tế về chuẩn năng lực của ngành y và tiến tới công nhận văn bằng chứng chỉ của nhau.

Tuy nhiên, vấn đề là làm sao để Hội đồng Y khoa quốc gia có được thực quyền và làm sao để hoạt động thi và cấp giấy phép hành nghề phải thực chất, tránh hình thức. Điều này phụ thuộc vào cơ cấu thành phần và địa vị pháp lý của tổ chức này. Đại biểu nêu thực tế, từ khi chính thức được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định thành lập vào cuối năm 2020 đến nay, Hội đồng Y khoa quốc gia Việt Nam vẫn chỉ mang tính chất là cơ quan giúp việc cho Bộ trưởng Bộ Y tế, do Bộ trưởng Bộ Y tế giữ chức vụ kiêm nhiệm, Chủ tịch Hội đồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế giữ chức Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng hoạt động chuyên trách. Còn các chức vụ kiêm nhiệm Phó Chủ tịch Hội đồng do một Thứ trưởng Bộ Y tế và một số lãnh đạo, cục chuyên môn của Bộ Y tế nắm giữ. Theo quan điểm của đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, nếu vẫn duy trì cơ cấu và địa vị pháp lý này thì việc quy định Hội đồng Y khoa quốc gia trong luật này chỉ mang tính hình thức và không khả thi. Do đó, để có căn cứ cho đại biểu lựa chọn phương án thì đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định rõ địa vị pháp lý, việc thành lập tổ chức và hoạt động của Hội đồng Y khoa quốc gia với tư cách là một cơ quan độc lập với Bộ Y tế và hoạt động thuần túy về chuyên môn. Mặc dù đã có báo cáo giải trình, tuy nhiên đại biểu thấy như vậy vẫn chưa thuyết phục.

Quy định bác sĩ nước ngoài phải “biết tiếng Việt thành thạo”: Chỉ thuận cho công tác quản lý, thiệt cho người bệnh.

Về vấn đề sử dụng ngôn ngữ trong khám, chữa bệnh của người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài tại Việt Nam quy định tại Điều 24. Cụ thể: “Người hành nghề là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài (sau đây viết tắt là người hành nghề nước ngoài) đăng ký hành nghề khám bệnh, chữa bệnh tại Việt Nam phải biết tiếng Việt thành thạo, trừ trường hợp người hành nghề nước ngoài chỉ đăng ký khám bệnh, chữa bệnh cho người có cùng ngôn ngữ mẹ đẻ (mother toungue). Việc đánh giá mức độ thành thạo tiếng Việt thực hiện theo quy định của pháp luật về giáo dục.

Người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài vào Việt Nam để khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo, đào tạo thực hành về khám bệnh, chữa bệnh và chuyển giao kỹ thuật chuyên môn về khám bệnh, chữa bệnh không phải biết tiếng Việt thành thạo. Việc sử dụng ngôn ngữ không phải là tiếng Việt trong khám bệnh, chữa bệnh thực hiện theo quy định của Chính phủ”.

Cho ý kiến về quy định này, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa không đồng tình với phương án trong dự thảo vì 5 lý do:

Thứ nhất, tiêu chí biết tiếng Việt thành thạo trong luật này rất khó xác định. Dù cuối khoản 1 có quy định là việc đánh giá mức độ thành thạo tiếng Việt thực hiện theo quy định của pháp luật về giáo dục. Nhưng khi đối chiếu với Luật Giáo dục 2019 và một số các Luật Giáo dục thì chỉ quy định tiếng Việt là ngôn ngữ chính thức dùng trong cơ sở giáo dục, hoàn toàn không đề cập tới mức độ thành thạo và tiếng Việt là thuật ngữ chuyên môn của ngành y thì càng không thể quy định trong Luật Giáo dục. Mặt khác, trong cuộc cách mạng 4.0, việc dịch thuật giữa các ngôn ngữ khác nhau cũng ngày càng được máy móc hỗ trợ tốt hơn và đến một lúc quy định "biết tiếng Việt thành thạo" chắc chắn sẽ lạc hậu.

Thứ hai, theo tờ trình của Chính phủ, hầu hết các nước phát triển và các nước trong khu vực đều quy định "nếu người hành nghề là người nước ngoài thì phải biết tiếng bản địa". Tuy nhiên, qua nghiên cứu thực tế các nước trong khối ASEAN cho thấy dù mỗi nước có thể quy định khác nhau hoặc đơn giản như là Campuchia, Myanmar, Indonesia, hoặc quy định nghiêm ngặt như là Singapore, Thái Lan, Philippines, Malaysia, nhưng duy nhất chỉ có Lào quy định bác sĩ nước ngoài muốn hành nghề tại Lào phải thành thạo ngôn ngữ Lào.

Thứ ba, việc dùng rào cản ngôn ngữ để hạn chế các bác sĩ nước ngoài đến hành nghề khám, chữa bệnh tại Việt Nam chỉ thuận cho công tác quản lý nhưng gây khó khăn cho các cơ sở khám, chữa bệnh và thiệt thòi cho người bệnh trong nước, vì khó có cơ hội tiếp cận đội ngũ bác sĩ chất lượng ở nước ngoài.

Thứ tư, theo dự báo, nhu cầu du lịch chữa bệnh, du lịch chăm sóc sức khỏe ngày càng phổ biến và phát triển, đây là một xu thế xuất hiện ngày càng nhiều ở Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc, Thái Lan và Indonesia. Việt Nam là một nước có nhiều tiềm năng về du lịch nghỉ dưỡng và y tế, cũng cần tính tới việc mở rộng các cơ sở khám, chữa bệnh chất lượng cao có sử dụng lực lượng y, bác sĩ là người nước ngoài để thu hút khách du lịch tới Việt Nam kết hợp với dịch vụ khám, chữa bệnh. Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa đề nghị ban soạn thảo cần có phân tích, đánh giá.

Thứ năm, theo thỏa thuận công nhận lẫn nhau về hành nghề khám, chữa bệnh của các nước trong khối ASEAN mà Việt Nam đã ký kết vào năm 2008, có nhiều nội dung về các điều kiện cần thiết để một bác sĩ nước ngoài thuộc khối ASEAN đến hành nghề, một nước khác. Ví dụ như phải được nước xuất xứ cấp phép đủ điều kiện về chuyên môn, đạo đức và pháp lý để hành nghề khám, chữa bệnh tại nước xuất xứ hoặc phải đăng ký và được cấp phép hành nghề khám, chữa bệnh tại nước xuất xứ và phải được đăng ký để được cấp phép hành nghề khám, chữa bệnh tại nước sở tại theo các điều kiện cụ thể và phải tuân thủ các quy định pháp luật riêng của nước chủ nhà về hành nghề khám, chữa bệnh.

Luật hiện hành có 2 điều riêng quy định điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề đối với người Việt Nam và đối với người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài ở Điều 18 và 19. Tuy nhiên, sang dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3 chỉ có Điều 19 quy định chung các trường hợp và điều kiện cấp giấy phép hành nghề, không phân biệt giữa người hành nghề là người Việt Nam hay người nước ngoài.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa bày tỏ băn khoăn nếu bỏ các quy định trong luật hiện hành thì những quy định, thỏa thuận công nhận lẫn nhau về hành nghề khám, chữa bệnh của các nước trong khối ASEAN sẽ được cụ thể hóa trong dự thảo luật này như thế nào? Tại sao chỉ quan tâm mỗi vấn đề ngôn ngữ? Như vậy đã đủ hành lang pháp lý để bảo vệ quyền lợi cho người bệnh trong nước hay chưa? Vì vậy, đại biểu hai đề nghị ban soạn thảo giữ như quy định hiện hành về ngôn ngữ đối với người hành nghề là người nước ngoài. Đồng thời cần khôi phục một điều về điều kiện để cấp chứng chỉ hành nghề tại Việt Nam đối với người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài để cụ thể hóa những quy định trong thỏa thuận công nhận lẫn nhau về hành nghề khám, chữa bệnh của các nước trong khối ASEAN mà Việt Nam đã ký kết./.

Lan Hương