ĐBQH TRẦN THỊ THU HẰNG: CHÍNH PHỦ CẦN NHANH CHÓNG HOÀN THIỆN HỆ THỐNG CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT LIÊN QUAN ĐẾN THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ

21/07/2022

Góp ý vào kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2021, đại biểu Trần Thị Thu Hằng - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông cho rằng, vẫn còn xảy ra tình trạng tuỳ tiện, lãng phí trong quản lý sử dụng tài sản công; mua sắm phương tiện, thiết bị làm việc của cơ quan, tổ chức trong khu vực nhà nước; lãng phí trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, nhất là đất đai; trong công tác đào tạo, bồi dưỡng các quy định về chứng chỉ. Do đó kiến nghị Chính phủ cần nhanh chóng hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương: 109 dự án chậm tiến độ không thể đổ hết cho cơ chế

Đại biểu Trần Thị Thu Hằng - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông 

Qua nghiên cứu báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2021, đại biểu Trần Thị Thu Hằng - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông tán thành cao với nhiều nội dung trong các báo cáo, đồng thời đánh giá cao sự nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong thực hiện theo chỉ đạo quyết liệt việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong điều kiện đại dịch COVID-19. Đại biểu nhấn mạnh, những kết quả đạt được trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm qua nhằm tập trung nguồn lực cho đầu tư, phát triển công tác phòng chống dịch và an sinh xã hội là rất đáng trân trọng.

Góp ý về quản lý sử dụng tài sản công, đại biểu Trần Thị Thu Hằng nêu rõ, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý tài sản công còn một số tồn tại, hạn chế. Đó là nhận thức trách nhiệm của một bộ phận người đứng đầu cơ quan, đơn vị về quản lý, sử dụng tài sản công chưa cao. Việc cập nhật phổ biến tập huấn các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công chưa kịp thời. Quá trình thanh lý tài sản là trụ sở làm việc, công trình sự nghiệp để đầu tư xây dựng mới còn nhiều bất cập, nhất là đối với những tài sản có giá trị thấp, do quy trình thanh lý Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh mất nhiều thời gian, không kịp thời trong việc xử lý tài sản. Việc quản lý đất công, nhà công chưa chặt chẽ về tổ chức, cá nhân và người dân lấn chiếm, sử dụng sai mục đích nhưng chậm được xem xét, xử lý theo quy định. Hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với việc chấp hành pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước của một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa được quan tâm đúng mức.

Đề cập đến việc mua sắm phương tiện, thiết bị làm việc, đại biểu Trần Thị Thu Hằng nhận thấy, trong mua sắm phương tiện, thiết bị làm việc của cơ quan, tổ chức trong khu vực nhà nước, nhân dân hiện nay rất quan tâm đến những sai phạm trong việc mua sắm vật tư, trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống dịch trong thời gian gian vừa qua. Với những vụ việc liên quan đến Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế AIC, đại biểu đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan cũng như khách quan từ cơ chế chính sách, pháp luật để có giải pháp khắc phục triệt để trong thời gian tới.

Liên quan đến lĩnh vực tài nguyên và môi trường, nhất là lĩnh vực đất đai - lĩnh vực luôn mang tính thời sự, nhạy cảm, đại biểu Trần Thị Thu Hằng nêu rõ, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực ngành chưa được đồng bộ, còn nhiều vấn đề bất cập, tồn tại, dễ phát sinh tiêu cực, lãng phí, sai phạm. Thực tế đã xảy ra nhiều sai phạm trong lĩnh vực này ở nhiều nơi trong cả nước, nhiều lãnh đạo các cấp bị xử lý kỷ luật, thậm chí là bị khởi tố. Do đó nếu không tháo gỡ kịp thời sẽ ảnh hưởng đến công tác đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương nói riêng và cả nước nói chung. Vì vậy, đại biểu Trần Thị Thu Hằng đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành trung ương nghiên cứu tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế, chính sách cho vấn đề này.

Đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng các quy định về chứng chỉ, đại biểu nêu rõ, trong thời gian vừa qua, Bộ Nội vụ có nhiều cố gắng trong việc rà soát, bãi bỏ nhiều loại chứng chỉ, vì vậy từng bước tháo gỡ được nhiều vướng mắc khó khăn cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tuy nhiên, đại biểu Trần Thị Thu Hằng cũng chỉ rõ, công tác đào tạo, bồi dưỡng còn chậm đổi mới. Hiện nay công tác đào tạo, bồi dưỡng còn nhiều trùng lắp giữa các cấp đào tạo, bồi dưỡng, nhiều quy định về chứng chỉ trở thành giấy phép con trong công tác quy hoạch, bổ nhiệm, thi nâng lương, chuyển ngạch và gây lãng phí về thời trang, công sức, ngân sách của Nhà nước lẫn bản thân những cá nhân có liên quan. Bên cạnh đó, nhiều quy định chưa rõ nên mỗi địa phương, đơn vị sẽ có những cách hiểu quy định khác nhau. Từ những tồn tại đó, đại biểu Trần Thị Thu Hằng đề nghị Chính phủ, Bộ Nội vụ, các bộ, ngành có liên quan cần rà soát, hướng dẫn thống nhất để có hướng khắc phục những vấn đề này.

Về nhiệm vụ, giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022, đại biểu cơ bản nhất trí với 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong Báo cáo của Chính phủ. Đồng thời nhấn mạnh những nội dung sau:

Thứ nhất, Chính phủ cần tiếp tục và nhanh chóng hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Thứ hai, chỉ đạo, rà soát tổng thể hệ thống văn bản liên quan đến lĩnh vực này, đồng thời sửa đổi, bổ sung, ban hành mới những văn bản liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nhằm đáp ứng với phát sinh mới từ thực tiễn, đặc biệt là khung định mức, tiêu chuẩn chi tiết cụ thể, rõ ràng cho từng lĩnh vực

Thứ ba, việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí với chế tài đủ mạnh để cảnh tỉnh và đủ sức răn đe, nhằm bảo vệ, chống thất thoát, lãng phí các nguồn lực của đất nước từ sớm, từ xa, nhất là đội ngũ cán bộ./.

Bích Ngọc

Các bài viết khác