Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh – Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình nhận thấy, công tác lập và triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay tiếp tục có nhiều cải tiến, đổi mới thiết thực và hiệu quả. Lần đầu tiên, Đảng đoàn Quốc hội cùng với các cơ quan, tổ chức xây dựng trình Bộ Chính trị Đề án định hướng xây dựng chương trình pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Theo đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, Bộ Chính trị đã thông qua Đề án và ban hành kết luận để các cơ quan, tổ chức chủ động triển khai thực hiện. Trách nhiệm của các chủ thể trong quy trình xây dựng luật tiếp tục được tăng cường. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã dành nhiều sự quan tâm trong công tác xây dựng thể chế. Ủy ban Thường vụ Quốc hội có nhiều đổi mới trong công tác lập pháp. Đồng chí Chủ tịch Quốc hội, các đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội chỉ đạo sát sao, bố trí nhiều cuộc làm việc với tinh thần vào cuộc từ sớm, từ xa. Các cơ quan thẩm tra đề cao tinh thần trách nhiệm, tiến hành thẩm tra tích cực, khẩn trương, kỹ lưỡng. Do vậy, chất lượng các dự án, văn bản luật, nghị quyết được nâng lên, tuy nhiên công tác lập, triển khai chương trình còn nhiều hạn chế.
Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình.
Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh đồng tình với những hạn chế và nguyên nhân như trong Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đây là những hạn chế đã tồn tại nhiều năm nhưng chưa được khắc phục triệt để. Vì vậy, đề nghị Chính phủ và các cơ quan hữu quan cần có những giải pháp đủ mạnh, quyết liệt hơn để khắc phục triệt để những hạn chế đó. Ngoài ra, cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật, trong đó chú trọng xem xét trách nhiệm của người đứng đầu trong việc trình các dự án luật không đảm bảo chất lượng hoặc tiến độ. Đồng thời, Quốc hội cũng nâng cao hơn nữa tính hiệu lực của chương trình, kiên quyết hơn trong việc không tiến hành thẩm tra, xem xét, cho ý kiến đối với những dự án luật trình không đúng thời hạn hoặc không đảm bảo chất lượng.
Về điều chỉnh Chương trình xây dựng luật năm 2022, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh nhất trí với Ủy ban Thường vụ Quốc hội về những nội dung đề nghị điều chỉnh Chương trình xây dựng luật năm 2022, trong đó có việc cho phép lùi thời hạn trình dự án Luật Đất đai (sửa đổi) từ kỳ họp thứ 3 sang kỳ họp thứ 4 để Chính phủ có thêm thời gian nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng, để thể chế hóa đầy đủ chủ trương, chính sách của Đảng về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy yêu cầu sửa đổi Luật Đất đai là rất cấp thiết. Do vậy, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh đề nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo các cơ quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự án luật để trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 4, đảm bảo tiến độ và chất lượng.
Về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh nhận thấy các dự án luật do Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình đều trên cơ sở yêu cầu của thực tiễn và nhiệm vụ lập pháp được đề ra trong Đề án định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Tuy nhiên, tại kỳ họp thứ 6, chỉ có hai dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến. Với đề nghị như vậy thì chương trình năm 2023 lại tiếp tục thiếu tính dự báo, tiếp nối cho năm 2024 và những năm tiếp theo. Do vậy, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh đề nghị Chính phủ và các cơ quan liên quan rà soát, nghiên cứu, triển khai các yêu cầu tại các nghị quyết, kết luận của Trung ương, các điều ước quốc tế mà Việt Nam làm thành viên, đặc biệt là những vấn đề yêu cầu thực tiễn đặt ra và trên cơ sở các nhiệm vụ xây dựng pháp luật được xác định tại Đề án định hướng và Kế hoạch số 81 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để khẩn trương nghiên cứu, bổ sung vào Chương trình xây dựng luật và pháp lệnh năm 2023 và những năm tiếp theo. Trong đó, quan tâm xem xét vấn đề thực tiễn đặt ra hiện nay, đó là cần thiết phải nghiên cứu phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây là một trong 3 khâu đột phá phát triển đất nước. Yêu cầu đặt ra là phải tạo môi trường và điều kiện để phát triển thị trường lao động hiện đại, thông thoáng, thống nhất nâng cao hiệu quả đào tạo nhằm nâng cao kỹ năng đáp ứng nhu cầu thị trường lao động trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Hơn nữa, kinh tế số và kỷ nguyên công nghệ số đang mang đến những cơ hội bứt phá về năng suất lao động, phát triển nhân lực chất lượng cao, nhưng chính cơ hội này cũng là thách thức, đòi hỏi phải có những đổi mới trong quản lý nhà nước về đào tạo, phát triển và sử dụng lao động.
Từ thực tiễn đó, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu, bổ sung dự án Luật Việc làm (sửa đổi) để đưa vào chương trình. Dự án luật này cũng nằm trong các nhiệm vụ cần nghiên cứu, rà soát để đề xuất sửa đổi, bổ sung trong Kế hoạch số 81 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội./.